Home » Kinh doanh » Những nghịch lý trên thị trường sữa bột
Hiện đang tồn tại nhiều nghịch lý trên thị trường sữa bột, cản trở cạnh tranh bình đẳng.

“Nhu cầu về sữa còn tiếp tục gia tăng và tiềm năng phát triển thị trường sữa Việt Nam còn lớn”, báo cáo đánh giá cạnh tranh trong 10 lĩnh vực của nền kinh tế do Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) đưa nhận định.

Bình quân mức tăng trưởng tiêu thụ sữa toàn thị trường giai đoạn 2001-2008 đạt 9,06%/năm.

Theo cơ quan này, đến năm 2015 nhu cầu sữa bột trong nước có thể tăng 60% so với năm 2009, lên mức khoảng 80 nghìn tấn. Trong giai đoạn 2016-2020, bình quân tiêu thụ hàng năm khoảng 120 nghìn tấn… Tuy nhiên, hiện đang tồn tại nhiều nghịch lý trên thị trường này, cản trở cạnh tranh bình đẳng.

Thị trường phát triển nhanh

Theo Cục Quản lý cạnh tranh, sữa là một trong những mặt hàng có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất và khá ổn định trong các ngành thực phẩm tại Việt Nam, với tỷ suất lợi nhuận tương đối cao. So với các nước trong khu vực, các đánh giá của một số công ty nghiên cứu thị trường cũng cho biết thị trường sữa bột Việt Nam tăng trưởng khá cao so với nhiều nước.

Giai đoạn 2000 – 2005, mức tiêu thụ sữa bình quân đầu người đã tăng gấp rưỡi. Năm 2008, chỉ tiêu này tiếp tục tăng khoảng 21,2% so với 2005. Quy mô tiêu thụ sữa của toàn thị trường vào năm này đạt 1.257 triệu lít quy đổi. Bình quân mức tăng trưởng tiêu thụ sữa toàn thị trường giai đoạn 2001-2008 đạt 9,06%/năm.

Thị trường với tổng giá trị đạt khoảng 10 nghìn tỷ đồng này hiện đang phụ thuộc khá lớn vào nguồn nhập khẩu. Rất nhiều hãng sữa lớn trên thế giới đã hiện diện trên thị trường với chủng loại sản phẩm phong phú, đa dạng về mẫu mã, giá cả và… chất lượng. Nguồn gốc nhập khẩu chủ yếu từ Tây Ban Nha, New Zealand, Ireland, Đan Mạch, Hà Lan, Phần Lan, Thái Lan, Malaysia,…

Ngoài ra, còn một lượng hàng khác được nhập qua đường hàng xách tay; một số doanh nghiệp cũng nhập khẩu một vài tấn đến vài container để phân phối bán lẻ, tuy nhiên những dạng kinh doanh này chiếm tỷ trọng rất nhỏ trên thị trường.

Kim ngạch nhập khẩu sữa bột liên tục tăng mạnh trong những năm qua. Năm 2007 có gần 7,1 triệu hộp sữa bột được nhập khẩu vào Viêt Nam, đến năm 2008 đã tăng thêm 17,3% lên trên 8,3 triệu hộp…

Đánh giá về tiềm năng phát triển của thị trường, Cục Quản lý cạnh tranh cho rằng, với tốc độ tăng dân số khoảng 1,2%/năm; GDP tăng trưởng 6-8%/năm và tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng còn ở mức cao, khoảng 20%,… là những yếu tố thuận lợi cho sự phát triển của thị trường sữa.

Với việc trở thành thành viên WTO và AFTA, Việt Nam cũng đã cam kết hạ mức thuế suất thuế nhập khẩu sản phẩm và nguyên liệu sữa. Thuế giá trị gia tăng cho các sản phẩm sữa bột tại Việt Nam hiện cũng ở mức trung bình so với các nước trong khu vực. Đây cũng là điều kiện có lợi cho việc phát triển thị trường sữa bột Việt Nam.

Nhưng không dễ gia nhập thị trường

Tuy nhiên, có rất nhiều rào cản đối với doanh nghiệp gia nhập thị trường. Để đưa một dây chuyền sản xuất sữa bột vào hoạt động cần thời gian khoảng 2-3 năm với giá trị đầu tư khoảng 50-60 triệu USD. Tuy công nghệ không đòi hỏi phức tạp nhưng yêu cầu tính chính xác cao của đầu vào (sữa nền và vi chất) và yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm. Đây là vấn đề đối với các doanh nghiệp muốn tự chủ và vươn lên trên thị trường.

Thêm vào đó, nguồn nguyên liệu sữa tại Việt Nam còn khiêm tốn, chỉ đáp ứng được khoảng 20-28% đầu vào sản xuất sữa mà chủ yếu lại tập trung cho sản xuất sữa tươi và sữa đặc. Đây là một trong những rào cản khiến các doanh nghiệp, đặc biệt là tư nhân, không sẵn sàng chi phí để đầu tư dây chuyền sản xuất sữa bột.

Do đó, ngoại trừ Vinamilk, hầu hết doanh nghiệp chọn phương án chỉ đầu tư dây chuyền trộn sữa với hạn mức đầu tư thấp hơn. Thay vào đó, họ nhập khẩu sữa nền từ Mỹ, Úc, New Zealand, Hà Lan… đồng thời nhập vi chất và tiến hành trộn theo công thức do doanh nghiệp nghiên cứu hoặc mua lại từ tổ chức nghiên cứu dinh dưỡng.

Nhưng nếu chỉ đầu tư dây chuyền đấu trộn từ nguồn nguyên liệu nhập khẩu, vẫn còn một rào cản tự nhiên khác là tâm lý sính ngoại của người tiêu dùng Việt Nam và khá trung thành với sản phẩm, nhãn hiệu được cho là hợp với trẻ em. Hạn chế về kiến thức dinh dưỡng, về sản phẩm dẫn đến những quan niệm sai lầm như giá cao sẽ gắn với chất lượng tốt. Nhiều bà mẹ, dù thu nhập không cao những vẫn sẵn sàng lựa chọn cho con mình các loại sữa đắt tiền.

Chính vì vậy, ngay cả khi sữa nội và ngoài cùng sản xuất từ một nguồn sữa nguyên liệu nhập khẩu, sản phẩm mác ngoại có xu hướng được người tiêu dùng ưa chuộng hơn. Giai đoạn từ 2007-2009, sản lượng bán nhóm sữa bột của các hãng sữa nước ngoài chiếm xấp xỉ 70% toàn thị trường.

Theo danh sách các doanh nghiệp nhập khẩu sữa do Tổng cục Hải quan thống kê, năm 2008-2009 có tới 230 doanh nghiệp nhập khẩu sữa bột thành phẩm và sữa bột nguyên liệu. Mặc dù vậy, trên thực tế chỉ một lượng nhỏ các doanh nghiệp có thể tồn tại và mở rộng thị phần. Riêng Abbott, Dutch Lady, Vinamilk, Dumex, Mead Johnson, Nestlé đã chiếm gần 90% thị phần sữa bột tại Việt Nam.

Trong khi đó, các hãng sữa ngoại thường chỉ có một nhà phân phối độc quyền trên lãnh thổ Việt Nam nên điều này đã hạn chế các doanh nghiệp khác tham gia vào chuỗi cung ứng của những thương hiệu được ưu chuộng.

Nghịch lý tăng giá bán, sản lượng tăng theo

Tâm lý sính ngoại, tin tưởng vào sản phẩm giá cao, trung thành với nhãn sữa… trở thành yếu tố thuận lợi để các hãng sữa cân nhắc việc tăng giá thu lợi nhuận. Theo Cục Quản lý cạnh tranh, trong bối cảnh như vậy, nguy cơ mất khách hàng, sụt giảm sản lượng bán từ việc tăng giá dường như cũng giảm thiểu. Thậm chí, một số trường hợp còn có thể là yếu tố thuận lợi cho doanh số bán.

“Theo một số chuyên gia, việc tăng giá không ảnh hưởng nhiều đến sản lượng bán. Thậm chí một số doanh nghiệp lợi dụng thực tế trên để kích cầu tiêu thụ sản phẩm thông qua việc tăng giá bán”, báo cáo cho biết.

Điều này có thể thấy trên thực tế. Mặc dù nhập khẩu với tỷ lệ lớn nhưng giá sữa bột tại Việt Nam không theo xu thế của thị trường thế giới, hay giá nguyên liệu nhập khẩu. “Số liệu so sánh giá cho thấy một hiện tượng rất đáng lưu ý là trong khi giá nguyên liệu sữa thế giới có xu hướng giảm mạnh thì giá sữa bột tại Việt Nam không giảm, thậm chí có thời điểm còn tăng cao”, Theo Cục Quản lý cạnh tranh nhìn nhận.

Nguyên nhân của hiện tượng này, có phần do mức độ tập trung kinh tế tương đối cao trong ngành sữa bột. Hiện nay, thị trường sữa bột Việt Nam hiện diện sự thống trị của một vài hãng sữa lớn. 4 hãng hàng đầu đã chiếm gần 80% thị phần của ngành này.

Lớn nhất là Abbott với 37,9% thị phần tại thị trường sữa bột Việt Nam, theo số liệu của năm 2008. Tiếp đến, Friesland Campina (Dutch Lady) chiếm 16,5%; Vinamilk chiếm 14,7%; Dumex chiếm 8,1%.

Sự tập trung kinh tế trong ngành sữa bột cũng có xu hướng tăng lên sau các thương vụ mua bán, sáp nhập của một số thương hiệu lớn. Năm 2007, ANCO đã mua lại nhà máy sữa Nestlé tại Ba Vì, hay Dutch Lady đã sáp nhập với Campina để trở thành Friesland Campina (năm 2009)… Friesland Campina kỳ vọng đưa doanh số tại Việt Nam lên mức 350 triệu USD ngay trong năm đầu sáp nhập và tăng gấp đôi sau 3 năm, thị phần tăng bình quân 1%/năm…

Theo Cục Quản lý cạnh tranh, các rào cản về tài chính, công nghệ, tập quán người tiêu dùng và độc quyền phân phối… đã góp phần làm cho nguy cơ xảy ra các vấn đề cạnh tranh cao hơn, đặc biệt là quảng cáo sai sự thật, gièm pha, nói xấu đối thủ, tiếp cận với bác sỹ, y tá, bà mẹ mang thai để quảng cáo…

Theo NDHMoney

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc