Home » Xã hội » ‘Thần y’ chữa bệnh bằng… niệm chú
Thời gian gần đây, nhiều người dân vùng núi tây nam Thanh Hóa rỉ tai nhau đồn đại về một “thần y” có tài chữa bách bệnh bằng…. niệm chú và cúng “ma xó”. Thực tế người được cho là “giáng thế” này là một người đàn ông nghiện rượu có tài… bịp bợm.
“Thần y” hay “thần… nghiện rượu”?

Người tự xưng “thần y” là Hà Văn Dụ, 57 tuổi, người dân tộc Mường (ngụ xóm 9, xã Thanh Kỳ, Như Thanh, Thanh Hóa). Chính quyền địa phương cho biết gia đình ông di cư từ Hòa Bình vào các huyện cận tây Thanh Hóa lập nghiệp, theo nghề “cha truyền con nối” trước đây là thầy cúng. Gần đây, ông Dụ tung tin đồn là mình có “công năng đặc biệt” để “lấn sân” sang nghề… bốc thuốc chữa bệnh. Để tạo lòng tin cho nhiều người, “thần y” còn tung tin đồn là từng có đài truyền hình vào “xin xỏ” ông cho quay phim để nêu “điển hình tiên tiến” nhưng ông không đồng ý bởi theo ông lý giải thì “chữa bệnh nan y không nên để báo chí biết mặt đặt tên”.

Dù là buổi trưa nhưng khi chúng tôi có mặt, đã thấy hàng chục người im ắng ngồi chờ trước sân với vẻ thành kính. Một phụ nữ đứng tuổi thấy tôi mấp máy môi định hỏi liền: “Suỵt! Thầy đang khấn, đừng hỏi gì nhé”. Trong gian nhà phía bên trái có khoảng 10 người ngồi chờ đến lượt vào “chữa bệnh”, mỗi người đều bê theo 1 mâm lễ gồm: trầu cau, trứng gà, rượu, phong bì… “Thần y” mặc bộ đồ màu nâu gụ ngồi giữa chiếu quay lưng ra ngoài, lầm rầm khấn bái bằng “ngôn ngữ lạ”, đôi khi hoa tay múa chân kỳ quái. Một anh đứng cạnh tôi len lén chỉ vào hộp gỗ đặt bên góc bàn thờ trong nhà: “Ma xó – vệ sĩ của thầy đấy”.

“Thần y” đang khấn bỗng quay ra nhìn khắp lượt rồi nói: “Nghỉ đã, mệt quá, tí làm tiếp”. “Thầy” quay ra lột bỏ bộ quần áo ngoài lộ nguyên y phục bên trong là quần kaki trắng, áo thun, dáng người gầy, mặt đỏ gay, miệng nồng nặc hơi rượu.

Thần y’ chữa bệnh bằng… niệm chú

“Thần y” đại bịp đang cúng bái

Đến lượt, tôi lễ mễ bưng vào mâm lễ gồm: lá trầu tươi, trứng gà sống và phong bì. Thầy hé mắt nhìn thấy góc tờ tiền 50 ngàn rồi nhếch miệng cười. Trước tiên, y hỏi tên tuổi, địa chỉ của tôi, rót 5 chén rượu, bày trầu ra đĩa, đặt quả trứng gà lên giữa đĩa trầu, thắp 3 que hương rồi đội lên đầu khấn vái. Khấn xong, y rắc rượu lung tung và lấy ngón tay chấm vào cốc rượu rồi vuốt ngược tóc dựng ra sau, lặp đi lặp 9 lần và uống một mạch hết các chén rượu vừa rót.

Chưa hết kỳ quái, y đập quả trứng gà rồi đổ lên mảnh lá chuối, cứ thế nghiên sang trái, sang phải, quả trứng chạy vòng tròn trên miếng lá chuối… Mắt “thần y” như căng ra, quan sát rất kỹ vào lòng đỏ của quả trứng gà và bắt đầu “xem bệnh” cho tôi bằng cách nhìn vào “long thể” quả trứng. Kết thúc phần “chẩn bệnh” khi y chọc vào giữa lòng đỏ trứng gà và phán: “Chú bị đường ruột nặng?”.

Sau phút ngỡ ngàng vì bỗng dưng không biết vì sao mình lại mắc căn bệnh từ “trên trời rơi xuống” nhưng tôi vẫn vờ bình thản: “Vâng, mong thầy xem cho kỹ hơn ạ”. Y bảo tôi thắp hương, vái 3 cái và uống một chén rượu trước khi bắt tôi lui ra, ngồi cùng mọi người chờ bốc thuốc.

Trong vòng gần 2 tiếng đồng hồ sau đó, tôi nhẩm tính “thần y” này đã “chẩn bệnh” cho đến hơn 10 người và uống có đến… 100 chén rượu, người nào cũng được khám chỉ bằng cách xem… lòng trứng gà. 3 giờ chiều, một người phụ nữ đeo gùi lững thững bước vào sân. Mọi người đồng loạt à lên “Thuốc về” và đổ xô đến quanh người phụ nữ nọ để được chia “thuốc” là những thân cây, rễ, lá lạ… Tất cả các công đoạn “khám, chữa bệnh” đến đây là kết thúc.

Không khí bao trùm ngôi nhà của “thần y” là một mùi thôi thối. Đi loanh quanh tìm kiếm, tôi tìm ra căn nguyên của mùi xú uế này là đống vỏ trứng gà chất đầy bốc mùi. Người phụ nữ vợ của “thầy” cho biết: “Ông ấy không cho dọn dẹp để khoe với mọi người về “thành tích” khám chữa bệnh của mình”.

“Tiền mất, tật mang”

Người nhà ông Phạm Hữu Việt (thôn Lạn, xã Các Sơn, huyện Tĩnh Gia, mới qua đời vài tháng nay) cho biết khi ông Việt phát bệnh ung thư, con rể người bệnh nghe tin đồn về “thần y” liền lên tận Như Thanh chở “thần y” về xem bệnh. Xuống đến nhà, thấy con bệnh nằm kêu la, “thần y” lấy rượu, thắp hương cúng vái khắp nơi từ trong nhà ra ngoài sân rồi phán: “Yên tâm, tôi sẽ chữa lành bệnh cho ông nhà, ngày mai cho người chở tôi về lấy thuốc”.

Con rể nạn nhân là người chứng kiến sự việc kể lại: “Sau khi đưa ông ấy về nhà, ông ta dùng trứng gà cúng “ma xó” và sai vợ đeo gùi lên rừng chặt thân cây, rễ, lá… bảo tôi mang về cho bố. Thế nhưng uống chỉ được vài ngày thì bố tôi kêu chóng mặt, ói ra mật xanh mật vàng rồi qua đời”.

Anh Phạm Hữu Quang, cùng ngụ tại địa chỉ nêu trên, từng là “khách hàng” của “thần y” cho biết: “Tôi bị trật sống lưng từ bé, cứ lao động nặng là đau, thời kỳ này đau quá nên theo mọi người bốc thuốc. Đem đống rễ cây, cành cây về uống thấy đau đầu, mỏi mắt và rã rời chân tay phải đi cấp cứu tại Bệnh viện huyện Tĩnh Gia”.

Thần y’ chữa bệnh bằng… niệm chú

Thuốc chữa bệnh nan y theo quảng cáo của “thần y” đại bịp

Thường thì mỗi lần “khám, bốc thuốc”, các bệnh nhân mất vài chục ngàn, nhưng cũng có những người mất đến hàng chục triệu để “lễ” cho… ma xó trên bàn thờ nhà tay thầy đại bịp này. Đã từng có một chủ doanh nghiệp tư nhân ở TP. Thanh Hóa mắc phải bệnh ung thư, được “thần y” hứa dùng bùa phép gần bảy tháng. Gia đình bệnh nhân đã tốn hàng chục triệu đồng cho việc đưa đón, sắm lễ nhưng cuối cùng nạn nhân vẫn qua đời. Anh H.Đ, con trai của nạn nhân kể lại: “Thầy nói phải có lễ đặt lên bàn thờ mới linh thiêng, mỗi lần đặt phong bì như vậy phải từ 500 nghìn đồng trở lên, hàng chục lần đặt lễ nhà tôi mất đến hàng chục triệu”.

Đại diện Trạm y tế xã Thanh Kỳ cho biết, đối tượng Dụ là thầy lang vườn nên không cần có giấy phép hành nghề, mấy chục năm nay bốc thuốc kiểu cây nhà lá vườn nên cũng không ai quan tâm đến chuyện bốc thuốc ấy. Trả lời câu hỏi “Vì sao không xử lý hành vi khám chữa bệnh sai quy định pháp luật, mê tín dị đoan”, vị đại diện này cho biết: “Việc xử lý này không thuộc thẩm quyền cấp xã”.

Cũng cùng với những câu hỏi này, đại diện UBND xã Thanh Kỳ trả lời: Chỉ xử lý khi có chứng cứ rõ ràng chứng mình ông Dụ có hành vi lừa đảo. Vị này nói thêm: “Rất khó kiểm soát hành vi bốc thuốc kiểu lang vườn vì đó là phong tục tập quán của một số dân tộc, hơn nữa những người này lại thường ở các bản xa, chính quyền không thể đủ người, đủ thời gian để theo dõi, kiểm soát. Việc kiểm tra giấy phép hành nghề là của cơ quan y tế cấp huyện trở lên, hội, đoàn thể, ban ngành xã không có thẩm quyền, trừ khi có công văn yêu cầu phối hợp”.

Theo ĐS&PL

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc