Home » Xã hội » Ai lợi vụ “đấu giá khủng” ủng hộ miền Trung?

Vụ đấu giá “ảo” với số tiền kỷ lục (73,9 tỷ đồng) đang gây bức xúc trong dư luận. Tất cả các bên liên quan đến vụ việc này đều khẳng định “tổ chức đấu giá vì miền Trung”. Nhưng nếu buổi đấu giá thành công thì bên nào mới thật sự là bên hưởng lợi nhiều nhất?

Ai định giá?

Trước khi diễn ra buổi đấu giá “khủng” tại “Đêm hội Hoa hậu Trái đất và Doanh nhân hướng về miền Trung” được tổ chức vào đêm 11/11 tại TP.Hồ Chí Minh, thông tin về giá khởi điểm của 4 “bảo vật” được đưa ra đấu giá khiến nhiều người “choáng” thật sự: Trống đồng 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội có giá khởi điểm 6 tỷ đồng, viên Ruby hồng ngọc thô nặng 10kg có giá khởi điểm 4 tỷ đồng, bức tranh đá quý có chữ ký của hơn 90 hoa hậu có giá khởi điểm 90 triệu đồng.

Đặc biệt, bộ Tứ linh hội tụ “Long – Ly – Quy – Phụng” bằng gỗ lũa tự nhiên có giá khởi điểm 40 tỷ đồng (tương đương 2 triệu USD).

Bộ Tứ linh Long - Ly - Quy - Phụng có giá khởi điểm 2 triệu USD


Thông tin về giá gốc của sản phẩm gần như “mù tịt” vì không thấy công khai. Không biết các “siêu phẩm” này được định giá thế nào?

Lấy bộ tứ linh “Long – Ly – Quy – Phụng” làm ví dụ. Khi được hỏi vì sao đưa ra mức 1 triệu USD (mức sẽ nhận lại sau khi đấu giá thành công), ông Võ Ngọc Hà, chủ nhân bộ Tứ linh cho biết: “Tác phẩm của tôi là một tác phẩm nghệ thuật, tâm linh, độc nhất vô nhị, không đơn vị nào có thể định giá được, nó là tài sản vô giá. Tuy nhiên, tôi vẫn đưa ra mức 1 triệu USD (coi như giá gốc của tác phẩm) vì trong triển lãm tại Bảo tàng Hà Nội dịp Đại lễ, đã có người trả tôi mức giá này nhưng tôi không bán”.

Một chuyên viên thẩm định giá tại Công ty Cổ phần thẩm định giá và dịch vụ tài chính Hà Nội VFS cho biết, trước khi diễn ra buổi đấu giá này, anh cũng đã nhận được (qua e-mail) một bức hình chụp bộ Tứ linh của ông Võ Ngọc Hà. Người gửi bức hình muốn nhờ chuyên viên này thẩm định xem giá thật của tác phẩm “Tứ linh hội tụ” là bao nhiêu tiền.

“Với các thiết bị, tôi có thể thẩm định giá dựa trên giá thành sản xuất, các chi phí đầu vào, còn với sản phẩm là bộ Tứ linh hội tụ thì tôi không có cơ sở để thẩm định để đưa ra mức giá chính xác, vì không có thông tin nào về chi phí để làm ra nó, cũng không có tài sản tương tự để so sánh”, chuyên viên này nói.

Có vụ lợi không?

Chiêu bán hàng và kiếm lời của doanh nghiệp?

Vụ xì-căng-đan này đang lan truyền trên mạng internet với tốc độ chóng mặt. Ngoài các ý kiến cho rằng “đây là một trò cười” thì nhiều ý kiến khác lại cho rằng đây là một chiêu “bán hàng” thông minh.

Trên các diễn đàn trực tuyến, các thành viên nhận định việc mang những món hàng với giá “khủng” như trên đi đấu giá là một chiêu “bán hàng” của các doanh nghiệp.

Theo các thành viên, nếu bán các vật trên với giá “khủng” như trên theo cách thông thường thì không ai đủ sức mua nổi.

“Bây giờ, món hàng nào không bán được, hoặc muốn bán với giá cao, hoặc muốn trốn thuế thì sẽ được bán thông qua các buổi đấu giá vì mục đích từ thiện. Chuyện đấu giá những sản phẩm trong đêm 11/11 có thể cũng không nằm ngoài mục đích này”, một thành viên trên diễn đàn nhận định.

Sở dĩ, giá gốc của sản phẩm đấu giá được quan tâm trong câu chuyện này, vì người ta muốn biết phần chênh lệch là bao nhiêu, và ai là người được hưởng nhiều lợi nhất.

Trên thực tế, giá khởi điểm và giá thắng đấu giá đã cách xa giá gốc, nhưng khoản tiền chênh lệch này không rơi vào quỹ ủng hộ miền Trung.

Cụ thể: Trống đồng 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội có giá khởi điểm 6 tỷ đồng, giá thắng đấu giá là 12 tỷ đồng. Viên Ruby hồng ngọc thô nặng 10kg có giá khởi điểm 4 tỷ đồng, giá thắng đấu giá là 11 tỷ đồng. Bức tranh đá quý có chữ ký của hơn 90 hoa hậu có giá khởi điểm 90 triệu đồng, giá thắng đấu giá là 3 tỷ đồng. Bộ Tứ linh hội tụ có giá khởi điểm là 2 triệu USD (đắt gấp đôi giá gốc) có giá thắng đấu giá là 47,9 tỷ đồng.

Nếu đấu giá là thật (không xảy ra lùm xùm như hiện nay), các đơn vị trả đủ tiền thì tổng số tiền thắng đấu giá 4 “bảo vật” là 73,9 tỷ đồng. Trừ đi tổng giá khởi điểm (50,9 tỷ đồng cho cả 4 sản phẩm) thì miền Trung “nhận” được 23 tỷ đồng.

Quay lại với bộ Tứ linh hội tụ, giá chủ sở hữu đưa ra là 1 triệu USD. Ngay khi phát giá khởi điểm, đơn vị đại diện tham gia đấu giá (là Công ty Truyền thông ASEAN C&C) đã đưa giá khởi điểm là 2 triệu USD (40 tỷ đồng, gấp đôi giá gốc). Giá thắng đấu giá là 47,9 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Trung Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty truyền thông ASEAN C&C khẳng định với VietNamNet: “Mục đích của việc đấu giá này là làm từ thiện, quảng bá hình ảnh đơn vị chứ không phải để làm kinh tế”.

Nhưng khoản chênh 1 triệu USD (giữa giá gốc của chủ sở hữu và giá khởi điểm của công ty ông Thành) rơi vào túi ai?

Ông giải thích:“2 triệu USD là giá khởi điểm đưa ra khi chúng tôi được thông báo rằng đêm hội có rất nhiều doanh nhân tham

dự, chúng tôi muốn số tiền thu về dành cho đồng bào vùng lũ được nhiều hơn”.

Thế nhưng, không thấy ông Thành cộng khoản chênh lệch 1 triệu USD này (tương đương 20 tỷ đồng) sẽ “san sẻ” cho miền Trung như thế nào?

Ông Thành cho biết, công ty của ông đã bỏ vào chương trình khoảng 1 tỷ đồng, trong đó riêng tiền bao thầu 10 bàn tiệc tại đêm hội hơn 600 triệu đồng. Số này cũng chưa thấm vào đâu so với khoản chênh lệch 20 tỷ đồng trên.

Tuy vậy, ông Thành vẫn khẳng định:Đó là tiền từ thiện, không phải tiền làm thương mại. Mục đích của tôi là “kích” người ta ủng hộ càng nhiều càng tốt. Giá đó là để người ta ủng hộ, chứ không phải là giá để tôi tiêu, không phải tôi thu số tiền 1 triệu USD đó về để tôi dùng!”.

Rất khó để khởi kiện doanh nghiệp đấu giá rồi tháo chạy!

“Muốn có căn cứ khởi kiện
bên tham gia đấu giá thì phải xem xét các quy định của Luật đấu giá và quy chế đấu giá mà Ban tổ chức đưa ra. Khi đấu giá bắt buộc Ban tổ chức phải đưa ra quy chế và người tham gia đấu giá bắt buộc phải hiểu quy chế đó. Nếu bên tham gia đấu giá vi phạm các nguyên tắc này thì hoàn toàn có thể khởi kiện” –Luật sư Vương Thị Thanh, Công ty luật An Khánh..

“Muốn khởi kiện trong trường hợp này là không dễ: Ai khởi kiện (cá nhân hay Ban tổ chức? ban tổ chức có tư cách pháp nhân không?), cơ sở nào để khởi kiện khi nếu trước khi diễn ra phiên đấu giá không hề có một hợp đồng đấu giá nào được ký kết, cũng không có khoản đặt cọc nào?

Chúng ta cũng chưa xác định được ban tổ chức có đưa ra quy chế đấu giá không.

Với người đấu giá tại chỗ, nếu không có hợp đồng cam kết từ trước thì không thể khởi kiện. Còn với người đấu giá qua điện thoại thì có thể khẳng định là không thể tìm được.

Nếu Ban tổ chức không đưa ra quy chế đấu giá, cũng không có hợp đồng với bên tham gia đấu giá thì Ban tổ chức là người chịu trách nhiệm” –Luật sư Nguyễn Văn Tú, Văn phòng luật sư Khánh Hưng.

Cẩm Quyên

Theo vietnamnet


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc