Home » Xã hội » Đấu giá ảo: Trò đùa vô nhân tâm!
Xìcăngđan đấu giá từ thiện diễn ra ngày 11-11-2010 không phải là trường hợp cá biệt. Tình trạng mạo danh những công ty, tập đoàn lớn hoặc tên những người nổi tiếng… trở thành nỗi ám ảnh của những người làm chương trình đấu giá từ thiện.

Bức tranh bằng đá quý bị đấu giá ảo trong đêm hội Hoa hậu Trái đất và doanh nhân hướng về miền Trung ngày 11-11 - Ảnh: CTV

“Người ta chà đạp lên niềm tin và nỗi đau của đồng bào mình để kiếm niềm vui. Tâm sức của nhiều người lại trở thành trò đùa cho họ. Khi gọi, họ phải nghĩ đang làm gì. Nếu chỉ gọi cho vui hay do khích bác nhau thì đó là sự xúc phạm” – bà Nguyễn Thị Huệ, chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP.HCM, nói mà rơm rớm nước mắt.

Mượn danh từ thiện để “nổ”

Trở lại cuộc đấu giá từ thiện “Đêm hội Hoa hậu Trái đất và doanh nhân hướng về miền Trung” ngày 11-11. Người thắng cuộc mua chiếc trống đồng (giá ấn định cuối cùng 12 tỉ đồng) đã không nghe điện thoại và khóa luôn máy khi ban tổ chức liên lạc! Còn bức tranh có chữ ký của 90 hoa hậu đã thuộc về một người xưng là đại diện Công ty Bình Điền. Ông này trả 3 tỉ đồng qua điện thoại. Ban tổ chức ngớ người khi biết đó là số điện thoại khuyến mãi.

“Tôi gọi cho giám đốc Công ty Phân bón Bình Điền hỏi mới ngã ngửa: lãnh đạo và nhân viên công ty không gọi điện thoại cho chương trình” – bà Nguyễn Thị Huệ kể. Bà Huệ thở dài thất vọng khi dẫn ra rất nhiều trường hợp đại gia “nổ banh trời” rồi hứa lèo.

Như trong chương trình “Nối nhịp trái tim” năm 2009, một doanh nhân đã thắng khi trả 400 triệu đồng cho một bức tranh. Vị giám đốc nọ yêu cầu 9g sáng hôm sau chở tranh đến công ty. Hơn 8g sáng, khi bà Huệ gọi điện thoại thì giám đốc kia từ chối với lý do rất trời ơi! Sau đó, bà Huệ phải gọi điện thoại cho người bạn quen biết lâu năm – vốn đã đề xuất mua giá khởi điểm bức tranh đó là 200 triệu đồng – năn nỉ mua giúp.

Tương tự, năm 2007 trong chương trình “Tết làm điều hay” – do Đài truyền hình TP.HCM (HTV) phối hợp cùng Công ty Cát Tiên Sa tổ chức – được truyền hình trực tiếp từ hai đầu cầu Hà Nội và TP.HCM, đã đấu giá một cây mai và một cây đào. Cây mai tại TP.HCM được một doanh nghiệp đấu giá thành công với giá 800 triệu đồng, toàn bộ số tiền được chuyển ngay sau phiên đấu giá.

Tại đầu cầu Hà Nội, chiến thắng thuộc về một doanh nghiệp gọi điện tới chương trình liên tục đẩy giá đào lên bằng giá cây mai tại TP.HCM. Tuy nhiên, khi tìm tới công ty mà vị doanh nhân cung cấp địa chỉ thì văn phòng này đóng cửa! Ban tổ chức gọi vào số máy tham gia đấu giá thì không liên lạc được. Cuối cùng, ban tổ chức phải mang cây đào vào TP.HCM, thuyết phục một mạnh thường quân quen biết mua với giá hơn 100 triệu đồng.

Cũng từng bị nhiều đại gia hứa lèo không ít lần, bà Huỳnh Tiểu Hương – giám đốc Trung tâm nhân đạo Quê Hương – tỏ vẻ ngán ngẩm khi dẫn chứng trường hợp một nữ đại gia bất động sản ở TP.HCM. Năm 2008, trong chương trình “Chắp cánh ước mơ”, bà này đã “hào phóng” tuyên bố tài trợ trung tâm 1,2 tỉ đồng. Thông tin đó được rất nhiều tờ báo đăng số ra ngày hôm sau. Nhưng chờ mãi, chờ mãi vẫn không thấy đại gia chuyển tiền.

Nhân viên của Trung tâm nhân đạo Quê Hương nhiều lần đến công ty tìm gặp nhưng không lần nào được “diện kiến” nữ đại gia. Gọi điện thoại không trả lời. Trong khi đó, một số mái ấm được trung tâm bảo trợ liên tục đề nghị được san sẻ và giúp đỡ. “Mọi người cứ nghĩ tôi giữ nhiều tiền nhưng ki bo mà thật ra mình có cầm được đồng nào của họ đâu. Đúng là tình ngay lý gian” – bà Hương nói.

Quả đắng “từ thiện”

Một trong những “quả đắng” mà mỗi khi nghĩ lại, bà Nguyễn Thị Huệ vẫn thấy rùng mình là phi vụ mang tên “Việt Nam Á”.

Tháng 9-2009, ông V.M.T. – tổng giám đốc một công ty xây dựng có trụ sở trên đường Hòa Hảo, P.5, Q.10, TP.HCM – tự tìm đến và đề nghị phối hợp tổ chức chương trình “Thương về miền Trung”. Theo thỏa thuận, ông T. chịu trách nhiệm vận động 300 triệu đồng cho việc tổ chức và chịu trách nhiệm đấu giá hai vật phẩm (trong đó có chiếc xe gắn máy Lambretta có chữ ký của hàng trăm người nổi tiếng của nghệ sĩ Quang Đạt). Đồng thời Hội Chữ thập đỏ TP.HCM có trách nhiệm xin giấy phép tổ chức chương trình, mặt bằng tổ chức và phát sóng truyền hình trực tiếp trong đêm công diễn.

Đổi lại, tên tuổi, thương hiệu của công ty xây dựng này được xuất hiện trên tất cả sản phẩm liên quan tới chương trình như tờ rơi, banner quảng cáo, thư mời và trên sân khấu trong buổi truyền hình trực tiếp.

Mấy ngày sau, khi bà Huệ gọi điện thoại bàn bạc thì ông T. khóa máy. Nhân viên nói giám đốc đi… Singapore. Còn ít ngày nữa chương trình diễn ra, bà Huệ mới liên lạc được với ông T. thì ông đưa ra lý do mẹ bị bệnh nên… khóa máy(!?). Trong buổi họp báo, bà Huệ “ê mặt” với giới truyền thông khi không một ai trong công ty xây dựng này đến và cũng không có doanh nghiệp nào tới dự như ông T. đã hứa. Chỉ có Hội Chữ thập đỏ và phóng viên!

Lúc này chương trình đã hoàn tất mọi công tác chuẩn bị. Tên, logo công ty của ông T. xuất hiện trên các banner quảng cáo, tờ rơi, thư mời! Tối 15-10 diễn ra chương trình thì sáng đó ông T. mới thú thật không có tiền và đẩy hết trách nhiệm cho Hội Chữ thập đỏ TP.HCM!

Sau buổi đấu giá… hụt tại TP.HCM, ông T. tiếp tục đem chiếc xe Lambretta tới Bình Dương, hứa hẹn với bà Huỳnh Tiểu Hương tổ chức chương trình từ thiện gây quỹ giúp trẻ em. Ông T. khoe chiếc xe đã có khách trả 120.000 USD. Lấy lý do đang kẹt đột xuất vì cùng lúc phải lo tổ chức chương trình bão lụt miền Trung cho Hội Chữ thập đỏ TP.HCM(!?), ông T. mượn bà Hương 950 triệu đồng. “Lúc đó trung tâm đang xây dựng, tôi phải thế chấp mượn tiền ngân hàng được 650 triệu đồng đưa cho ông T.” – bà Hương kể. Một tuần sau vẫn không thấy ông T. trả tiền như đã hứa, bà Hương liên lạc thì giám đốc “tốt bụng” kia trở mặt, phủ nhận số tiền đã mượn. Khi đưa giấy nợ do ông T. ký thì ông này nói thẳng: không có tiền trả và “xù” luôn tới giờ.

Cách đây không lâu, Hội Chữ thập đỏ TP.HCM cũng bị bà V. – chủ doanh nghiệp tư nhân VPH (Tuy Hòa, Phú Yên) – đề nghị phối hợp tổ chức chương trình “Cây cao bóng cả” và hứa sẽ hỗ trợ 300 triệu đồng cho khâu tổ chức.

Hai giờ trước khi truyền hình trực tiếp, bà V. bất ngờ gọi điện thông báo tin sét đánh: không vận động được tiền tài trợ nên… xin rút! Khi đó, tên và logo của Công ty VPH đã xuất hiện trên tất cả sản phẩm liên quan tới chương trình.

Sau vụ mượn danh từ thiện để quảng cáo “chùa”, bà V. tiếp tục liên hệ với hội chữ thập đỏ một tỉnh tại Tây nguyên đề nghị phối hợp tổ chức chương trình tương tự. Bà này còn mang các tờ rơi, thỏa thuận hợp tác với Hội Chữ thập đỏ TP.HCM để “nổ” về khả năng của mình. Tuy nhiên, khi hội chữ thập đỏ tỉnh này liên hệ với Hội Chữ thập đỏ TP.HCM và biết được bản chất của bà V. nên đã từ chối.

Hứa thật nhiều và… quên thật nhiều

Chương trình Singer’Day – Ngày hội nối vòng tay lớn do Công ty TNHH giải trí Lê Quang (TP.HCM) và UBND tỉnh Bình Định phối hợp tổ chức tháng 1-2010 đã trôi qua gần một năm. Nhưng đến nay tỉnh vẫn chưa nhận được số tiền quyên góp trong ngày hội, tiền do các ca sĩ bán vật phẩm đấu giá và tiền do các mạnh thường quân hứa tặng lên đến 19 tỉ đồng!

Nằm trong chuỗi hoạt động Ngày hội nối vòng tay lớn, Gala dinner ngày 19-1-2010 ở resort Hoàng Anh Gia Lai – Quy Nhơn diễn ra buổi đấu giá các vật phẩm của ca sĩ, các nhà sưu tập nhằm ủng hộ toàn bộ cho quỹ Vì người nghèo Bình Định là một điểm nhấn nhân văn nhất. Và chính yếu tố dành trọn gói để xóa nhà tạm cho dân chài nghèo đã làm chương trình đấu giá đầy dấu ấn tốt đẹp, thiêng liêng.

Rầm rộ và hoành tráng vậy nhưng rồi sau đó tất cả đều bặt vô âm tín. Một năm trôi qua, một mùa bão lũ trôi qua trong im lặng. Những bức thư của Ủy ban MTTQ VN tỉnh được gửi đến các cá nhân đã đấu giá các vật phẩm nhưng hầu như không nhận được hồi âm. Trong đó có ông Lê Đức Huy, chủ phòng trà Không Tên (147bis Hai Bà Trưng, quận 3, TP.HCM) – đấu giá bức tranh 10.000 USD, bà Hồ Trà My (92 Nguyễn Hữu Cảnh, P.25, Q.Bình Thạnh) đấu giá chai rượu ngoại 9.000 USD, ông Hoàng Đức Kinh Thế (354 Cộng Hòa, Q.Tân Bình, TP.HCM) đấu giá chiếc đồng hồ của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng 3.000 USD đến nay vẫn không chuyển tiền như cam kết.

Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ VN tỉnh Bình Định Hà Văn Cát cho biết: “Thư gửi bà Hồ Trà My thì bưu điện trả về vì địa chỉ này không có. Điện thoại cho ông Hoàng Đức Kinh Thế thì ông Thế nói đã chuyển tiền nhưng chúng tôi có nhận được đâu. Gọi cho ông Lê Đức Huy chỉ được một lần, lúc đó ông Huy nói sẽ chuyển tiền nhưng sau mấy tháng gọi lại thì điện thoại ông Huy không có tín hiệu nữa. Chúng tôi rất buồn và chẳng hiểu họ ứng xử như thế nghĩa là sao”.

Số tiền dự kiến thu được trong chương trình Singer’s Day – Ngày hội nối vòng tay lớn sẽ hỗ trợ xóa hơn 2.000 căn nhà tạm cho dân nghèo nhưng đến nay chưa có căn nhà nào được xây là vì vậy. “Các cá nhân đấu giá vật phẩm thì vậy, còn hàng loạt doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đăng ký hơn 10 tỉ đồng trong đêm ca nhạc gây quỹ Vì người nghèo như Công ty TNHH Hoàn Cầu Granite, Công ty TNHH Khải Vy, Công ty cổ phần ôtô Xuân Kiên Vinaxuki, Công ty cổ phần đầu tư và dịch vụ An Phú Thịnh… cũng lờ luôn suốt một năm qua. Họ làm vậy thì dân biết tin lòng tốt ở đâu nữa?” – ông Hà Văn Cát bức xúc.

Nhưng đây không phải là lần đầu tiên Ngày hội ca sĩ bị mang tiếng về việc ém tiền từ thiện. Trước đó, Ngày hội ca sĩ lần 2-2007 diễn ra tại Nha Trang (Khánh Hòa) cũng bị Sở Lao động – thương binh và xã hội tỉnh Khánh Hòa phàn nàn vì gần một năm sau sở vẫn chưa nhận được 270 triệu đồng như đã hứa. Lúc đó, nhạc sĩ Lê Quang, giám đốc Công ty Tam Giao – nơi đứng ra tổ chức chương trình, cho biết lý do của việc chậm trễ: “Do phía sở đổi mã số thuế, đổi tài khoản ngân hàng nên chúng tôi không thể chuyển tiền sớm hơn được” (dù ông Lê Tấn Danh – phó giám đốc Sở Lao động – thương binh và xã hội tỉnh Khánh Hòa – khẳng định sở không hề đổi số tài khoản hay mã số thuế).

Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ chiều 7-12, nhạc sĩ Lê Quang cho biết ông không hề biết 19 tỉ đồng tiền từ thiện từ Ngày hội ca sĩ lần 4 vẫn chưa đến đúng địa chỉ là Ủy ban MTTQ VN tỉnh Bình Định. Ông cho rằng phía ông và các ca sĩ chỉ đứng ra tổ chức và thực hiện chương trình, còn nơi được nhận tiền từ thiện (cụ thể là Ủy ban MTTQ VN tỉnh Bình Định) phải có trách nhiệm đi thu tiền. Đơn vị tổ chức chỉ có thể giúp nơi được nhận tiền bằng cách cung cấp các phương thức liên lạc với người thắng đấu giá hay các mạnh thường quân mà thôi.

Khi được hỏi về số tiền mà một vài mạnh thường quân cũng như người thắng đấu giá đã chuyển cho đơn vị tổ chức – Công ty TNHH giải trí Lê Quang sao vẫn chưa đến tay Ủy ban MTTQ VN tỉnh Bình Định, nhạc sĩ Lê Quang trả lời “giao cho đám lính làm nên không để ý” và “đã hối thúc tụi nó thu và chuyển tiền”. Khi bị truy vấn thêm thì nhạc sĩ này “bổn cũ soạn lại”: “Vì chưa biết số tài khoản của Ủy ban MTTQ VN tỉnh Bình Định nên chưa chuyển tiền được” và “đã cho lính hỏi số tài khoản chính xác(?)”.

Về việc ông Lê Đức Huy, người đã mua bức tranh gạo của ca sĩ Quang Dũng, yêu cầu phải chuyển tranh về phòng trà Không Tên trước Tết Nguyên đán thì mới chịu chuyển tiền nhưng khi Ủy ban MTTQ VN tỉnh Bình Định chuyển gấp tranh theo đúng yêu cầu (phí chuyển 2,4 triệu đồng) mà vẫn không nhận được tiền, nhạc sĩ Lê Quang (một trong những cổ đông của phòng trà Không Tên) không có ý kiến. Ông phủ nhận việc mình có dính dáng đến chuyện này và cam đoan sẽ hối thúc các nhân viên phụ giúp thu tiền đấu giá cho Ủy ban MTTQ VN tỉnh Bình Định.

Hứa 6 tỉ đồng, mới giao… 250 triệu

Năm 2004, tại buổi khởi công dự án Khu công nghiệp Bình Minh (huyện Bình Minh, Vĩnh Long), chủ đầu tư dự án là Công ty cổ phần tư vấn thương mại dịch vụ địa ốc Hoàng Quân Mê Kông (viết tắt là Công ty Hoàng Quân) đã trao tượng trưng 6 tỉ đồng để Đài phát thanh truyền hình Vĩnh Long ủng hộ đồng bào nghèo vượt khó và học sinh hiếu học. Ngày 7-9-2004, giám đốc đài đã ký hợp đồng trách nhiệm với đại diện lãnh đạo công ty.

Theo đó, vào ngày 25 hằng tháng, phía Công ty Hoàng Quân có trách nhiệm đóng góp vào quỹ từ thiện của đài 10 triệu đồng tiền mặt. Việc đóng góp như vậy sẽ ổn định trong 50 năm với trị giá 6 tỉ đồng như đã trao tượng trưng. Hợp đồng cũng ràng buộc phía đài có trách nhiệm sử dụng số tiền này đúng mục đích từ thiện, chọn đúng đối tượng và mức chi sẽ do phía công ty quyết định.

Thế nhưng theo thống kê của Đài phát thanh truyền hình tỉnh Vĩnh Long, tính đến nay công ty này mới chuyển cho đài theo hợp đồng trách nhiệm 250 triệu đồng. Điều đáng nói là số tiền 250 triệu đồng mà công ty đã chuyển trên cũng chỉ được thực hiện nhỏ giọt: năm 2004: 40 triệu đồng, 2005: 50 triệu đồng, năm 2006 và 2008 chuyển số tiền như nhau là 20 triệu đồng (riêng năm 2007 chuyển đủ 120 triệu đồng). Từ năm 2009 đến nay, Công ty Hoàng Quân đã “quên” chuyển số tiền còn lại như đã cam kết với đài.

Nghĩa là từ năm 2009 đến nay nhà đài phải xuất “tiền túi” 8 triệu đồng/tháng để hỗ trợ các chương trình từ thiện như đã cam kết với các đơn vị thụ hưởng. Một lãnh đạo đài cho biết bộ phận kế toán của đơn vị đã có nhắc nhở Công ty Hoàng Quân về việc “quên” chuyển tiền như trên nhưng chưa được phản hồi. Sắp tới đài sẽ có công văn gửi công ty nhắc lại vấn đề này.

Ông Nguyễn Văn Tuấn – giám đốc Đài phát thanh truyền hình tỉnh Hậu Giang – cũng rất bức xúc trước những trường hợp hứa ảo, đấu giá ảo mà đài ông là nạn nhân. Cách đây vài năm, trong một chương trình gây quỹ vì người nghèo của tỉnh Hậu Giang được phát sóng trực tiếp, ông T.V.T. – chồng bà D.H. (giám đốc một công ty xuất khẩu thủy sản tại Cần Thơ) – đã ủng hộ địa phương 3 tỉ đồng.

Tại buổi truyền hình trực tiếp này, ông T. cầm bảng tượng trưng 3 tỉ đồng lên sân khấu trao tặng và cho biết là đại diện cho doanh nghiệp DH (doanh nghiệp của vợ ông) và một doanh nghiệp khác trao tặng. Khán giả xem chương trình trực tiếp ai nấy đều cảm kích trước tấm lòng của hai doanh nghiệp đối với những người nghèo. Tuy nhiên, sau đó số tiền trên đã không được chuyển cho địa phương, mặc dù ban tổ chức chương trình nhiều lần hối thúc. Ban tổ chức liên hệ với bà D.H. để hỏi về số tiền mà chồng bà đã thay mặt ủng hộ quỹ thì được bà trả lời đó là việc làm của chồng bà, không liên quan gì đến cá nhân bà cũng như doanh nghiệp DH mà bà đứng tên!

Quá bức xúc trước việc xem chương trình trực tiếp ủng hộ người nghèo là nơi để phô trương tên tuổi, vị thế doanh nghiệp nhưng doanh nghiệp không thực hiện lời hứa, Đài phát thanh truyền hình Hậu Giang đã làm hẳn một phóng sự truyền hình về tình trạng này phát trên đài, trong đó cho phát lại những hình ảnh trước đây các cá nhân đã ủng hộ quỹ. Không chỉ thế, trước đó tại một chương trình đấu giá tranh diễn ra tại Quảng Ninh trên kênh truyền hình CVTV, bà D.H. đã đấu giá đến 450 triệu đồng. Sau khi không thắng đấu giá, bà tuyên bố ủng hộ số tiền trên nhưng sau đó lại không thực hiện lời hứa của mình. Một cán bộ của Trung tâm truyền hình Việt Nam tại TP Cần Thơ cho biết đã nhiều lần nhà đài “đòi nợ” nhưng vẫn không thu được số tiền này.

Nỗi đau da cam: “Khi được hứa tặng tiền giúp người nghèo thì mình vui lắm nhưng sau đó đau cũng không kém” – ông Phan Thanh Rạng, chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh Vĩnh Long, thốt lên như vậy vì đã có doanh nghiệp thông qua chương trình Nỗi đau da cam (do Đài phát thanh truyền hình TP Cần Thơ kết hợp với hội tổ chức) hứa ủng hộ hội 50 triệu đồng rồi… quên luôn. Sau khi hội gọi điện thoại nhắc nhở thì đơn vị này cho biết là… “nói chơi thôi”(!).

Theo Danong


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc