Home » Kinh doanh » Bí mật làm giàu của những CEO ‘cổ điển’
Tổng giám đốc FPT và Chủ tịch HĐQT Công ty chứng khoán VNDIRECT tiết lộ, thế hệ của họ làm giàu theo kiểu cổ điển tức là “làm lâu thì giàu”, chính những lần vấp ngã là lúc cơ hội và duyên may đến để thành công.

Chiều 13/1, báo điện tử VnExpress.net phối hợp với Alpha Books và Công ty Chứng khoán VNDIRECT tổ chức buổi giao lưu giữa 2 doanh nhân nổi tiếng là ông Nguyễn Thành Nam, Tổng giám đốc FPT và bà Phạm Minh Hương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty chứng khoán VNDIRECT. Buổi giao lưu thu hút khoảng gần 1.000 sinh viên cùng nhiều doanh nghiệp tham dự. Anh Nguyễn Hoàng Hà, Bí thư Đoàn trường Kinh tế quốc dân đã phải thốt lên: “Lần đầu tiên nhà văn hóa Đại học kinh tế quốc dân đông đến vậy”.

Mặc dù sinh viên đang tập trung ôn thi cuối kỳ nhưng chưa đến 14h hội trường chính của Nhà văn hóa Đại học Kinh tế Quốc dân với gần 600 chỗ ngồi đã chật kín, nhiều sinh viên đã đến “xí chỗ” đẹp trước. Dọc lối đi của hội trường được bố trí thêm 100 ghế ngồi vì số lượng sinh viên đến quá đông so với lượng vé phát ra. Ban tổ chức còn phải sử dụng khán phòng bên phải hội trường và dùng màn chiếu tường thuật trực tiếp buổi giao lưu để hơn 200 bạn sinh viên không còn cơ hội vào hội trường được theo dõi. Thậm chí những trường hợp không có cơ hội nhận vé mời cũng sẵn sàng đứng suốt 3 tiếng đồng hồ ở hành lang và khán phòng phụ.

Cả hội trường vỡ òa, tiếng vỗ tay vang dội khi hai vị doanh nhân thành đạt bước vào hội trường. Mặc dù đều là những doanh nhân nổi tiếng song cả ông Nam và bà Hương đều tự nhận mình thuộc thế hệ làm giàu “cổ điển”. Họ cho rằng, mình không chủ động làm giàu, những cơ hội và duyên may lần lượt đến khi vấp ngã và cứ thế dần dần họ chinh phục từng đỉnh cao để thành công.

“Chúng tôi bắt đầu đi làm từ những năm 1988, lúc đó chỉ biết ‘làm là làm’, chứ không biết thế nào là ‘khởi nghiệp’. Cứ làm mãi rồi thành giàu mà thôi”, ông Nam thẳng thắn chia sẻ.

Ông Nam bắt đầu câu chuyện những ngày đầu lập nghiệp bằng hồi ức của cách đây hơn 20 năm. Vào năm 1988, ông Nam kể, khi mới làm ở FPT, ông cùng nhiều anh em lo lắng vì làm mãi mà chẳng có lương, công việc hằng ngày của ông chỉ là đến nước pha trà. Cả công ty chỉ vẻn vẹn 6 “mống” và có một cái máy tính duy nhất, anh em phải thay phiên nhau sở hữu. “Tôi được phân dùng máy tính từ 22h đến 6h sáng hôm sau. Ước mơ lớn nhất lúc đó chỉ là có một máy tính riêng và 2 năm sau, nó đã thành sự thật”, vị Tổng giám đốc tiết lộ.

Ảnh: Hoàng Hà
Ảnh: Hoàng Hà

Trả lời câu hỏi “cơ duyên nào đã khiến mình trở thành doanh nhân”, vị Tổng giám đốc bật mí mọi sự là do tình cờ, trước đây ông mở trở thành người lái tàu hỏa, vì được nhìn “tàu phụt lửa đỏ lòm và xì khói trắng”. Từng muốn “đổi gió”, xin nghỉ làm ở FPT một năm nhưng rồi thi cả 3 chỗ thì cả 3 công ty đều bị trượt. “Thi trượt cũng là lúc tôi quay về FPT thì vừa đẹp. Tôi cho rằng, vấn đề quan trọng chúng ta phải tin cảm nhận của chính mình”, ông Nam chia sẻ.

Xuất thân từ ngành kỹ thuật, bà Phạm Minh Hương từng bươn trải đủ các nghề để kiếm sống. Ít ai biết, CEO Phạm Minh Hương đã từng có thời gian làm cô giáo, rồi kỹ sư và mãi sau cùng mới “bám trụ” ở ngành kinh doanh. Người phụ nữ cá tính mạnh coi cơ hội như mũi tên nên miễn có thời cơ là thay đổi. Bà tiết lộ, mức lương ban đầu của bà chỉ có 105.000 đồng. Sau này, khi làm kỹ sư ở CitiBank, được chào với mức lương 500 USD, nhưng công việc hằng ngày chỉ là khi có ai đá chân làm máy tính tắt phụt thì phải lúi cúi chui xuống gầm bàn nối lại. Công việc “chuyên ngửi tất” khiến cô kỹ sư cá tính quyết tâm xin sếp đổi vị trí.

Bà Hương quan niệm, để thành công cần phải có may mắn, duyên số nhưng quan trọng nhất vẫn là phải biết nắm lấy cơ hội. Citibank mới thành lập chi nhánh ở Việt Nam và thị trường tài chính còn rất non trẻ nên bà có cơ hội thử sức ở vị trí Giám đốc Khối kinh doanh tiền tệ và thị trường vốn – một chức danh cực kỳ quan trọng tại đây. “Và có lẽ do không biết nhiều, nên khi có cơ hội, tôi nhận ngay. Quan trọng là cần đủ dũng cảm và dám nhận trách nhiệm độc lập thì sự thành công sẽ đến với mình dễ dàng hơn”, bà Hương tâm sự.

Ảnh: Hoàng Hà
Bà Phạm Minh Hương trả lời câu hỏi của các bạn sinh viên. Ảnh: Hoàng Hà.

Câu chuyện ngày đầu khởi nghiệp của hai vị doanh nhân khiến cả hội trường chăm chú lắng nghe. Sau mỗi lần các vị khách mời cất lời, tiếng vỗ tay hoan hỉ vang lên. Buổi giao lưu không chỉ thu hút sinh viên các trường kinh tế mà khối kỹ thuật như ĐH Bách Khoa cũng tham dự. Nguyễn Duy Bách (sinh viên trường Đại học Bách Khoa) cho hay, đây là lần đầu tiên cậu được tham dự một buổi giao lưu thú vị như vậy. “Trong trường học khá vất vả nên ít có thời gian giao lưu. Em ấn tượng bởi cách trả lời “tưng tửng” của anh Nam và cách trả lời chân thực của chị Hương”, Bách chia sẻ.

Nhiều sinh viên ấp ủ ước mơ làm giàu nhưng lại băn khoăn vì trong tay không hề có đồng vốn dắt lưng. Vị Tổng giám đốc FPT khuyến khích, không có vốn thì có thể đi vay. Chính những nguồn tài chính vay mượn sẽ là cục gạch để tạo nên thành công trong tương lai. Ông Nam cho rằng, trường đại học chỉ là một “quãng nghỉ” của cuộc đời. Chính trường đời sẽ dạy cho bạn cách sống và kiến thức thực tế.

Một doanh nhân đặt ra câu hỏi: “Tôi thấy anh Nam rất vất vả với ngành công nghệ phần mềm, nghị lực nào giúp anh có quyết tâm theo đuổi đến cùng như vậy”?

Nhấp ngụm nước, vị Tổng giám đốc vui vẻ trả trả lời: “Tôi khác chị Hương vì tôi ngại thay đổi. Không thích tôi vẫn làm và đi mãi rồi cũng thành công. Nếu giỏi hãy thay đổi như chị Hương, nếu không giỏi, bạn hãy kiên trì như tôi”.

Ảnh: Hoàng Hà
Vị Tổng giám đóc cười vui vẻ chia sẻ bí quyết thành công trong kinh doanh. Ảnh: Hoàng Hà.

Cách trả lời hỏm hỉnh pha chút hài hước của vị Tổng giám đốc khiến cả hội trường cười vang. Vị CEO kể thêm, mỗi người có một bí quyết để tuyển dụng. Đối với ông, để giữ chân người tài thì phải trả lương họ cao hơn mình. Cách tuyển dụng của ông rất đơn giản, chỉ cần mất một “động tác đưa sách” là biết ứng cử viên có đạt tiêu chuẩn hay không.

“Hồi mới lập Fsoft, một bạn sinh viên kinh tế đến xin việc, tôi đưa cho bạn đó quyển sách tiếng anh chuyên ngành bảo bạn đọc rồi mai nói lại cho tôi nội dung. Hôm sau thấy bạn đến, lắc đầu xin rút lui vì đọc mãi không hiểu. Tôi cười: ’em giống anh, anh đọc mãi cũng không hiểu’. Dĩ nhiên, bạn đó được nhận vì lòng dũng cảm và thẳng thắn”, ông Nam bật mí.

Là vị Tổng giám đốc thành đạt song ông Nam cho rằng “CEO khổ chết”. Bởi lãnh đạo 13.000 nhân viên không đơn giản, công ty phải xây dựng văn hóa công ty và chuẩn hóa hệ thống báo cáo. Ông Nam cho rằng, cái khó là phải kiểm soát được xung đột và biến nó thành cơ hội bởi chính xung đột sẽ nảy sinh được những quan điểm trái chiều để công ty ngày càng lớn mạnh.

Sinh viên đặt câu hỏi với hai vị doanh nhân. Ảnh:Hoàng Hà
Sinh viên đặt câu hỏi với hai vị doanh nhân. Ảnh:Hoàng Hà

Trả lời câu hỏi của một bạn sinh viên là nên theo đuổi niềm đam mê của mình hay nhu cầu công việc của thị trường, Chủ tịch VNDIRECT cho rằng, các bạn trẻ nên tìm nơi mình có thể đi tiếp được, có đông bạn bè và đặc biệt là phải giúp tích lũy thêm kiến thức mà mình yêu thích.

Trong khi đó, Tổng giám đốc FPT thì đưa ra lời khuyên là các bạn sinh viên hãy cố gắng tìm ra sở trường của mình và chỉ cần tìm một điểm mạnh để phát huy trong công việc chứ không tập trung sức vào khắc phục điểm yếu. Dẫn chứng bài học sống còn từ những phụ nữ làm nghề giúp việc Đài Loan, ông Nam tâm sự: “Trước đó, FPT có rất nhiều điểm yếu và cứ đi khắc phục mãi cũng không xuể và luôn bị tụt hậu trong cạnh tranh”.

Từ Mỹ trở về, gặp một số phụ nữ Việt Nam làm nghề giúp việc tại sân bay của Đài Loan, ông Nam được biết, họ kém người Philipines cả về sức khỏe, tính sạch sẽ, độ chăm chỉ… nhưng vẫn được người chủ yêu quý hơn chỉ bởi nấu ăn ngon hơn. “Nghe xong, tôi mới ngộ ra rằng, tập trung phát huy điểm mạnh mới là chiến lược sống còn trong kinh doanh chứ không phải suốt ngày đi khắc phục điểm yếu của mình”, ông nói.

Trả lời câu hỏi của một bạn sinh viên về kinh nghiệm tìm ra đáy của thị trường chứng khoán và lời khuyên đầu tư cổ phiếu có hiệu quả như tỷ phú Warren Buffet, bà Hương nói: “Để làm được như Warren Buffet không đơn giản vì không có nhiều người dám làm khác đám đông như ông”. Vị tỷ phú này từng khuyên: “Hãy tham lam khi thị trường sợ hãi và hãy sợ hãi khi thị trường tham lam”.

Vị chủ tịch của VNDIRECT cho biết, trong đầu tư chứng khoán, cơ hội và rủi ro rất gần nhau nên bà rất sợ đưa ra lời khuyên về đầu tư cho các bạn sinh viên. “Nó là cơ hội của tôi nhưng không phải là cơ hội của các bạn bởi mỗi người có vị thế tài chính khác nhau và tầm nhìn đầu tư khác nhau. Nếu không xác định được cái đó và không tìm được vị thế phù hợp thì sẽ rơi vào tình cảnh ‘đốt chó nửa đường thì hết rơm’ trong đầu tư. Quan trọng nhất là tích lũy đủ kiến thức và bản lĩnh để biết mình là ai và đầu tư vào cái gì”, bà nói.

Ảnh: Hoàng Hà
Gần 100 câu hỏi của các bạn sinh viên đã gửi về ban tổ chức. Ảnh: Hoàng Hà.

Gần 100 câu hỏi của các bạn sinh viên đã gửi về ban tổ chức trong buổi giao lưu bên cạnh hàng trăm câu hỏi khác đã gửi về VnExpress.net kể từ khi có thông tin về buổi giao lưu. Bạn Nguyễn Tiến Tùng, hỏi: “Những người thành công thì luôn nhìn thấy cơ hội trong mọi khó khăn còn người thất bại thì chỉ thấy khó khăn trong các cơ hội. Kinh nghiệm tốt nhất để nhìn thấy cơ hội của mình là gì”?

Ông Nguyễn Thành Nam, khuyến khích, bạn nên thất bại càng sớm càng tốt. “Khi thất bại thì hãy biết đứng lên, lúc nào mệt quá, bạn có thể ngồi xuống”, vị tổng giám đốc hóm hỉnh.

Còn bà Hương cho rằng, để thành công, bạn phải là nguời lạc quan. Để có thể lạc quan, bạn phải tích lũy đủ bản lĩnh để không sợ thất bại. Hãy tích lũy cho mình bản lĩnh cần thiết và lựa chọn cơ hội phù hợp với điều kiện cá nhân của mình. “Cơ hội của người khác đôi khi lại là tai họa của mình. Chỉ có bạn mới đánh giá được hết cơ hội của mình là gì, và nhất tâm đạt được nó trong thời gian ngắn nhất”, bà Hương nói.

Quan điểm về thành công, ông Nam cho rằng, đó là một khái niệm mang tính cá nhân và phụ thuộc rất lớn vào mục tiêu của từng người. “Nếu như mục tiêu của một doanh nhân là mở ra m

Chuyên đề: , ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc