Home » Tiêu Điểm, Xã hội » Những cuộc “bụi đêm” ở các làng Đại học
Vui uống, buồn uống, có học bổng uống khao anh em, tìm được người yêu mới thì uống chúc mừng, chia tay bồ thì bạn bè đi uống chia sẻ nỗi buồn… Có hằng trăm lý do để SV tìm đến các cuộc nhậu.

Làng đại học Thủ Đức, TP HCM về đêm khá nhộn nhịp với những cuộc vui thâu đêm của nhiều bạn trẻ đang ngồi trên ghế giảng đường.

Sống xa gia đình, không ít sinh viên tìm đến thú vui nhậu nhẹt. Đối với sinh viên năm thứ nhất thì nỗi nhớ nhà, nhớ bạn bè… còn các sinh viên đàn anh, đàn chị thì tìm đến hơi men để tiêu sầu, giãi bày tâm sự hoặc đơn giản là chỉ để cho vui.

Với một tờ đơn xin ở Ký túc xá kèm theo chứng minh nhân dân photo, phiếu báo nhập học photo (không cần công chứng), tôi dễ dàng “sửa” tên của mình để được vào ở ký túc xá ĐH Quốc gia theo diện “có tỉnh xây ký túc xá” chỉ với mức phí 70.000 đồng một tháng kèm theo tiền thế chân tài sản 100.000 đồng một sinh viên.

f8fkitu
Bất kỳ lý do “trời ơi” nào cũng khiến nhiều sinh viên biến thành cuộc nhậu.

Thủ tục… “nhập phòng”

Đầu giờ chiều, tôi đến dãy nhà A17 để làm thủ tục nhận phòng. Cầm tấm giấy duyệt vào ở KTX của tôi, Trưởng dãy nhà A17 hỏi như dò xét: “Sinh viên năm nhất à, học trường gì, sao không cắt tóc cho gọn gàng?”.

Sau một vài câu nhắc nhở về nội quy chung của ký túc xá và nội quy của dãy nhà, tôi được hướng dẫn về phòng A4… Đó là một phòng cũng khá rộng với 6 giường, một chiếc bàn ở giữa phòng với chiếc máy tính để bàn.

Thấy có người lạ, những sinh viên trong phòng ngồi bật dậy. Sau màn chào hỏi, biết tôi là sinh viên năm nhất, T.H (sinh viên năm 2 ĐH Khoa học – Xã hội và Nhân văn) ân cần hướng dẫn cho tôi đến chiếc giường còn lại ở góc phòng.

Chưa kịp dọn đồ vào “chỗ ở mới” của mình, tôi đã nghe giọng T.H bô bô: “Anh em, họp phòng”. Sau lời giới thiệu dông dài về tên, hoàn cảnh của từng thành viên trong phòng, T.H đưa ra một câu kết luận: “Nhập gia tùy tục, tuy anh có lớn tuổi song vẫn phải theo quy định riêng của phòng này. Mỗi tuần phải dọn phòng một ngày. Còn bây giờ, anh phải làm thủ tục đầu tiên – chào phòng”.

Tôi giả vờ ngơ ngác, T.H lý giải, thì phải có chầu nhậu ra mắt vào tối nay chứ. 18h, không khí trong phòng như sôi động hẳn lên. Bữa chiều nay nhiều thành viên trong phòng “nhịn cơm” để bụng đi ăn mừng tôi “nhập phòng”.

1001 lý do … “tràn cung mây”

Ngồi vào mâm nhậu của sinh viên KTX mới thấy, lý do của các cuộc nhậu cực kỳ phong phú. Vui uống, buồn uống, có học bổng uống khao anh em, tìm được người yêu mới thì uống chúc mừng, chia tay bồ thì bạn bè đi uống chia sẻ nỗi buồn… Có hằng trăm lý do để sinh viên tìm đến các cuộc nhậu.

Và lý do mà T.H đưa ra để có cuộc nhậu ngày hôm sau chỉ là: uống để cảm ơn vì tối hôm trước, tôi đã lo cho anh em cùng phòng khá chu đáo sau buổi chiến “tại gia” (ký túc xá) đến say bí tỉ, cũng là để ra mắt “lính mới” là tôi với hội nhậu của T.H.

22h, dãy quán nhậu lẩu cá đầu đường ngã 3 làng đại học vẫn chan chát tiếng cụng ly. Một nam sinh viên mặt phừng phừng, giọng méo mó tuyên bố: “Hôm nay là sinh nhật tao, tất cả không say không về, đứa nào mai có thi thì cũng mặc”.

Ngồi bàn bên cạnh, chúng tôi được bà chủ quán rỉ tai: “Đám này cứ có vụ gì là chúng nó kéo nhau ra đây nhậu đến khuya, đuổi cũng không về, hôm nay thằng đó là chủ xị nên có quyền quyết định cho cả nhóm”.

Quanh Làng đại học Thủ Đức, các quán nhậu mọc lên dày đặc. Ở đâu có sinh viên, ở đó quán nhậu không bao giờ “ế” khách – câu nói của một chủ quán như đã thành quy luật.

Và những hệ quả tất yếu

Ăn nhậu đã trở thành “mốt” của không ít sinh viên ở làng ĐH. Điều lạ là rảo một vòng các quán nhậu ở khu vực này, tôi phát hiện, nhiều quán chỉ lác đác vài đấng “mày râu”, còn lại là những “bóng hồng” đang cùng nhau “đối tửu” với những ngôn từ mà chỉ những “truyền nhân của lưu linh” mới hiểu: “50% trên hay dưới?”; “Uống cho “tụt” xuống hết đi”… Hậu quả của những chầu nhậu đó là những cơn say mệt lả người, có khi nằm liệt mấy ngày, phải nghỉ học.

Không chỉ thế, nhiều cuộc ẩu đả cũng xảy ra từ những cuộc nhậu này. Trung Thanh (ĐH Nông Lâm) uất ức kể: “Mình đang chạy xe ngoài đường, vừa ngang qua quán Phượng Hồng thì mấy sinh viên ĐH Thể Thao chạy xe từ trong quán ra và đâm vào mình. Xe đã bị hỏng nặng mà lại còn bị ăn đấm nhưng mình không dám cự lại vì tụi nó… to xác quá”.

Hay như trường hợp K. (ĐH Khoa học Tự nhiên), không biết va chạm với một sinh viên khoa Kinh tế thế nào mà khi sinh viên này đang uống nước gần cổng trường thì bị K. xông vào đánh túi bụi.

Khi chủ quán vào can thiệp, K. cầm luôn vỏ chai nước ngọt phang ông này. Kết cục, K. bị lực lượng dân phòng còng ngay tại chỗ trong trạng thái say mèm cùng với tờ đơn kiến nghị trường ĐH Khoa học Tự nhiên xử lý trường hợp K. của ông chủ quán.

Theo Người lao động

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc