Home » Xã hội » Những ‘tấm lòng vàng’ với nạn nhân da cam
Mỗi tháng gửi cho Quỹ nạn nhân da cam 2 triệu đồng, gom góp tiền ủng hộ tới 60 lần, hay làm phim lấy tiền ủng hộ nạn nhân dioxin là những việc làm của các “tấm lòng vàng” được tri ân tối 24/1.

Trong hội trường của Đài truyền hình Việt Nam, 99 tổ chức, cá nhân được vinh danh và nhiều cựu chiến binh, gia đình có người nhiễm chất độc da cam ngồi bên nhau, cùng nhìn lại nỗi đau còn hiện hữu khi chiến tranh đã lùi xa hơn 30 năm và tìm hiểu việc làm thầm lặng của những người đang ngày đêm cố gắng hàn gắn vết thương chiến tranh.

Với vai trò khách mời, hoa hậu Mai Phương Thúy xúc động kể lại những lần cô đến với nạn nhân chất độc da cam. Sinh ra khi đất nước đã hòa bình nên cô chỉ biết đến chiến tranh, nỗi đau qua sách báo. “Nhưng khi tôi đến từng gia đình thăm hỏi, tận tay đút cơm cho người bị bại liệt, mất đi hai cánh tay tôi mới thấm thía nỗi đau, mất mát mà họ phải gánh chịu”, Phương Thúy nghẹn ngào.

Mai Phương Thúy nghẹn ngào khi đến thăm các nạn nhân da cam. Ảnh: Hoàng Thùy.

Bà Masako Sakata, nhà làm phim Nhật Bản, người đứng đầu dự án “hạt giống hy vọng” là một trong số những cá nhân được vinh danh. Bà cho biết chồng bà, ông Greg Davis, một quân nhân Mỹ tham chiến ở Việt Nam, đã chết do bị nhiễm chất độc da cam. Sau khi ông mất, bà đi tìm hiểu thực tế để làm bộ phim về nỗi đau da cam.

Bà đã đến Việt Nam và thật sự kinh ngạc vì số người bị nhiễm dioxin ở đây quá lớn và cuộc sống của họ thì vô cùng khó khăn. Thời điểm đó, bà đã quyết tâm làm tất cả mọi việc có thể để giúp đỡ những nạn nhân này. “Thật may mắn là bộ phim đã thu được khoản tiền lớn giúp tôi có điều kiện giúp đỡ nạn nhân”, bà nói.

Mới đây, bà đã ký biên bản ghi nhớ dự án “Quỹ hạt giống hy vọng” với hội nạn nhân dioxin Việt Nam nhằm cấp học bổng cho một số học sinh, sinh viên Việt Nam là nạn nhân chất độc da cam.

Ông Nguyễn Phú Cửu, người có nhiều lần đóng góp nhất cho biết, ông còn sức là còn làm để ủng hộ cho quỹ nạn nhân dioxin. Ảnh: Hoàng Thùy.

Là thầy thuốc đông y, ông Nguyễn Phú Cửu ở xã Dân Tiến (Khoái Châu, Hưng Yên) là người ủng hộ cho quỹ nạn nhân chất độc da cam nhiều lần nhất – 60 lần. Ông cho biết, bản thân là người không may mắn nên rất cảm thông với những người cùng cảnh.

Sinh ra trong một gia đình có nghề làm thuốc đông y, cha mẹ mất sớm nên ông phải bỏ học, bươn chải kiếm sống. Sau khi bị tai nạn, không còn sức khỏe, ông Cửu quay về học nghề của gia đình. Học được nghề, mở hiệu thuốc chữa bệnh, ông tiếp xúc với quá nhiều hoàn cảnh nghèo khó, trong đó có không ít người bị nhiễm chất độc da cam.

“Tôi luôn trăn trở tìm cách giúp đỡ họ. Hiệu thuốc cùng với mấy mẫu ruộng cũng giúp tôi có chút thu nhập, gom góp ủng hộ cho quỹ. Tôi còn sức là còn làm, còn giúp đỡ những nạn nhân vượt qua khó khăn”, ông Cửu khẳng định.

Cô gái da cam Trần Thị Hoan có mặt trong chương trình làm người xem lặng đi, nhói tim vì thiếu đôi chân và tay trái. Mặc dù vậy, Hoan vẫn toát lên sự kiên cường không lùi bước. Cô kể lại, ngày 19/12 vừa qua, tòa án chống đế quốc được tổ chức tại Festival thanh niên, sinh viên thế giới lần thứ 17 ở Nam Phi. Đại diện thanh niên các nước lên nói về tình trạng ô nhiễm môi trường, tội phạm…, riêng Hoan đã lên án quân đội Mỹ với việc sử dụng chất độc da cam trong chiến tranh.

Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trao bằng khen cho những tấm lòng vàng. Ảnh: Hoàng Thùy.

Bằng tiếng Anh, Hoan đã kể cho bạn bè quốc tế nghe nỗi bất hạnh của nạn nhân da cam ở Việt Nam, trong đó cô chính là minh chứng sống. Hoan kể: “Em đã cố gắng phát âm thật tốt để các bạn có thể hiểu. Cuối bài phát biểu, em vô cùng hạnh phúc khi bạn bè quốc tế đã ủng hộ Việt Nam trong vụ kiện đòi công lý cho các nạn nhân da cam”.

Hoan cho hay, bản thân chịu nhiều thiệt thòi khi sinh ra không được lành lặn, nhưng cô vẫn cố gắng học tập với mục đích cao nhất là đấu tranh, đòi lại công lý cho hơn 3 triệu nạn nhân tại Việt Nam. “Tôi mong các nạn nhân hãy luôn cố gắng để cuộc sống của mình tốt đẹp hơn. Rất nhiều người quan tâm và ủng hộ chúng ta, nhưng trước hết chúng ta phải biết yêu bản thân mình”, Hoan nói.

Bà Ứng Thị Thanh Tâm ở xã Hiền Giang (Thường Tín, Hà Nội) đã làm cả hội trường nghẹn ngào khi kể câu chuyện gia đình mình. Chồng bà là thương binh nặng, mất 91% sức khỏe, hai con nhiễm chất độc da cam, mọi sinh hoạt đều do bà lo, trong khi gia đình chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng.

Bà Tâm đau đớn kể lại nỗi đau có chồng và hai con bị nhiễm chất độc da cam. Ảnh: Hoàng Thùy.

“Nhiều lần vết thương tái phát, chồng tôi phải nằm viện, hai con cũng ốm. Nếu tôi đi với chồng thì bỏ con mà ở nhà với con thì bỏ chồng”, bà nghẹn ngào nói.

Trong số 99 tập thể, cá nhân được vinh danh tấm lòng vàng, Tập đoàn viễn thông Quân đội Viettel là đơn vị ủng hộ nhiều nhất (10 tỷ đồng); ông Nguyễn Phú Cửu ở Hưng Yên là người ủng hộ nhiều lần nhất (60 lần); ông Cao Văn Hiệp, mỗi tháng đóng góp 2 triệu đồng cho quỹ nhưng không cho địa chỉ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cố giáo sư Trần Văn Giàu là những cá nhân có đóng góp đặc biệt được vinh danh.

Hoàng Thùy

Theo vnexpress


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc