Home » Xã hội » Tiễn Táo quân chầu trời
Chuẩn bị ngày lễ lớn nhất trong năm của “thần định phúc”, hầu hết gia đình đều chuẩn bị cỗ bàn thịnh soạn để Táo quân về trời, xin cho gia chủ được phước lộc, bình an và hạnh phúc.

Tay xách túi đựng ba con cá chép vàng đang tung tăng bơi lội, bà Lê Thị Thu (Nguyễn Văn Huyên, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, từ hôm qua bà đã chuẩn bị cho mâm cỗ tiễn Táo quân. “Chồng thì gói vài chiếc bánh chưng, làm giò lụa, còn tôi chuẩn bị nguyên liệu cho các món xào, luộc”, bà Thu cho hay.

Sau khi mua cá chép và mũ áo mới cho ba vị Táo quân, bà không quên mua thêm tiền, vàng thoi (hàng mã) cho các Táo làm lộ phí đi đường. Với ông bà, ngày tiễn ông Công, ông Táo là ngày trọng đại nhất trong năm vì đây là thời điểm các Táo lên thiên đình báo cáo những việc làm, thành quả của gia đình trong năm qua.

“Ông Táo là vị thần cai quản mọi hoạt động trong gia đình, là vị thần định đoạt may, rủi, phúc họa của mỗi nhà nên mình cần thể hiện lòng thành”, bà Thu nói.

Đồ lễ cúng ông công ông Táo không thể thiếu được áo, mũ quan. Ảnh: Lê Hiếu.

Từ nhỏ, ông Hoàng Trọng Đạt ở Từ Liêm (Hà Nội) đã thấy sự rộn ràng trong gia đình mình dịp Tết ông Công, ông Táo. Ngày ấy, bố mẹ ông ở nhà chuẩn bị cỗ bàn, còn các anh chị, sau buổi làm đều tề tựu đông đủ. Nay đã ở cái tuổi ngoại lục tuần, ông Đạt vẫn thường xuyên dặn dò con cháu phải sống có trước có sau, đúng với đạo lý bởi trong nhà luôn có các vị thần theo dõi.

“Những việc làm của mình sẽ được các vị thần quan sát, từ đó định đoạt họa phúc. Nếu sống tốt, họ sẽ xin với Ngọc hoàng sự ấm no, hạnh phúc trong gia đình. Thế nên ở hiền sẽ gặp lành như ông bà ta vẫn nói”, ông Đạt tâm sự.

Ông cho biết, năm nay cô con gái ông được nghỉ học sớm nên phụ giúp ông bà chuẩn bị đồ cúng là một bộ đồ mã với đầy đủ mũ, áo, hia, cá, tiền, vàng… Ngoài ra, mâm cỗ nhà ông còn có thêm con gà luộc, đĩa nộm, đĩa xào thập cẩm, nem cuốn, bánh chưng, chân giò… “Sau khi tiễn ông Táo, đại gia đình chúng tôi sẽ quây quần để cùng ôn lại một năm qua. Đây cũng là lúc để mọi thành viên ngồi lại bên nhau, nhắc nhở nhau sống tốt hơn nữa”, ông nói.

Được xem là vị thần cai quản việc bếp núc, các Táo được các bà nội trợ đặc biệt quan tâm. Tiễn ông Táo lên trời cũng là lúc để các bà trổ tài nấu nướng. Cả tuần nay chị Thanh Lan (Đống Đa, Hà Nội) đã nhờ chị em cùng cơ quan tư vấn mâm cỗ ngày Tết ông Công. “Tầm sư học đạo” mấy hôm, chị cũng đã có thực đơn cho ngày này.

“Bên cạnh các đồ vàng mã mua sẵn, tôi sẽ làm mâm cơm thịnh soạn để cúng các vị thần. Ngoài những món truyền thống như bánh chưng, giò chả, chân giò luộc, tôi còn tìm mua một con gà cồ (gà mới lớn) để luộc cúng, cầu xin cho con trai tôi lớn lên có nhiều nghị lực và khí phách hiên ngang như chú gà này”, chị Lan chia sẻ.

Có nhiều gia đình đã tiễn Táo quân từ tối 22/12. Chị Nguyệt Minh (ngõ 68, Cầu Giấy) cho biết, hai vợ chồng đều đi làm từ sáng đến tối, mà bố mẹ chị dặn, chỉ được cúng từ lúc 11h đến 15h để ông Táo kịp về trời. “Đi làm về thì đã tối mịt, cúng chắc là chẳng thiêng nữa vì đã quá giờ. Thế nên chúng tôi chọn cách cúng sớm một ngày. Đây là một ngày quan trọng nên không thể để lỡ hành trình của các Táo được, thà sớm còn hơn muộn”, chị cười.

Cá chép cúng phải gồm ba con để ba vị thần cưỡi về trời. Ảnh: Hoàng Hà.

Vì bận rộn nên mâm cỗ của chị Minh cũng được đơn giản đi nhiều. Thay vì ba bộ áo mũ, chị chỉ mua tượng trưng một bộ. Cỗ mặn cũng được thay bằng đồ ngọt như hoa quả, bánh kẹo, trầu cau… Sau khi cúng xong, chị lập bài vị mới cho các thần với bốn chữ “Định Phúc Táo Quân” (thần định mọi sự hạnh phúc).

“Phúc đức là do việc làm đúng đạo lý của mọi người trong gia đình. Còn cỗ bàn phụ thuộc vào điều kiện và hoàn cảnh của từng gia đình nên chỉ cần gia chủ thành tâm là đủ”, chị Minh nói.

Chị kể, cũng nhờ Tết ông Công, ông Táo mà chị và mẹ chồng đã hóa giải được mâu thuẫn. Cách đây ba năm, khi còn ở chung với gia đình chồng, chị và mẹ chồng luôn xảy ra mâu thuẫn. Đúng ngày 23 tháng Chạp, bà bị cảm lạnh không dậy được. Bà nói ý “tôi thế này thì nhà cũng lạnh tanh. Có thêm người cũng như không”.

“Ý bà nói là tôi không biết nấu nướng, sẽ không có cỗ tiễn ông Táo về trời nhưng tôi chẳng để bụng, lặng lẽ chuẩn bị một mâm thịnh soạn với đầy đủ đồ lễ cho bố chồng cúng. Tôi còn mua thuốc cho bà trước khi đi làm. Dù mất một buổi sáng nghỉ việc nhưng mẹ chồng tôi đã bắt đầu nhẹ nhàng hơn với con dâu”, chị Minh cho hay.

Lễ cúng Táo Quân ngày 23 tháng Chạp được người dân coi là ngày lễ chuyển giao năm cũ, đón chào năm mới. Trong quan niệm của người dân, ông Táo lên trời để báo với Ngọc hoàng những điều mắt thấy tai nghe trong một năm qua dưới trần gian. Chiều 30 Tết, người dân lại chuẩn bị chu đáo để đón ông Công ông Táo trở về trần gian làm nhiệm vụ năm mới.

Hoàng Thùy

Theo vnexpress


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc