Home » Xã hội » Giá cả biến động lớn

Sau 3 ngày tết, giá nhiều mặt hàng đã tăng 20-30%. Nhiều hàng hóa và dịch vụ tết thậm chí tăng cao một cách vô lý và vô tội vạ. Những mặt hàng tăng giá mạnh nhất vẫn không ngoài các mặt hàng thực phẩm, ăn uống.

“Giá tết”

Trong tết, một thùng bia Heineken được bán tại các cửa hàng ở thành phố Pleiku leo lên giá 400.000 đồng/thùng, trong khi giá tại TPHCM khoảng từ 380.000-385.000 đồng/thùng. Tương tự, giá thịt gia súc, gia cầm, đều tăng mạnh. Nếu như những ngày giáp tết, giá thịt bò bán lẻ tại các chợ ở TPHCM được các tiểu thương nâng lên 180.000 đồng/kg thì đến những ngày tết, mức giá này tiếp tục được đẩy lên 200.000 đồng/kg.


Rau – củ – quả kinh doanh tại siêu thị đang được bán với giá thấp hơn ở chợ.

Ảnh: M.T

Điều này đã khiến hầu hết các hàng quán nâng giá các loại thực phẩm chế biến một cách bất hợp lý, trong khi thực khách vẫn phải chi trả cho mỗi phần ăn như một điều đương nhiên. Từ mùng 4 tết, một số hàng quán tại TPHCM bắt đầu khai trương trở lại, trong khi phần lớn các điểm treo biển khai trương vào mùng 6 tết (tức 8.2). Bước vào các hàng ăn sáng trong những ngày đầu năm Tân Mão, giá đồng loạt đội lên ít nhất từ 20-30%. Mỗi bát phở, bún ngày thường có giá 20.000-25.000 đồng/bát thì nay tăng lên 30.000-35.000 đồng/bát. Trong khi đó tại TPHCM, có thực khách phản ánh rằng giá cả cũng tăng vùn vụt từ các quán ăn đến nơi vui chơi giải trí. Đơn cử như bánh mì bíttết Nam Sơn, ngày thường chỉ có 45.000 đồng/phần thì trong dịp tết tăng lên đến 70.000 đồng/phần. Mấy ngày áp tết hàng cơm nghỉ bán, các quán còn mở cửa cũng tha hồ “chặt chém”, nâng giá từ 25.000 đồng/đĩa lên 35.000 đồng/đĩa.

Theo Bộ Công Thương, trong dịp Tết Tân Mão sức mua thị trường tăng từ 20%-25%, nhưng trên bình diện toàn quốc đã không xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá. Tuy nhiên theo khảo sát thực tế, vì không thiếu hàng nên tránh được tình trạng sốt, song giá nhiều mặt hàng vẫn bị đẩy lên cao. Dù rằng sau tết, giá cả một số mặt hàng như thực phẩm tươi sống đã có giảm nhiệt, nhưng cũng không tránh khỏi việc một mặt bằng giá mới đã được xác lập.

Giá rau quả bắt đầu hạ nhiệt

Ngày 7.2, nhiều tiểu thương tại các chợ đã kinh doanh trở lại, song song với hệ thống các siêu thị ở TPHCM đã đồng loạt khai trương vào ngày mùng 2 tết (4.2). Với việc nhiều nơi kinh doanh trở lại hơn, giá các loại thực phẩm tươi sống đã hạ nhiệt trở lại. Tuy nhiên, hiện nay trong khi các chợ đầu mối và siêu thị kinh doanh trở lại với mức giá tương đương ngày thường thì tại khu vực bán lẻ ở các chợ, mặt hàng thực phẩm tươi sống, nhất là rau – củ – quả vẫn bán với mức giá cao. Tại các chợ, một số loại rau xanh như xàlách, hành lá, rau mùi, giá đỗ, cải xanh vẫn được các tiểu thương tăng gấp đôi so với ngày thường. Tương tự, các loại trái cây vẫn được bán lẻ với mức giá cao hơn ngày thường 20-30%, dù nhu cầu đã giảm đi so với những ngày giáp tết. Một số tiểu thương còn cho biết, giá các loại trái cây sẽ tiếp tục đứng ở mức cao đến sau rằm tháng giêng do từ nay đến đó nhu cầu trái cây sẽ vẫn cao để phục vụ nhu cầu lễ chùa, lễ khai trương…

Chiều 7.2, bà Nguyễn Thanh Hà – Phó Giám đốc Cty quản lý và kinh doanh chợ đầu mối nông sản Thủ Đức – cho biết: Hiện lượng rau – củ – quả về chợ đã đạt mức khoảng 1.000 tấn/đêm. Tuy lượng hàng về chợ và số tiểu thương kinh doanh trở lại hiện nay chỉ mới khoảng 1/3 so với ngày thường, nhưng giá các mặt hàng nhập về và kinh doanh tại chợ đã bắt đầu hạ nhiệt so với thời điểm giáp tết.

Dịch vụ trông giữ xe: Chặt chém

Dịch vụ trông giữ xe tại các đền chùa, điểm vui chơi trong dịp tết vẫn thỏa sức “chặt chém” du khách đi lễ, hội, bất chấp những nỗ lực của cơ quan quản lý. Theo ghi nhận của PV Lao Động, giá loại dịch vụ này dịp tết đã tăng đến gấp 5 – 7 lần so với ngày thường.

Tại TPHCM, dù UBND TPHCM và các sở, ngành đã lường trước nhu cầu gửi xe tại các điểm vui chơi, trung tâm thành phố tăng vọt nhưng vẫn không thể đủ chỗ giữ xe, khiến giá giữ xe nhiều nơi tăng lên 15.000 – 20.000 đồng, thậm chí có nơi lên đến 30.000 đồng/lượt gửi xe máy vào thời điểm xem pháo hoa đêm giao thừa. Tại đường hoa Nguyễn Huệ, UBND TP đã chấp thuận cho Công ty TNHH một thành viên dịch vụ công ích Thanh niên xung phong TP được sử dụng một phần vỉa hè của đường phố lân cận tổ chức gần 20 điểm giữ xe với giá giữ xe theo quy định 3.000 đồng/lượt/ban đêm. Tuy nhiên, với lượng du khách quá đông, các bãi giữ xe này không còn chỗ, nhiều bãi giữ xe tự phát đã nhanh chóng mọc lên trên đường Hồ Tùng Mậu, Lê Lợi, Pasteur… với giá 15.000 – 20.000 đồng/chiếc.

Hồng Thụy – Mộng Thoa

Theo laodong.com.vn


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc