Home » Xã hội » Lấp lánh những mùa xuân Tây Bắc
Xuân đang về rất hối hả trên Tây Bắc. Có gì đó như thúc giục, mời gọi khi ta chợt nghe tiếng kèn lá, khèn tình dù là hiếm hoi của thanh niên H’Mông trong những đêm tình mùa xuân…

[title]

Sắc màu mùa xuân ở những chợ phiên trên Tây Bắc. (Mai Ka)

Đi chợ Tết… mua xuân ở phố bản

Tết rét năm nay cũng đến những vùng rẻo cao một cách ngọt ngào. Người ở bản đón Tết sớm và thường tổ chức rình rang hơn bất cứ nơi nào. Háo hức ngay từ những phiên chợ thưa thớt hàng tuần, hàng tháng rồi tập trung trong những ngày mổ trâu, mổ lợn vào dịp giáp Tết này.

Năm nay gần tết, nhà Thao nuôi được đàn lợn thả 4 con, Thao mang những con lợn đó xuống chợ ở Si Ma Cai để bán cho người giàu ăn Tết. Thao nói giá chắc chắn: “Đúng giá 450 nghìn, mới bán”. Vì thét giá cao cho con lợn mới được hơn 10kg nên Thao cứ ngồi đó, bồi hồi từ sáng mà không bán được lợn…

Người ở bản như Chu và Xuyên đi chợ ngày Tết cũng thường lắm. Họ đi rất xa nhưng chỉ gùi đi vài lạng mọc nhĩ, nấm hương bán được một chút tiền để mua những thứ màu sắc để trang trí nhà. Chu và Xuyên bảo năm nào mình cũng đi chợ, không đi phiên ngày 23 thì đi phiên ngày 27, chơi chán chợ ở Si Ma Cai thì chờ đến ngày chợ Bắc Hà lại chơi tiếp. Ba năm trước thì phải đi bộ nhưng những năm trở lại đây, những chuyến xe khách xập xệ ghé bản nhiều, chỉ cần tốn 7 đến 10 nghìn là có thể đi chơi được nhiều nơi.

Người bản xuống phố ngày Tết, nhiều khi cũng chỉ để… ăn phở rồi về. Chị Hà, người dưới xuôi bán phở ở Si Ma Cai, cho biết: “Tết thì người đến chợ đông hơn gấp bốn lần bình thường. Họ phơi hàng của mình khắp các mỏm núi. Vào những phiên chợ dịp giáp Tết, tôi bán được hàng vạn bát phở. Có nhiều người đi chợ lạ lắm, họ chỉ xuống chợ xem hàng rồi ghé quán phở cùng ăn uống với bạn. Họ ăn và uống đến lúc “chân đi không vững” thì mới về”.

Một góc chợ Bắc Hà ngày giáp Tết có vài ba người phụ nữ nhanh tay thêu những mảnh quần mặc ngày xuân, vài ba thanh niên gọt khèn, kèn những dụng cụ chơi xuân rồi thử thổi vang nhộn một góc chợ. Những phiên chợ trai gái đi với cái túi lép kẹp thế nhưng trở về là mang cả mùa xuân…

“Rượu say thì tớ sẽ kéo vợ hộ…”

Bản Hồng Ngài ở xã Y Tý huyện Bắc Hà tỉnh Lào Cai là một bản đặc biệt. Nó xa xôi đến mức hiện nay chưa có đường giao thông đến bản. Người dân ở đây có cuộc sống sung túc nhất ở góc trời Tây Bắc vì chăm chỉ trồng thảo quả và do vị trí địa lý tốt nên giao thương với Trung Quốc thuận lợi.

Anh Nguyễn Văn Trường, chính trị viên đồn biên phòng xã Y Tý, cho biết tổ công tác của đồn năm nào cũng ăn Tết cùng với dân. Theo phong tục thì người ở Hồng Ngài ăn Tết rất khuya sau khi họ mổ lợn, mổ trâu và cúng, họ thường ăn từ đêm đến tận sáng, khi rượu say ngà ngà thì cán bộ lẫn dân chỉ còn cách dựa cột ngủ, chờ hơi rượu vãn thì đi chơi Tết.

“Ngày mùng Một Tết thường chỉ diễn ra riêng ở mỗi gia đình. Thế nhưng đến ngày mùng Hai, mùng Ba thì thanh niên rủ đi kéo vợ nhiều lắm”. Anh Trường nói vui: “Nếu tớ say rượu, tớ cũng ra kéo vợ cùng. Tớ thích má con gái đỏ hây hây vì được về nhà chồng, ban đầu ngúng ngẩy, sau đó dần ưng thuận vì cũng thích, cũng yêu. Nếu tớ say rượu kéo vợ hộ càng hăng…”

Ở vùng biên thùy hơn bảy năm, anh Trường cho biết thời gian trước, những nét phong tục cũ trong ngày Tết còn được giữ khá nhiều. Thanh niên bản hay chơi kèn lá, sáo, khèn, ném còn… Tuy nhiên, hiện nay vì phim ảnh, đĩa nhạc của Trung Quốc về bản nhiều nên những trò chơi xưa cũ đó có phần mai một. Nhiều lời hát của dân tộc, dịch ra tiếng Kinh rất hay và dễ thuộc, nhưng hiện nay chỉ còn những người trung tuổi hát nhiều, còn thanh niên thì đã quên.

Vui cùng những lễ hội

Trong và sau những ngày Tết, Tây Bắc khắp nơi nơi có hội. Người trẻ ham vui được dịp tham gia chơi ném còn, đu quay, hát hò và hoạt động tâm linh theo cái ‘lý’ của họ.

Huyện Sa Pa, ngày mùng Một Tết có dâng hương đền Hàng Phố (thị trấn Sa Pa), mùng Hai Tết – chơi các trò dân gian truyền thống tại trung tâm thị trấn, mùng Năm tết – hội xòe dân tộc Tày xã Thanh Phú, mùng Sáu Tết – hội hát then dân tộc Tày xã Bản Hồ, hội hát giao duyên dân tộc Dao xã Tả Phìn, hội Gầu Tào dân tộc Mông xã San Sả Hồ…

Huyện Bát Sát từ trước Tết đến ngày mùng 10/1 âm lịch đều tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, đặc biệt là những trò chơi dân gian truyền thống tại tất cả các xã như Mường Hum, Bản Qua, Cốc Mỳ, Bản Xèo, Ý Tý, Sảng Ma Sáo…

“Năm Tân Mão, xuất hành về phía Tây Bắc nhất là Lào Cai năm nay sẽ hên cả năm”, thầy cúng ở phiên chợ vội ngày cuối năm dặn những vị khách còn lại trong phiên chợ. Và người Tây Bắc cũng mời bạn ghé chơi mùa xuân này.


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc