Home » Xã hội » ‘Vụ tai nạn cầu Ghềnh chỉ là sự cố hãn hữu’
“Nếu có nhiều cầu để tách tàu hỏa và ôtô, xe máy đi riêng thì quá lý tưởng. Tuy nhiên, việc cân đối tài chính không đơn giản, hơn nữa cũng cần thỏa mãn nhu cầu đi lại của dân “, ông Nguyễn Văn Doanh, Cục phó Cục Đường sắt khẳng định với VnExpress.net chiều 9/2.

>> Vụ tàu gây tai nạn ở cầu Ghềnh: Xác định lỗi của nhà tàu

>> 7 người trong vụ tàu hỏa húc hàng loạt ôtô trên cầu bị bắt

>> Tàu hỏa đâm hàng loạt ôtô trên cầu, nhiều người chết

– Sau vụ tai nạn ở cầu Ghềnh, ông đánh giá thể nào về cách lưu thông khi cả ôtô và tàu cùng đi trên một làn đường?

– Đây là sự cố hãn hữu mặc dù cả nước có rất nhiều cầu cho phép ôtô và tàu hỏa đi chung. Nếu tất cả khâu vận hành trơn tru thì sẽ không có tai nạn. Ngành đường sắt đã có quy trình, trong đó có quy định về vận hành tàu qua cầu chung. Về nguyên tắc, khi hai luồng xe va chạm trên cầu thì tín hiệu tàu vào cầu bị đóng. Hai phía cầu đã bố trí 4 người chắn để ngăn ôtô, xe máy, khi nào hết phương tiện trên cầu tàu mới được vào. Nếu làm đúng thao tác thì không thể xảy ra tai nạn.

Ở đây có sự cố nào đó trong hệ thống mới dẫn đến tai nạn. Ngoài ra, cũng do ý thức của người tham gia giao thông. Khi hai đầu cầu có đèn đỏ, không hiểu tại sao chiếc taxi ở phía nam lại vào cầu được trong khi các xe phía ngược lại đang cố thoát ra.

– Tại sao không tách riêng từng làn đường để tránh tai nạn?

– Cả nước có khoảng 10 cầu còn sử dụng chung giữa tàu hỏa và xe cơ giới. Ngay như trên sông Sài Gòn có nhiều cầu song vẫn còn sử dụng chung giữa tàu hỏa và xe. Nguyên nhân là quãng đường đi của người dân. Khi cầu quá xa khu dân cư thì người dân dễ dàng đi vào cho dù cầu bị cấm. Như tình trạng hàng nghìn đường ngang cắt qua đường sắt. Khi ta đóng đường ngang ban ngày thì ban đêm dân lại mở ra.

Về chủ trương chung, chỗ nào có điều kiện tách được thì sẽ tách, tuy nhiên phải thỏa mãn nhu cầu của người dân. Nhiều cầu đã tách riêng từng làn đường, như cầu Phú Lương, Lai Vu ở Hải Dương. Trên tuyến đường đến Hải Phòng chỉ còn cầu Tam Bạc lưu thông giống cầu Ghềnh. Nói cấm dân đi lại thì dễ, nhưng trước khi cấm phải tính được hết tác động của nó.

tai nạn cầu Ghềnh
Vụ tai nạn tại cầu Ghềnh làm 2 người chết, hơn 20 người bị thương. Ảnh: PV.

– Thực tế là có không ít vụ va chạm giữa tàu và ôtô khi đi chung đường, đã khi nào Cục Đường sắt kiến nghị xóa bỏ các cầu chung giữa ôtô và tàu hỏa?

– Định hướng chung là các giao cắt đồng mức giữa đường bộ, đường sắt và sử dụng chung là phải loại bỏ dần. Nếu có nhiều cầu để tách tàu hỏa, ôtô, xe máy, xe đạp đi riêng thì quá lý tưởng. Tuy nhiên, việc cân đối tài chính không hoàn toàn đơn giản nên chúng ta chưa thể đầu tư.

Trong trường hợp nếu các cầu đường sắt là mối hiểm họa đe dọa hàng ngày thì phải loại bỏ từ lâu. Hiện các quy trình quy phạm đã được đảm bảo rõ ràng, khó có thể xảy ra tai nạn, nên các cầu này vẫn tồn tại.

– Cầu Đồng Nai 2 đã xây dựng mới, vậy tại sao không phân luồng để giảm tải phương tiện cho cầu Ghềnh?

– Trước đây, trên quốc lộ 1A, cầu Ghềnh phải gánh hết phương tiện, song thời điểm này đã được san sẻ sang cầu Đồng Nai 2. Tuy nhiên, để đi được sang cầu bên kia là khá xa. Sau vụ việc này, chúng tôi sẽ làm việc với TP HCM, tính toán xem tác động lớn hay nhỏ với dân cư. Nếu tác động nhỏ thì sẽ kiến nghị tách các phương tiện đi riêng, nếu tác động lớn quá thì các loại xe vẫn phải đi chung với tàu hỏa.

– Sau vụ tai nạn thương tâm ở Đồng Nai, ông nhìn nhận thế nào về trách nhiệm mỗi bên?

– Theo tôi, 3 người có khả năng vi phạm là nhân viên gác chắn tàu, lái tàu và lái taxi. Nếu không có xe taxi từ hướng nam đi ngược chiều thì các xe khác đã dễ dàng thoát ra.

Các cá nhân khi gây hậu quả nghiêm trọng sẽ phải xử lý theo pháp luật, các cơ quan, tổ chức sẽ bị trách nhiệm liên đới theo quy định, ai sai sẽ phải bị xử lý một cách nghiêm túc. Song tôi cho rằng đây không phải là cái cần thiết mà chúng ta phải ngăn chặn được tai nạn tái diễn.

– Vậy Cục Đường sắt có biện pháp gì để tránh lặp lại thảm kịch như ở cầu Ghềnh?

– Sau vụ tai nạn này, chúng tôi sẽ tăng cường kiểm tra giám sát đối với những người thực thi công việc tại cầu, giám sát các quy định. Sau khi cơ quan điều tra đưa ra nguyên nhân thì chúng tôi phân tích, bổ sung các quy định về an toàn, để đảm bảo sai phạm này không được tái diễn.

Báo cáo Thủ tướng về vụ tai nạn tại cầu Ghềnh

Bộ Giao thông Vận tải đã báo cáo Thủ tướng về vụ tai nạn tại cầu Ghềnh. Theo đó, hồi 19h34 ngày 6/2, đoàn tàu khách SE2 do đầu máy D19E – 951 kéo chạy hướng TP HCM – Hà Nội đến cầu Ghềnh trên đường Hà Huy Giáp, thuộc phường Bửu Hòa, thành phố Biên Hòa, đã đâm phải một xe tải, 2 xe taxi đang chạy ngược chiều trên cầu và va phải 3 ôtô khác đang ùn tắc ở đầu cầu phía nam.

Hậu quả 2 người chết, 15 người bị thương và 11 người khác bị trầy xước, 6 ôtô bị hỏng, giao thông đường sắt bị ách tắc và làm chậm nhiều đoàn tàu.

Đoàn Loan thực hiện

Theo vnexpress


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc