Home » Xã hội » 14 ngày chạy loạn để thoát khỏi Libya
“Gần một tuần trôi qua, thức ăn dự trữ cạn dần, tiếng súng nổ đì đoàng và ngày càng gần trại chúng tôi. 44 công nhân đều tuyệt vọng, có người nói chắc phải bỏ mạng nơi xứ người”, anh Nguyễn Thanh Phương, lao động Việt Nam vừa trở về từ Libya kể lại.

VnExpress ghi lại câu chuyện của anh Nguyễn Thanh Phương về hành trình 14 ngày thoát khỏi Lybia:

Albeida là thành phố đầu tiên của Libya xảy ra cuộc biểu tình. Nơi đó có 44 lao động Việt Nam đang làm việc trong công trình xây dựng hệ thống thoát nước thải cho thành phố, chủ thầu là người Tây Ban Nha.

Ngày 17/2, lúc 17h30, trong khi công nhân Việt Nam đang làm việc ngoài công trường, tôi đang ở văn phòng thì thấy nhân viên người Tây Ban Nha, Libya có điều gì đó rất khác lạ. Bình thường họ làm việc tới 20-21h tối, nhưng hôm đó khoảng 18h họ đã thu xếp mọi thứ để về. Tôi chẳng hay biết gì về những thông tin bạo loạn nên vẫn cặm cụi làm việc tới hơn 19h.

Khi về trại dành cho lao động Việt Nam, đọc được tin thành phố Albeida nổi dậy chống chính quyền, nhóm lao động bắt đầu lo lắng. Albeida là nơi đầu tiên xảy ra biểu tình ở Libya, khi biết tin, tất cả từ giám đốc công trường, giám đốc nhân sự đến quản lý trại, từ người Tây Ban Nha đến người Libya, hoặc là đã rời khỏi thành phố để về nước, hoặc là không đến công trường.

21h ngày 17/2, tôi liên lạc được cho giám đốc nhân sự của công ty ở Tripoli, dường như họ vẫn chưa biết gì về tình hình tại Albeida. Họ nói không thể làm gì được vì rất xa, hơn 1.000 km và bảo chúng tôi tự thuê xe ra bãi biển Hamama, nơi nghỉ mát của nhân viên công ty cách đó khoảng 40 km. Tôi vội vã thông báo anh em sắp xếp đồ đạc để chuẩn bị sơ tán. Ngay lúc đó có hai công nhân ra ngoài nhìn thấy xe chở nước cung cấp cho trại, do tất cả đèn chiếu sáng đã tắt, họ lại tưởng là xe kéo pháo nên lao thẳng vào trong thông báo. Mọi người thấy thế rất sợ hãi.

Tôi vẫn tiếp tục liên hệ cho giám đốc nhân sự ở Tripoli, nhưng chưa tìm được giải pháp gì. Công nhân không đồng ý sơ tán trong lúc này vì ngoài thành phố xảy ra bạo loạn rất dữ dội. Tiếng súng nghe đùng đùng, người dân chạy náo loạn, trong tay người nào cũng cầm khẩu súng dài.

Chúng tôi đã liên hệ cho những người Libya có trách nhiệm bảo vệ an toàn, nhưng họ không nghe máy. Tôi cố gắng gọi về Việt Nam và Đại sứ quán để nhận được sự hỗ trợ, nhưng dường như mọi người chưa hay biết gì về bạo loạn. Vì thế nhóm công nhân Việt Nam quyết định ở lại, không sơ tán. Tuy nhiên, anh em cũng sắp xếp đồ đạc nếu có cơ hội sẽ di chuyển. Đêm đó không một người nào có thể chợp mắt, tiếng súng liên tục vang lên, tin tức truyền hình thì đưa tin bạo loạn dữ dội ở khắp thành phố Albeida.

22h đêm 17/2, chúng tôi thấy rất nhiều xe tăng chạy xung quanh khu vực trại. Có hai người mang rất nhiều vũ khí xông thẳng vào trại dành cho công nhân Việt Nam. Chúng tôi tưởng là cướp nên xác định họ muốn lấy gì thì cứ cho, miễn là bảo toàn được mạng sống. Nhưng thật ra họ là người của công ty cử ra để bảo vệ chúng tôi.

Sáng 18/2, chúng tôi nhận được tin văn phòng công ty đã bị chiếm, toàn bộ xe hơi, mọi tài liệu giấy tờ đã bị phá hủy, vì thế ai cũng lo lắng, hy vọng được trở về quê hương rất mong manh.

Ngày 19/2, được công ty cử người đại diện xuống xem xét tình hình, cung cấp đồ ăn, thức uống, đồng thời thuê 5 người Libya bảo vệ, nhóm công nhân đã bớt phần nào lo lắng. Nhưng tiếng súng vẫn còn đó, dường như mọi người dân Libya đều có súng. Tôi tự hỏi một đất nước cấm lưu hành vũ khí tại sao người dân nào cũng có súng?

Chủ sử dụng vẫn không có biện pháp gì để sơ tán công nhân. Nhiều người đã khóc vì sợ hãi, vì cảm giác bị bỏ rơi. Là người quản lý trực tiếp 44 lao động Việt Nam làm việc tại công trường, tôi rất đau xót vì không có cách nào để lo cho họ.

Gần một tuần trôi qua, thức ăn dự trữ cạn dần, tiếng súng nổ đì đoàng và ngày càng gần trại chúng tôi lắm rồi. Truyền thông đưa tin đã di chuyển toàn bộ công nhân Việt Nam tại thành phố Albeida để đến Bengazhi, sau đó đi bằng tàu biển qua Thổ Nhĩ Kỳ về Việt Nam. Trên thực tế nhóm 44 công nhân Việt Nam vẫn còn đó, ai nấy đều tuyệt vọng. Có người nói chắc phải bỏ mạng nơi xứ người.

Trong khi đó, thông tin Chính phủ Libya sẽ dùng vũ lực làm công nhân càng hoang mang. Điện thoại, Internet bị cắt. Rồi những thông tin công nhân trên đường ra Bengazhi bị nhóm bạo loạn lấy hết đồ đạc, phải tạm trú trong khuôn viên nhà thờ, sân vận động, bị thiếu ăn, nhiệt độ ngoài trời dưới 10 độ C… cứ dội về càng làm chúng tôi thêm hoảng loạn.

Đêm 25/2, nghe tin Chính phủ Việt Nam sẽ đem phi cơ sang sơ tán lao động, chúng tôi rất phấn khởi, tìm mọi cách liên lạc với phía công ty hỗ trợ xe đến biên giới Ai Cập.

11h trưa 26/2, đoàn chúng tôi gồm 44 người chia thành 5 xe di chuyển đến cửa khẩu Libya và vượt qua cửa khẩu trong ngày. Đến đêm 26/2, chúng tôi đã ở biên giới Ai Cập giáp với Libya, trời rất rét, một vài công nhân đã bị sốt. Rất may đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập cử người đến giúp đỡ thủ tục cho chúng tôi nhập cảnh.

Ngày 27/2, biên giới hoang vắng, lạnh buốt, thức ăn chỉ chuẩn bị cho đi đường nên đã gần hết, 5-6 người phải chia nhau một ổ bánh mì. Điều tôi buồn nhất là giữa người Việt Nam với nhau, trong lúc hoạn loạn phải chia sẻ miếng ăn thì không ít người giấu diếm đồ ăn cho riêng mình.

Chiều cùng ngày, mọi thủ tục đã xong, chúng tôi được nhà nước và các tổ chức quốc tế hỗ trợ xe đi ra sân bay Cairo của Ai Cập. Từ biên giới, xe đi suốt đêm để tới sân bay. Lao động Việt Nam, Bangladesh, Sri Lanka đi cùng trên chuyến xe sơ tán. Trên xe, anh Nguyễn Thanh Sự đã sáng tác một bài thơ, tôi xin được chia sẻ với độc giả:

Ta khóc than cho đời mình đen đủi
Thương mẹ hiền, thương những đứa em yêu
Nơi quê nhà mẹ nghe con gặp nạn
Mẹ u buồn mẹ khóc nhớ thương con
Con ơi con, xứ người con ổn chứ
Mẹ ở nhà mẹ biết phải làm sao?

Mẹ ơi mẹ, nơi này con khổ lắm
Vẫn đang chờ ngày trở về Việt Nam
Libya con mới đến hôm nào
Bây giờ cuốn gói nghẹn ngào lệ rơi
Cuộc đời sao giống lá mồng tơi
Làm ăn khổ cực ở nơi xứ người
Cuộc đời ta biết phải về đâu
Gánh nợ nần đang chờ ta phía trước
Nỗi ưu phiền tất cả cũng vì ai.

Nghe xong bài thơ, tất cả chúng tôi đều nghẹn ngào. Nước mắt rơi trên những gương mặt gầy gò hốc hác sau bao ngày gian khổ, rồi tương lai chúng tôi sẽ về đâu. Lúc chưa rời khỏi Libya, chúng tôi lo lắng cho tính mạng của mình, nhưng khi được an toàn thì lại lo cho tương lai. Xa cha mẹ, gia đình, chúng tôi đi làm cơ cực nơi xứ người. Nhiều anh em con thơ vừa lọt lòng, nhưng vẫn phải rời xa để mong đi kiếm được đồng tiền mua sữa cho con.

Sáng 28/2, chúng tôi đã tới được sân bay Cairo. Được Đại sứ quán Việt Nam và các tổ chức quốc tế hỗ trợ, chúng tôi được đưa vào trong phòng chờ của sân bay.

Chờ đợi một ngày đêm, tối 1/3, Tổ chức di dân quốc tế đã đặt được vé máy bay cho chúng tôi về quá cảnh tại Thái Lan, sau đó bay về TP HCM.

Thoát khỏi vùng chiến sự, chúng tôi rất mừng, nhưng cũng rất hụt hẫng không biết tương lai của mình như thế nào. Thất nghiệp, gánh nặng nợ nần dường như đã quá sức với chúng tôi. Chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng, doanh nghiệp cố gắng giúp đỡ để những người lao động trở về từ Libya được trở lại cuộc sống bình thường.

Nguyễn Thanh Phương

Theo vnexpress


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc