Home » Xã hội » Cập nhật tình hình người Việt sau cơn động đất ở Nhật Bản
Phóng viên Bay Vút đã liên lạc được với một số người Việt hiện đang học tập và làm việc tại Nhật Bản.


[title]

Trên đường về nhà – đi bộ ròng rã suốt 4 tiếng trong giá lạnh. Không xe hơi, không xe lửa… tiếp tục bước đi. (Bá Đức)

Bá Đức, cựu Chủ tịch Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam tại Nhật (VYSA)

“Tình hình của mọi người bên này nói chung là ổn về mặt thân thể nhưng bất ổn về mặt tinh thần. Hôm nay tôi làm ca đêm từ 12 giờ khuya cho đến 8 giờ sáng mai, nhưng hiện thời tôi rất mệt do hôm qua đã đi bộ 16km về nhà vì sợ cháy nổ ga. Hôm nay, tôi có lẽ phải đi xe đạp hoặc bắt taxi nếu tàu không cựa quậy. Hiện động đất vẫn đang rung lắc căn nhà của tôi, lát nữa tôi sẽ đi kiếm thêm đồ dự trữ”.

Phúc Sinh, hiện đang quản lý lao động Việt Nam sang làm việc tại nhà máy đóng tàu ở thành phố Okayama

“Ở Okayama không bị ảnh hưởng như Tokyo nhưng loa cảnh báo sóng thần phát suốt từ chiều đến tối không dứt. Sinh gọi điện liên tục cho bạn bè và các học trò của mình ở Tokyo nhưng không được (Sinh dạy tiếng Nhật cho các lao động trước khi họ sang Nhật làm việc) do điện và điện thoại ở Tokyo đều đã bị cắt”.

“Okayama được cảnh báo coi chừng sẽ có sóng thần khoảng 5m, nhà chức trách cấm tất cả mọi người ra gần biển và sơ tán các khu nhà ven biển”.

Sinh cho biết nhà bạn ở gần bãi biển và dọc bãi biển đó là hàng loạt các nhà máy lọc dầu nên bạn vừa chat với Bay Vút vừa… hồi hộp…!

“Truyền thông trên toàn nước Nhật không phát gì khác ngoài chuyện cập nhật tin tức từng phút từng giờ”.

Hiền đang làm việc ở tầng 2 của một tòa nhà ở Tokyo khi động đất xảy ra

“Hiền ở Tokyo cũng đã nhiều năm nhưng đây là lần đầu tiên trải qua một trận động đất mạnh và kéo dài đến như vậy. Tôi và các đồng nghiệp chui xuống gầm bàn trốn mấy lần mỗi khi cơn dư chấn trở mạnh, đồ đạc trong văn phòng sụp đổ ngổn ngang. Sau động đất mạnh và sóng thần, công ty cho nhân viên về nhưng nhiều người quyết định ở lại văn phòng vì tàu, xe điện…. đều không có, trời lại lạnh nên nếu có ra đường cũng không biết làm sao về nhà”.

“Sau đó, mọi người phát hiện thấy có vết nứt trong tòa nhà nên tất cả di dời sang tòa nhà khác. Sau khi mọi việc tạm yên ổn hơn, xe lửa Tokyo bắt đầu chạy lại thì mọi người túa về với người thân”.

“Tình hình là những người ở Tokyo tranh thủ cập nhật tin tức cho người thân bằng Internet là chính khi toàn bộ điện thoại bị gián đoạn. Hầu hết các bạn trẻ dùng Facebook cập nhật tình hình thường xuyên. Cộng đồng các bạn người Việt ở đông Shonandai thì cố gắng ở gần nhau để dễ liên lạc. Do xác định rằng ra đường cũng không đi đâu được nên các bạn cố gắng ở yên một chỗ cùng người thân của mình”.

Kim, nhân viên một công ty IT ở Tokyo quyết định không chen chúc giữa cảnh náo loạn ngoài đường phố mà ở lại tầng 5 của văn phòng trong đêm qua (ngày 11/3) sau khi bỏ qua ý nghĩ thử đi bộ về trong đêm. Chỗ cô ở cách công ty 30km. ’Công việc’ của Kim tại văn phòng là lục tìm đồ ăn, tải hình đổ bể ngổn ngang lên Facebook bằng iPhone. Theo bạn, với tình trạng sóng điện thoại chập chờn, điện lúc cắt lúc không thì phương tiện truyền thông tốt nhất lúc bấy giờ là Internet, bởi không có máy tính thì bạn còn có thể truy cập bằng điện thoại để thông báo tình hình và… giảm stress.

Huy, sinh viên cao học tại trường APU, thành phố Oita, Beppu cho biết bên đó không có vấn đề gì vì cách khá xa vùng trung tâm của thiên tai. Tuy nhiên, toàn bộ cộng đồng sinh viên Việt Nam tại trường đều đang hết sức quan tâm đến tình hình thiên tai, lắng nghe cảnh báo từng phút để đề phòng tối đa, cập nhật tin tức về cho gia đình yên tâm và cố gắng liên lạc với bạn bè, người thân của mình ở khu vực thiên tai. Huân cho biết một số sinh viên ở Tokyo phải ở lại trường hoặc ở nhờ nhà bạn bè, người quen chờ cho đến khi có phương tiện giao thông làm việc trở lại. Do không quen với việc thường xuyên có động đất nên tuy được nhà trường tập huấn trước các kỹ năng này, một số sinh viên trong lúc hoảng sợ cứng hết đầu óc, không nhớ nổi những thao tác đã được học. Một số chạy ngay ra ngoài, trong khi một số lúng túng không biết phải làm gì.

Theo thống kê của Cục Quản lý lao động ngoài nước, hiện có khoảng 18.000 lao động và tu nghiệp sinh Việt Nam đang làm việc tại Nhật Bản, chủ yếu ở Tokyo và vùng phía nam Nhật Bản.

Theo số liệu của Tổ chức hỗ trợ sinh viên Nhật Bản (JASSO), trong năm 2010, có 141.774 sinh viên nước ngoài đến học tập tại quốc gia này, tăng 6,8% tức khoảng hơn 9.000 sinh viên so với năm 2009.

Theo bayvut


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc