Home » Xã hội » Người gìn giữ những cây đèn nghìn năm tuổi
17 năm cất công sưu tầm, linh mục Nguyễn Hữu Triết – cha xứ nhà thờ Tân Sa Châu ( TP HCM) đã sở hữu hơn 1.300 chiếc đèn các loại, trong đó nhiều chiếc được ra đời cách đây 2.500 năm.

Đến căn phòng cha xứ vào những ngày không có lễ, nếu không phải là giáo dân thường xuyên đi lễ tại nhà thờ Tân Sa Châu, ít ai nghĩ người đàn ông tóc bạc thường ngồi cạnh hòn non bộ phía sau nhà thờ chính là cha nhà thờ và là chủ nhân của bộ sưu tập đèn cổ với số lượng lớn nhất tại Việt Nam.

Chiếc đèn đất nung Đông Sơn được linh mục Nguyễn Hữu Triết quý nhất. Ảnh: Thiên Chương.
Chiếc đèn đất nung Đông Sơn được linh mục Nguyễn Hữu Triết quý nhất. Ảnh: Thiên Chương.

Cha Triết kể, ý tưởng sưu tầm đèn cổ được nhen nhóm từ năm 1993 khi ông về làm cha xứ tại nhà thờ. Nhìn thấy Tân Sa Châu có vài chiếc đèn dầu kiểu lạ lẫm, cùng với “máu” đam mê săn đồ cổ, cha Triết nảy ý tưởng làm phong phú thêm cho thế giới đèn với mong muốn không chỉ là sở thích mà là để gìn giữ giá trị tinh thần.

Công cuộc tìm kiếm được bắt đầu từ năm 1994. Đi đến đâu, từ Bắc chí Nam, từ Ấn Độ, Trung Quốc, Campuchia, Indonesia… hễ tìm được chiếc đèn lạ lại “cao tuổi” là cha Triết lại mua mang về. Nhiều người biết ông có thú đam mê, có đèn cổ thì mang đến, kể cả các lái buôn đồ cổ cũng tìm đến.

Sau gần 20 năm tìm kiếm, bộ sưu tập đèn cổ của cha Triết giờ đã hơn 1.300 chiếc với đủ các kiểu dáng, đủ các niên đại. “Nhiều chiếc khiến tôi ưng ý bởi nó được làm ra bằng đất Đông Sơn, Sa Huỳnh cách đây khoảng 2.500 năm. Một số chiếc có tuổi đời non hơn nhưng lại chinh phục tôi bởi tính mỹ thuật”, cha Triết nói.

Kết quả của quá trình sưu tập hiện được ông Triết gìn giữ như báu vật gồm khoảng 400 chiếc tại giáo xứ Tân Sa Châu, 900 chiếc tại nhà truyền thống và 60 chiếc khác được đưa ra Huế. Những chiếc ưng ý nhất, quý nhất như chiếc đèn đất nung Sa Huỳnh, đèn đất nung dáng chim Đông Sơn, đèn gốm Hán – Việt từ thế kỷ thứ 3… được cha Triết đặt trân trọng tại phòng làm việc của mình.

Một góc bộ sưu tập đèn cổ được đặt tại giáo xứ Tân Sa Châu. Ảnh: Thiên Chương.

Cẩn trọng mở tủ kính, hai tay bê một cách cẩn thận chiếc đèn làm bằng đồng Đông Sơn, cha Triết tâm sự: “Nhìn nó như miếng đồng nát không còn nguyên vẹn, người không biết cổ vật cứ tưởng là thứ vứt đi nhưng với những người sưu tầm đồ cổ thì đây là báu vật. Bê không khéo, cầm không vững là làm rơi thì mất cả 2.000 năm như chơi”.

Trong gian phòng và chiếc tủ kính đặt vô số đèn từ những loại bé tí bằng hai ngón tay đến loại đèn lồng to cao gần 2 mét, cha Triết thuộc vanh vách nguồn gốc xuất xứ của từng chiếc.

“Đời tôi có bao nhiêu tiền của đã dâng hết cho đèn. Giờ đây dù trên người chỉ độc nhất chiếc áo thun và chiếc quần vải, nhưng tôi vui vì đã góp phần gìn giữ được giá trị văn hóa. Những thứ mà không khéo trân trọng sẽ bị mai một với thời gian”, vị linh mục nói.

Với bộ sưu tập của mình, linh mục Nguyễn Hữu Triết đã được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục Bộ sưu tập đèn cổ nhiều nhất Việt Nam.

Thiên Chương


Theo vnexpress


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc