Home » Xã hội » Nói và làm: Hành là chính, cải cách là phụ?
Một vị quan chức đã khẳng định rằng cải cách hành chính của ta mấy năm qua đã đạt tầm… quốc tế. Nhưng thực tế, nhiều DN vẫn đang bị “hành là chính” nếu không biết “tìm cách tiếp cận khác” với những cán bộ trong cơ quan công quyền.

Đến những người lạc quan nhất chắc cũng phải bất ngờ khi một vị quan chức đánh giá tổng kết công cuộc cải cách hành chính theo đề án 30 đã đạt tầm… quốc tế. Với 30% số thủ tục kỳ vọng sẽ được cắt giảm, có thể tiết kiệm mỗi năm khoảng 30 nghìn tỉ. Một con số khổng lồ – lớn hơn thế là sự thư thái, phấn khởi của các doanh nghiệp, những “khách hàng” của cơ quan công quyền khi bớt đi những lo lắng, bức xúc bởi sự vô lý của rừng thủ tục hành dân.

Phải thừa nhận rằng Đề án 30, nếu được thực thi đầy đủ, sẽ đẩy được một hòn đá tảng đè nặng lên doanh nghiệp nhiều năm nay. Nhưng thuốc đã kê đúng toa, sao “con bệnh” vẫn chưa hết đau đớn?

Nguyên nhân không chỉ bởi sự rườm rà của hệ thống luật lệ mà hơn thế là vẫn có không ít các công chức đang tận dụng sự phiền hà với doanh nghiệp là mảnh đất mầu mỡ của cửa quyền và lạm quyền. Với mức lương khiêm tốn và sự nhẩn nha của công cuộc cải cách tiền lương, thì việc đủ sống trong thời bão giá này cũng là không đơn giản. Thế nhưng, nhiều công chức sắm xe sang, nhà đẹp rồi còn đủ tiền cho con đi học nước ngoài (mà phải học ở những trường xịn, học phí cao ngất ngưởng). Nhiều khu biệt thự bỏ hoang, cỏ mọc mà chủ nhân bí ẩn của nó vẫn chưa lộ diện, dù dư luận đã đồn đoán là công chức ngành này, ngành kia…

Đã có những cuộc điều tra bỏ túi về ngành nào nhũng nhiễu nhất và dù chỉ mang tính chất tham khảo thì người dân cũng thấy hình như chuyện “hành dân”, “hành doanh nghiệp” là chuyện ai cũng biết ở những công chức “ngành giàu”! Chắc chắn, chẳng có lý gì để những công chức quyền lực đầy mình này vui vẻ khi bị cắt bỏ đi những “công cụ” dùng để “hành là chính” của mình.

Thế nhưng, việc cắt bỏ các văn bản không cần thiết dẫu sao cũng còn dễ hơn việc chấn chỉnh thái độ và cách làm của đội ngũ công chức tiếp xúc với doanh nghiệp. Đã có chuyên gia lên tiếng về tính cấp thiết của việc xây dựng lại chuẩn đạo đức công chức, hay chí ít phải có quy chế luân chuyển công chức thường xuyên. Có người nhận định, xóa bỏ văn bản là cần nhưng cần hơn là làm cho các văn bản trở nên rõ ràng, rành mạch, cũng một cách hiểu, tránh để cán bộ công quyền “áp” (hay ép) thế nào cũng được.

Giảm bớt thủ tục hành chính là chia sẻ gánh nặng chi phí sản xuất cho doanh nghiệp. Ảnh minh họa: 100hanoi,com

Thế mới có tình trạng công chức áp dụng bài hướng dẫn nhỏ giọt. Doanh nghiệp đưa văn bản lên, chờ đợi cả buổi mới đến lượt, cán bộ công quyền chỉ cho một lỗi sai. Về hì hục chỉnh sửa, chờ đợi cả buổi, lên gặp, lại được “hé” ra một lỗi cần sửa nữa. Cứ như thế nhiều lần, cho đến khi doanh nghiệp phải “hiểu ra vấn đề”, phải “tìm cách tiếp cận khác”. Một dấu chấm, một dấu phẩy, doanh nghiệp cũng có thể bị bắt bẻ, lên xuống toát mồ hôi, trong khi công chức ẩn rất kín trong hệ thống luật lệ rườm rà, phức tạp.

Không ít doanh nghiệp nhập khẩu bị áp thuế sai, chạy đi chạy lại với nhiều cơ quan công quyền với không biết bao nhiêu con dấu, thuê tư vấn khiếu nại nhiều cấp. Đến khi chứng minh được hải quan làm không đúng thì đã mất cả tháng trời, doanh nghiệp thiệt đơn thiệt kép trong khi công chức thì vẫn ca bài “hứa thật nhiều, thất hứa cũng thật nhiều”.

Giảm thiểu nạn hành doanh nghiệp không đơn giản nhưng cũng không phải nhiệm vụ bất khả thi. Nếu cơ quan công quyền thực sự quyết tâm, sẵn sàng thiết lập đường dây nóng phản ánh nạn nhũng nhiễu hành doanh nghiệp, chắc chắn các công chức sẽ thận trọng hơn, trách nhiệm hơn trong mỗi lời nói, việc làm. Tất nhiên, đường dây nóng phải thật sự nóng, các cơ quan trách nhiệm phải đầu tư bộ máy, xây dựng cơ chế tiếp nhận và xử lý nghiêm túc những phản ánh của người dân. Nếu chỉ làm cho có, máy lúc nào cũng bận, hoặc có kết nối được thì cũng chỉ nhận được sự ậm ờ, xuê xoa, không có sự phản hồi tương xứng thì doanh nghiệp cũng nản lòng.

Như phân tích của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, trong thời lạm phát, nhiều doanh nghiệp vốn chỉ dựa vào lợi thế giá rẻ, có thể sẽ biến mất nếu chi phí đầu vào tiếp tục tăng. Giảm thiểu thủ tục hành chính đồng nghĩa với việc chia sẻ gánh nặng tài chính với doanh nghiệp trong lúc khó khăn. Vì vậy, lúc này rất cần một liều thuốc thật đắng và một vị thầy thuốc (ở đây chính là Chính phủ) cao tay giúp người uống tin và tự nguyện thực hiện phác đồ điều trị đã đề ra.

Theo vef.vn


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc