Home » Xã hội » Sẽ lắp nhiều camera không cố định trên đường
“Trên quốc lộ sẽ có nhiều vị trí đặt camera và thay đổi vị trí theo ngày”, đại tá Đỗ Vũ Anh Dũng, Cục trưởng Cảnh sát giao thông đường bộ – đường sắt, trao đổi chiều 14/3.

– Trên nhiều tuyến đường vẫn có tình trạng rải đinh, xe khách phóng nhanh vượt ẩu…, có ý kiến cho rằng chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe người vi phạm, ông nghĩ sao về việc này?

– Rải đinh là một loại tội phạm, nếu không được xử lý thường xuyên lại tái phát. Gần đây đã bùng phát nạn rải đinh ở Bình Dương, chúng tôi đã xử lý nghiêm và ngăn chặn được. Tuy nhiên chúng ta vẫn phải tiếp tục tuyên truyền để không tiếp diễn.

Xe khách đường dài thường phóng nhanh vượt ẩu. Trên thực tế, công an đã có nhiều biện pháp song lái xe vẫn tìm cách đối phó, như báo cho nhau có cảnh sát kiểm tra. Khi chạy khỏi khu vực kiểm tra thì lái xe lại phóng nhanh vượt ẩu.

Chúng tôi đang có chuyên đề xử lý những xe này và sẽ triển khai trong thời gian tới. Trên quốc lộ sẽ có nhiều vị trí đặt camera và thay đổi vị trí theo ngày. Đây không phải cách “rình nấp” như nhiều người nhận xét mà nhằm nâng cao ý thức của lái xe. Họ sẽ phải suy nghĩ là lúc nào cũng có sự giám sát để lái xe cẩn thận hơn.

– Theo ông tại sao lực lượng chức năng đã tăng cường xử phạt, nhưng tình hình tai nạn giao thông vẫn không có chuyển biến?

– Số phương tiện gia tăng hàng năm khoảng 15%. Năm 2009, cả nước có khoảng 31,5 triệu ôtô và môtô. Năm 2010, con số này tăng lên 34 triệu, tăng 3,5 triệu. Song tình hình tai nạn năm 2010 đã được kiềm chế và trên thực tế là đã giảm so với năm trước. Tôi cho rằng các biện pháp xử phạt đã có hiệu quả.

Tuy nhiên, không phải lấy phạt nặng là chính. Trong điều chỉnh tới đây, sẽ tăng nặng mức xử phạt đối với một số hành vi, nhưng không nhất thiết chỉ là phạt tiền mà có thể áp dụng một số biện pháp, như tước quyền sử dụng giấy phép lái xe. Việc này sẽ mang ý thức giáo dục cao hơn đối với người lái xe.

Sẽ lắp đặt nhiều camera để xử phạt xe khách phóng nhanh vượt ẩu. Ảnh: Hoàng Hà.

– Ông đánh giá ý thức tham gia giao thông của người dân tại các đô thị như thế nào so với các nước lân cận?

– So với thành phố Bangkok (Thái Lan), hạ tầng chúng ta không được bằng, song ôtô và xe máy lại quá nhiều. Một phần thái độ tham gia giao thông của chúng ta chưa bằng người Thái song do người trong đô thị quá lớn, xe máy quá nhiều tạo sự đua chen, gây ùn tắc.

Theo tôi, người dân cần chấp hành nghiêm sự điều khiển, điều tiết của cảnh sát giao thông, chấp hành nghiêm việc xử lý. Còn với cảnh sát cần thực hiện đúng điều lệ, tạo ra sự thân thiện và nghiêm minh với những người tham gia giao thông và người vi phạm.

– Để nâng cao ý thức chấp hành giao thông ở Việt Nam, theo ông cần có bước đột phá mới nào?

– Đảng viên cần nhắc nhở người nhà không vi phạm giao thông. Mọi người trong xã hội cần lên án người vi phạm để họ cảm thấy xấu hổ, không muốn kể về các hành vi sai trái với người thân như hiện nay.

Với học sinh, chúng tôi đang tích cực gửi các thông báo về trường để nhắc nhở. Với người dân vi phạm sẽ gửi danh tính về công an các phường xã và cơ quan, tổ chức của họ. Nếu cơ quan tổ chức cùng lên án thì sẽ có hiệu quả.

Đoàn Loan ghi

Theo vnexpress


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc