Home » Xã hội » Hàng chục tấn cá chết trắng sông La Ngà
Theo người dân, thực tế có tới 100 tấn cá bị chết, thiệt hại ước tính 10 tỉ đồng.

Rạng sáng 15-4, hồ chứa rỉ mật của Công ty Cổ phần Mía đường La Ngà (Đồng Nai) bị vỡ. Đây thật sự là một thảm họa đối với hơn 70 hộ dân nuôi cá bè trên sông La Ngà đoạn chảy qua hai xã La Ngà, Phú Ngọc (huyện Định Quán).

Cá chết nổi trắng sông

Lúc 2 giờ ngày 15-4, làng cá bè trên sông La Ngà trở nên náo động khi người dân chứng kiến cá chết nổi lềnh bềnh trên cả một đoạn sông gần 3 km. Cả một khúc sông đỏ quạch, ngầu bọt; mùi hôi thối, vị rỉ đường đặc trưng xộc lên đến ngạt thở. Người dân làng bè tất tả kéo bè cá chạy xuống đoạn sông chưa bị nước thải làm ô nhiễm mong cứu đàn cá nhưng đã muộn.

Theo ghi nhận, đến chiều 15-4 có gần 60 hộ bị ảnh hưởng bởi sự cố này, trong đó có 50 hộ gần như chết sạch đàn cá (hầu hết là cá điêu hồng và cá lăng, cá chép…). Nhiều người ngậm ngùi chở từng ghe cá chết vừa vớt đi bán với giá 3.000-4.000 đồng/kg, trong khi nếu cá sống họ có thể bán với giá gấp 10 lần.

“Chúng tôi không biết là vỡ hồ chứa nước thải hay công ty mía đường xả thải nhưng đây không phải là lần đầu xảy ra sự cố. Trong các năm 2008 và 2010, chúng tôi cũng bị chết hàng trăm tấn cá nhưng công ty không hề bồi thường mà chỉ hỗ trợ vài triệu đồng. Hiện đoàn kiểm tra liên ngành của huyện, tỉnh đã lập biên bản nhưng tôi thấy họ kiểm tra rất qua loa, nhiều hộ không được đưa vào danh sách thiệt hại. Họ cũng không vô đến đoạn sông gần miệng cống mà nước thải xả ra” – ông Nguyễn Văn Thiêm, có gần 6 tấn cá các loại bị chết, phản ánh.

6-chot

Cá bè chết hàng loạt sau sự cố nước rỉ mật của Công ty Mía đường La Ngà tràn ra sông La Ngà.

Theo các hộ dân ước tính, đã có hơn 100 tấn cá bị chết, tổng thiệt hại lên tới gần 10 tỉ đồng. Thiệt hại nặng nhất là nhà ông Trần Văn Chinh với gần 50 tấn cá bị chết ngay lập tức. Dù gia đình ông Chinh cố gắng đưa các bè cá đến thượng lưu sông La Ngà để cứu nhưng hiện số cá ít ỏi còn lại cũng bị nổ mắt, lờ đờ.

“Chỉ là sự cố ngoài ý muốn”

Chiều 15-4, ông Trần Văn Ngà, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Mía đường La Ngà, cho rằng đây là sự cố ngoài ý muốn. “Do hồ chứa bị vỡ nên một lượng rỉ mật đã chảy ra sông La Ngà. Chúng tôi có báo cho người dân biết nhưng do nước sông cạn quá, lượng rỉ mật không hòa tan được. Đến rạng sáng 15-4, có một trận gió ngược nên lượng rỉ đường tràn về hướng các bè cá” – ông Ngà lý giải.

Về con số thiệt hại, ông Ngà cho biết công ty đã cùng đoàn kiểm tra liên ngành thống kê và bước đầu xác định có hơn 37 tấn cá bị chết (chênh lệch quá xa so với thống kê của người dân). Ông Ngà giải thích: “Con số người dân phản ánh chưa đúng. Chúng tôi đi kê khai rất khách quan, có mặt cả đoàn kiểm tra. Để xảy ra cá chết là lỗi của công ty nhưng việc bồi thường thế nào thì phải kiểm kê chính xác rồi mới đưa ra bàn bạc trong hội đồng quản trị và với địa phương”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tính đến chiều 15-4, hai thương lái mua cá chết của các hộ dân nhiều nhất là bà Nguyễn Thị Lùm và bà Nguyễn Kim Thanh. Hai bà cho biết đã mua lại từ các hộ dân hơn 60 tấn cá chết. Ngoài ra còn có nhiều thương lái đến mua mỗi người vài tấn, chưa kể một số hộ dân tự thuê xe chở cá đi các tỉnh bán để vớt vát ít vốn. Đến chiều cùng ngày, giá cá chết chỉ còn khoảng 1.000 đồng/kg.

Làng cá nhiều lần bị thiệt hại do xả thải

Theo các hộ dân trong làng cá bè, vào ngày 18-1 và ngày 15-3-2007, hàng chục tấn cá của họ đã bị chết do ô nhiễm. Tiếp đến, ngày 5-3 và ngày 1-4-2008 đã có 236 tấn cá chết do ô nhiễm nguồn nước. Cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai xác định các công ty gây ô nhiễm là Công ty TNHH AB Mauri Việt Nam và Công ty Cổ phần Mía đường La Ngà. Tuy nhiên, mức bồi thường, hỗ trợ của hai công ty này rất thấp so với thiệt hại của dân.

________________________________________________

Công ty Mía đường La Ngà phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người dân, đồng thời có biện pháp hạn chế ngay những tác động xấu từ việc nước rỉ mật chảy ra môi trường. UBND tỉnh sẽ yêu cầu các cơ quan chức năng làm rõ vụ việc để đảm bảo quyền lợi cho người dân.

Ông AO VĂN THINH, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai

Chúng tôi mới nhận được thông tin này do báo Pháp Luật TP.HCM phản ánh, chưa thấy địa phương báo lên. Phòng sẽ cử cán bộ xuống hiện trường lấy mẫu nước để làm rõ nguyên nhân. Chúng tôi cũng sẽ đưa vụ việc này vào chương trình kiểm tra, giám sát mức độ gây ô nhiễm của các công ty do UBND tỉnh chủ trì.

Trung tá TRẦN THỊ NGỌC THUẬN,
Trưởng phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Đồng Nai

Chiều 15-4, huyện đã làm việc với Công ty La Ngà. Công ty này hứa sẽ bồi thường 100% thiệt hại cho dân sau khi kiểm kê chính xác thiệt hại. Hiện việc thống kê đang được huyện và công ty phối hợp triển khai. Mức bồi thường thiệt hại sẽ được thỏa thuận sau.

NGUYỄN THỊ THANH YÊN,
Chủ tịch UBND huyện Định Quán, Đồng Nai

NGUYỄN ĐỨC

Theo phapluattp


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc