Home » Xã hội » ‘Hỉ nộ ái ố’ với xe gắn máy ở Việt Nam
Ở một đất nước có tới 21 triệu chiếc xe gắn máy (loại xe mô tô hai bánh) đang được phép lưu hành như Việt Nam thì hiển nhiên có lắm chuyện hỉ nộ ái ố xung quanh phương tiện giao thông số 1 này.
[title]

“Xe máy cứ như lao vào người, nhìn đâu cũng thấy xe máy…” – trích nhận xét của một du khách quốc tế khi đến Việt Nam (Bay Vút)

Tóm lược

  • Có khoảng hơn 200 triệu chiếc xe máy hai bánh trên toàn thế giới, 58% số này được sử dụng tại Châu Á – đặc biệt là khu vực Đông Nam Á. Ấn Độ có khoảng gần 37 triệu chiếc xe máy, là quốc gia có nhiều xe máy nhất trên thế giới. Trung Quốc là quốc gia sử dụng xe máy nhiều thứ nhì (34 triệu chiếc).

Xe máy là phương tiện giao thông đáp ứng 90% nhu cầu di chuyển, đi lại của người dân Việt Nam. Tính trung bình bốn người dân Việt Nam đăng ký sở hữu một chiếc xe gắn máy.

Từ công nhân đến trí thức, từ thị dân đến vùng nông thôn, từ đồng bằng đến vùng núi, đại đa số người Việt Nam nhiều thành phần và giai tầng xã hội ở mọi nơi đều sử dụng xe gắn máy để đi làm, đi chơi, chuyên chở hàng hóa… và cả để thể hiện đẳng cấp của mình nữa.

Nói nôm na rằng người Việt đang có một ‘nền văn hóa xe máy’ quả cũng có lý. Những câu chuyện dưới đây của Bay Vút chỉ là một phần nhỏ phác thảo 1001 chuyện vui buồn với xe máy tại Việt Nam.

Trông xe biết chủ

Dũng, một kỹ sư xây dựng, bán chiếc xe Dream cũ sau 5 năm gắn bó để thêm vào gần 30 triệu đồng “tậu” được một chiếc Airblade ‘mới cóng’. Vừa dắt xe ra khỏi tiệm là Dũng đã tự tin bảo vui: “Coi thử mấy cô nàng còn dám chê mình ‘lúa’ nữa không”.

Lương kỹ sư xây dựng của Dũng mỗi tháng chỉ hơn 6 triệu đồng, dù muốn đổi xe từ lâu nhưng cũng phải dành dụm cả năm, cộng với đợt thưởng Tết Tân Mão 2011 thì Dũng mới thực hiện được ước mơ của mình.

Nhưng mua xe mới chỉ là bước khởi đầu của ‘cuộc chơi’. Thấy xe màu đen không ưng bụng lắm, chưa đầy một tuần sau khi mua Dũng đưa ra tiệm dán decal hết lại sang màu vàng chóe và trang trí cho chiếc xe của mình thêm phần độc đáo. Theo lý giải của Dũng, “chiếc xe phải thể hiện được cá tính chủ nhân”.

Phương, Trưởng phòng giao dịch một Ngân hàng Thương mại tại Thành phố Hồ Chí Minh, gắn bó với chiếc xe Wave Honda đã nhiều năm qua chưa khi nào anh phàn nàn về “cục cưng” của mình. Hằng tuần Phương đều đem xe ra tiệm rửa và hầu như không dám cho ai mượn xe.

Nhưng kể từ ngày lên chức, Phương lại hay ca thán “cục cưng”. Tháng 3/2011 vừa qua, Phương tạm biệt chiếc Wave Honda ‘xoành xĩnh’ để vi vu trên một “cục cưng” khác sành điệu hơn gấp bội: chiếc xe hai bánh hiệu SH. Phương tâm sự: “Chẳng lẽ Trưởng phòng giao dịch một Ngân hàng lớn mà phải đi cái xe cà tàng chứ không mua nỗi một chiếc xe ‘coi được’ để đi lại hay sao? Đã đến lúc cần thể hiện đẳng cấp cá nhân một chút !”.

Trường hợp sắm xe mới, bỏ xe cũ như Dũng, Phương là chuyện rất phổ biến tại Việt Nam. Mọi thanh niên khi ra trường đi làm được một thời gian và có chút tích lũy thì một trong những điều đầu tiên mà họ nghĩ đến chính là việc đổi xe xịn hơn. Những chiếc xe Chaly, Wave, Dream, Sirius… gắn bó với thuở ‘hàn vi’ hay suốt thời sinh viên đều dần sẽ được thay thế bằng những chiếc xe máy xịn hơn, đắt tiền hơn, thời thượng và sành điệu hơn một khi chủ nhân có điều kiện kinh tế để ‘lên đời xe’.

Hoàng, Trưởng phòng Kinh doanh một Công ty Xuất Nhập khẩu, chia sẻ với người viết rằng đi xe máy xịn thì nhiều khi được thuận lợi hơn trong giao tiếp. Hoàng kể vui rằng: “Nếu mình dắt chiếc xe máy Trung Quốc cà tàng vào một công ty nào đó và yêu cầu gặp Giám đốc thì có thể bị bảo vệ công ty làm khó đủ điều. Ngay cả chuyện mình chở bạn gái đi chơi bằng chiếc xe máy ‘trông coi được’ một chút thì cũng thuận lợi hơn”.

Dĩ nhiên ý kiến trên chỉ là từ một cá nhân, chủ yếu mang tính dí dỏm chứ không phản ánh chính xác 100% thực tế, song phần nào cho thấy đã có một bộ phận người Việt sính đi xe máy xịn nhằm góp phần thể hiện ‘đẳng cấp’.

Kinh hoàng xe máy ‘quái chiêu’

Một buổi chiều trong giờ tan tầm, có hai công nhân công ty may Thành Công trên đường Tây Thạnh, quận Tân Phú (Thành phố Hồ Chí Minh) đang chạy xe đi về nhà bỗng nghe sát sau lưng mình một tiếng hổ gầm thật lớn. Tay lái loạng choạng, hai cô ngã nhào ra đường. Chưa biết việc gì xảy ra với mình, đã nghe một tràng cười sảng khoái của hai cậu choai choai ngồi trên chiếc xe Yamaha Jupiter kéo ga lao về phía trước. Thì ra chiếc xe của hai thanh niên này gắn hệ thống còi phát ra tiếng hổ gầm kinh sợ kia.

Anh Công, thợ sửa xe máy trên đường Trường Chinh, quận Tân Bình cho biết nhiều thanh niên ở Việt Nam bây giờ rất khoáy lắp còi cho ‘xế’ của mình có tiếng bò rống, ngựa hý, heo kêu, hổ gầm… và cả tiếng hú của xe cứu thương, cứu hỏa.

Dù đã có luật cấm những tiếng còi xe quái chiêu này nhưng cảnh sát giao thông khó mà bắt phạt được. Lý do là các cậu choai choai mỗi khi thấy bóng cảnh sát chỉ cần nhấn một công tắc được lắp bí mật trên xe là tiếng còi xe lại trở về bình thường.

Khang, hiện đang học Trường ĐH Công nghệ Thực phẩm (Thành phố Hồ Chí Minh) một ‘tay chơi’ từng một thời lắp còi phát ra tiếng thú kêu trên xe mình nhớ lại: “Lúc đó chỉ nghĩ rằng xe mình có tiếng còi độc đáo sẽ được nhiều người nhìn và đôi khi họ sẽ… sợ mà tránh đường cho mình đi dễ dàng hơn!”.

Khang kể nhiều ‘tay chơi’ bạn của anh còn chứng tỏ sự ‘khác thường’ bằng cách thể hiện khả năng đánh võng, lạng lách giữa các làn xe với tốc độ cao, nẹt pô gây ra tiếng âm thanh lớn, vừa chạy xe vừa gạt chân chống xuống đường cho phát ra tiếng nẹt lửa tung tóe… Các cô gái và người lớn tuổi thường là nạn nhân của những trò chơi quái dị này. Họ thường bị hoảng sợ mỗi khi chứng kiến cảnh tượng mà các ‘quái xế’ tạo ra trên đường.
Ở Việt Nam, một chiếc xe máy hai bánh nhưng ‘tống ba, tống bốn’ (tức chở tới ba, bốn người) chẳng phải là chuyện lạ, nhất là vào buổi tối hay ở các đoạn đường vắng bóng cảnh sát giao thông.

‘Loạn giao thông’ với xe máy

Cứ mỗi ngày ở một đô thị lớn nhất Việt Nam như Thành phố Hồ Chí Minh có thêm 1.200 chiếc xe máy được cấp phép sử dụng (hiện Thành phố này đang quản lý 5 triệu chiếc xe máy hai bánh!). Trong khi đó, hạ tầng cơ sở và đường xá giao thông ở đây lại phát triển một cách chậm chạp thế nên nạn kẹt xe đã và đang diễn ra như cơm bữa ở rất nhiều địa điểm.

Vào giờ cao điểm tại Thành phố Hồ Chí Minh hay Hà Nội, dưới lòng đường mọi người di chuyển xe máy phải nhích từng chút một. Để tránh điều này, nhiều bạn trẻ sẵn sàng… leo xe lên vỉa hè để di chuyển bất chấp họ biết rõ đây là phần dành cho người đi bộ. Hiện trạng phổ biến này góp phần gây thêm sự rối loạn giao thông.

Sandro, một người Ý đang sống và làm việc tại Sài Gòn nhận xét rằng trên các đường phố “hễ thấy bất cứ chỗ trống nào là các xe máy tràn tới, không cần biết phần đường của ai, dành cho phương tiện nào”.

Xiếc với xe máy

Mới đây có một kiều nữ điều khiển xe máy bằng chân và quay phim lại đưa lên mạng Youtube cho mọi người ’thưởng thức’. Chuyện lái xe máy bằng chân thật ra không còn lạ gì trên đường phố ở Việt Nam. Thỉnh thoảng mọi người vẫn chứng kiến một thanh niên nào đó nằm dài trên xe, hoặc không ngồi đúng vị trí trên yên xe mà lại khom xuống gần chỗ gác chân để điều khiển chiếc xe đang lao đi trên đường vô cùng nguy hiểm.

Việc vừa điều khiển xe máy vừa sử dụng điện thoại di động cũng là một hiện tượng tràn lan ngoài phố xá. Những người vừa lái xe vừa ‘làm xiếc’ với điện thoại: nói chuyện, đến soạn soạn tin nhắn… có lẽ đang gặp việc gấp phải trao đổi thông tin nhưng dù gấp đến mấy thì cũng không thể quên rằng hành vi này vừa thiếu văn hóa, vừa vi phạm luật an toàn giao thông và dĩ nhiên, có thể gây ra tai nạn nguy hiểm cho chính đương sự và những người đang giao thông khác.

Anh David, một người Úc hiện đang dạy tiếng Anh cho Trường Ngoại ngữ Elite tại Sài Gòn, mỗi khi kết thúc một buổi học anh luôn nhắc nhở các học viên: “Các bạn điều khiển xe máy đừng nhắn tin, hay nghe điện thoại, rất dễ xảy ra tai nạn”. Thế nhưng David thừa nhận rằng anh không biết ra khỏi lớp có ai thực hiện được như lời khuyên chân tình của mình không.

Đến Sài Gòn du lịch được hai ngày, chị Anna – một du khách người Anh – đã nhận xét: “Thật kinh khủng, tôi không tìm được chỗ để qua đường, xe máy cứ như lao vào người, nhìn đâu cũng thấy xe máy và nét mặt ai cũng hối hả như là họ gấp gáp lắm”.

Bạn suy nghĩ gì về nhận xét của Anna? Nhận xét đó có đúng không hay đã ‘nói quá’ về thực tế đường phố và giao thông ở Việt Nam?

Những chuyện vui buồn với xe máy tại Việt Nam sẽ còn lắm điều để kể và suy gẫm. Bạn đọc có câu chuyện hay ý kiến gì có thể chia sẻ ở mục Ý kiến.

Theo bayvut


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc