Home » Xã hội » Những rủi ro chính trị chính cần lưu ý với Việt Nam
Đầu năm 2010, phóng viên John Ruwitch đã có bài viết chỉ ra 5 rủi ro chính yếu tại Việt Nam: chính sách tỷ giá hối đoái, tình trạng tham nhũng, hiệu quả của bộ máy chính quyền, bất ổn xã hội và môi sinh. Trong bài viết mới đây, ông tiếp tục phân tích về những nguy cơ chính Việt Nam cần lưu ý tại thời điểm hiện nay và trong thời gian tới.

Kiềm chế lạm phát và ổn định nền kinh tế vẫn là thách thức đối với Việt Nam trong bối cảnh hiện nay. (Bay Vút)

Các nhà hoạch định chính sách ở Việt Nam đã thúc đẩy nền kinh tế đạt mức tăng trưởng cao 6,8% trong năm 2010 nhưng cái giá phải trả chính là ổn định kinh tế vĩ mô.

Kể từ tháng Hai, họ đã phải rất ‘chật vật’ kiểm soát lạm phát hai con số và không mấy thành công trong việc giữ cho giá trị của đồng bạc Việt Nam không bị mất giá thêm, nhưng sẽ phải mất vài tháng nữa nền kinh tế mới trở lại thăng bằng.

Cả ba tổ chức xếp hạng lớn là Fitch, Moody’s và Standard & Poor’s đều hạ bậc xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam trong năm 2010 và lưu ý đến những rủi ro kinh tế cũng như những vấn đề của nền kinh tế nước này, vốn từng là điểm đến được các nhà đầu tư ưa chuộng. Theo các nhà phân tích, nhìn chung vấn đề chính sách chính là nguyên nhân gây nên tình trạng này.

Dưới đây là tóm lược những nguy cơ chính Việt Nam cần lưu ý:

Xây dựng chính sách kinh tế vĩ mô

Quá trình hoạch định chính sách kinh tế của Việt Nam vẫn rất thiếu minh bạch và là một mối quan tâm lớn cho nhiều nhà kinh tế và đầu tư.

Sau khi để cho giá cả tăng mạnh mà không có mấy hành động ngoài những lời hô hào hoa mỹ chống lạm phát, cũng như để cho đồng nội tệ mất giá vượt cả biên độ giao dịch chính thức trong suốt hơn bốn tháng, chính quyền cũng đã có bước đi đầu tiên nhằm ổn định nền kinh tế bằng việc phá giá đồng tiền vào ngày 11 tháng Hai vừa qua.

Sáu ngày sau, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nâng tỷ lệ cho vay lại thêm 200 điểm cơ bản và chỉ vài ngày sau đó, cơ quan này tiếp tục tăng một tỷ lệ lãi suất chính khác. Tiếp đó, Thủ tướng chính thức công bố một gói các giải pháp thắt chặt tiền tệ và tài chính nhằm giảm lạm phát và củng cố lại nền kinh tế đang tuột dốc.

Các nhà phân tích nói rằng chính sách hiện đã được điều chỉnh đúng hướng.

Những điểm cần theo dõi:

— Tác dụng của một loạt chính sách nhằm kiềm chế lạm phát và ổn định nền kinh tế.

— Tình trạng tráo đổi nợ tín dụng tăng mạnh, đạt đến đỉnh điểm vào cuối tháng Một rồi giảm đáng kể sau đó, nhưng vẫn cao hơn so với các nước khác trong khu vực như Philippines và Indonesia.

— Chênh lệch giữa tỷ giá chợ đen của đô-la và đồng Việt Nam so với tỷ giá liên ngân hàng. Đây là tiêu chí chính để đánh giá áp lực đối với đồng nội tệ. Sau khi kiểm soát chợ đen và áp một mức trần cho tỷ lệ tiền gửi bằng đô-la, mức chênh lệch này đã giảm đáng kể.

— Các bước đi mà chính quyền sẽ thực hiện nhằm giảm thâm hụt thương mại.

Hiệu quả của bộ máy chính quyền trong những cải cách chính

Theo các nhà phân tích, giới lãnh đạo Việt Nam phải tập trung vào một số cải cách then chốt nhất định nhằm duy trì được khả năng thu hút đầu tư về lâu dài và tăng cường sức mạnh của nền kinh tế.

Nạn quan liêu vẫn được xem là rào cản ‘phi thuế quan’ lớn nhất tại Việt Nam bởi vì nó làm chậm trễ các dự án cũng như cản trở thương mại. Một sáng kiến đầy tham vọng của chính phủ nhằm giảm bớt một phần ba các thủ tục hành chính đã tìm thấy hàng nghìn thủ tục như vậy. Tuy nhiên vẫn cần chờ xem giai đoạn ‘hành động’ của chiến dịch này như thế nào.

Tình trạng gần như phá sản của Vinashin, công ty đóng tàu do Nhà nước quản lý, báo hiệu mức độ cần thiết phải cải cách các doanh nghiệp nhà nước, và khoản nợ rất lớn của công ty này đã khiến cho mức xếp hạng của một số ngân hàng bị giảm.

Giới chức kêu gọi các công ty nhà nước tập trung vào các hoạt động chính của mình. “Cổ phần hóa”, hoặc tư nhân hóa một phần, các công ty này cũng sẽ giúp tách bạch nhà nước với doanh nghiệp.

Những điểm cần theo dõi:

— Những biện pháp cụ thể để giảm tệ quan liêu.

— Việc rút khỏi những lĩnh vực kinh doanh ‘ngoài lề’ của các công ty nhà nước.

— Quá trình “cổ phần hóa” được đẩy mạnh đối với các công ty nhà nước thông qua chào bán cổ phần và tìm kiếm đối tác chiến lược.

Tham nhũng và nhận thức quốc tế

Tham nhũng, được xem là đại họa tại Việt Nam, là một cản trở chính cho đầu tư nước ngoài. Mặc dù các cơ quan công quyền thường xuyên khẳng định cam kết chống nạn hối lộ và khuyến khích truyền thông thực hiện vai trò giám sát nhưng năm 2008 đã có một số nhà báo bị bắt vì đưa tin một số vụ bê bối lớn.

Trong Bảng Chỉ số Tham nhũng năm 2010 do Tổ chức Minh bạch Quốc tế đưa ra, Việt Nam thăng hạng một chút, từ bậc 120 cách đó hai năm lên 116, cho thấy có sự thay đổi rất ít về mức độ tham nhũng.

Thêm vào đó, trong một báo cáo đưa ra vào cuối tháng Ba, Tổ chức Quan sát Nhân quyền (HRW) có trụ sở đặt tại Mỹ đã cáo buộc chính phủ Việt Nam gia tăng đàn áp người thiểu số theo Thiên Chúa giáo tại các tỉnh Tây Nguyên.

Hơn 70 người đã bị giam giữ trong năm 2010 và tổ chức này cho rằng còn hơn 250 người đang ngồi tù vì các tội danh liên quan đến an ninh quốc gia. Tổ chức Quan sát Nhân quyền muốn chính phủ Hoa Kỳ đưa Việt Nam trở lại danh sách ’các quốc gia cần quan tâm đặc biệt’ về tự do tôn giáo, dù Việt Nam đã ra khỏi danh sách này vào năm 2006.

Những điểm cần theo dõi:

— Xếp hạng nhận thức về nạn tham nhũng tại Việt Nam. Một bước cải tiến hay thụt lùi đáng kể trong vấn đề tham nhũng đều có thể ảnh hưởng đến đầu tư dài hạn, mặc dù lẽ ra Việt Nam đã phải thực hiện các thay đổi cơ bản.

— Liệu Việt Nam có bị đưa vào danh sách ’các quốc gia cần quan tâm đặc biệt’ về tự do tôn giáo hay không. Nếu có thì mối quan hệ thương mại và kinh tế đang phát triển tốt đẹp giữa nước này và Hoa Kỳ có thể bị ảnh hưởng. Báo cáo Tự do Tôn giáo Quốc tế năm 2010 do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố có ghi nhận những cải thiện tại Việt Nam nhưng cũng nói rằng nước này vẫn còn những vấn đề lớn trong lĩnh vực tự do tôn giáo.

Bất ổn xã hội

Các báo cáo về bất ổn xã hội đều đặn xuất hiện tại Việt Nam, chủ yếu về các tranh chấp lao động và đất đai.

Những cuộc biểu tình gần đây bao gồm cả một vụ việc tại tỉnh Hà Nam, gần Hà Nội, nhằm phản đối việc thu hồi đất cho một khu đầu tư. Ngoài ra, một loạt các cuộc biểu tình cũng đã diễn ra ở những nơi khác vào năm ngoái.

Hiện chưa có bằng chứng cho thấy sẽ có bất ổn diện rộng, hay sắp có bất kỳ nguy cơ nào từ bên dưới thách thức sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.

Những điểm cần theo dõi:

— Bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy một phong trào phản đối rộng hơn ở tầm quốc gia đang nổi lên từ những tranh chấp ở cấp địa phương. Cho đến nay, khả năng này dường như khó xảy ra.

— Những tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông. Vấn đề này rất nhạy cảm ở Việt Nam, nơi thái độ nghi ngại đối với Trung Quốc đã ăn rất sâu.

— Vai trò của giáo hội Công giáo. Giáo dân đã tham gia vào các vụ biểu tình liên quan đến đất đai của giáo hội mà chính quyền tiếp quản sau năm 1954. Giáo hội Công giáo, vốn chính thức tránh xa các vấn đề dính líu đến chính trị, có 6-7 triệu tín đồ tại Việt Nam và được tổ chức rất chặt chẽ.

— Giá hàng hóa dễ bị ảnh hưởng. Đã có nhiều báo cáo về tình trạng nông dân trồng cà phê chịu thua lỗ khi các nhà phân phối hạt cà phê bị phá sản, tới lục soát nhà và cơ sở kinh doanh của các đại lý mua hàng. Giá hàng hóa trên thế giới cao cũng sẽ làm tăng lạm phát.

Theo bayvut


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc