Home » Xã hội » 2-6 xét xử vụ xe khách bị lũ cuốn
Ngày mai (2/6), TAND huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) sẽ mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ xe khách bị lũ cuốn trôi ngày 18/10/2010 làm 19 người thiệt mạng.

Trước đó, vào ngày 18/5, VKSND huyện Nghi Xuân đã hoàn tất cáo trạng vụ xe khách 48K-5868 bị lũ cuốn xuống sông Lam ngày 18/10/2010 làm 20 người chết và mất tích.

Nội dung cáo trạng do VKSND huyện Nghi Xuân phê chuẩn truy tố tài xế Trần Văn Trường về tội ‘Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” theo khoản 3, Điều 202 BLHS.


Toàn cảnh trục vớt chiếc xe khách bị lũ cuốn trôi ngày 18/10/2010.

Theo cáo trạng, rạng sáng 17/10/2010, Trường chạy xe chở khách từ bến xe huyện Cư Jút (Đắk Nông) đi Nam Định. Đến khoảng 3 giờ sáng 18/10/2010, xe đến huyện Nghi Xuân, dù đường bị ngập nước lũ nhưng Trường vẫn cho xe đi.

Đến Km 475+340 quốc lộ 1A, Trường đã điều khiển xe đi chệch khỏi mặt đường, làm xe bị cuốn trôi ra sông Lam. Vừa lúc đó, Trường đã đập kính ô cửa sổ sau ghế lái rồi cùng một số người trên xe chui ra ngoài, bám vào cột điện cao thế và được cứu sống.

Tại thời điểm xảy ra vụ tai nạn thảm khốc, trên xe có 38 người (4 người nhà xe và 34 hành khách, trong đó có 5 trẻ em). Tai nạn làm 19 người chết, một người mất tích, xe bị hư hỏng nặng, thiệt hại hơn 582 triệu đồng.

Trong quá trình Trường bị bắt giữ phục vụ công tác điều tra, cha của Trường và đại diện HTX vận tải hàng hóa, hành khách 2/9 đã thỏa thuận bồi thường cho mỗi gia đình có người chết và mất tích là 50 triệu đồng. Những hành khách khác không có yêu cầu bồi thường. Tất cả các khoản chi phí khắc phục hậu quả vụ tai nạn, chủ phương tiện và tài xế tự thỏa thuận, giải quyết với nhau.

19 người thiệt mạng, lỗi đâu chỉ có tài xế

Dư luận đang chờ đợi phiên tòa sắp tới, trách nhiệm của các đơn vị liên quan sẽ được làm rõ như thế nào. Bởi, để xảy ra vụ tai nạn thương tâm trên, có lỗi từ các cơ quan chức năng như: Cảnh sát giao thông, Ban quản lý đường bộ…

Ngay sau vụ tai nạn xảy ra, Đại tá Nguyễn Thanh Bảo, Trưởng phòng cảnh sát giao thông Hà Tĩnh đã khẳng định: chiếc xe bị nạn đã bỏ chạy khỏi chốt cảnh sát giao thông. Tuy nhiên, trên thực tế, tại thời điểm chiếc xe vượt qua địa phận Hà Tĩnh và lâm nạn, không có bất cứ một chốt chặn nào.

Trong một lần trả lời PV VietNamNet, Đại tá Phạm Văn Đán, Trưởng công an huyện Nghi Xuân khẳng định: Xe khách bị lũ cuốn có nguyên nhân trực tiếp từ người điều khiển phương tiện và gián tiếp là các cơ quan chức năng đã rút sào chặn xe khi đoạn đường vẫn còn chìm sâu trong nước lũ. Chiếc xe khách đã không chạy trốn CSGT mà lưu thông tự do trên đoạn đường nguy hiểm..


Tài xế Trần Văn Trường vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ theo khoản 3, Điều 202 BLHS.

Đại tá Đán nhận định: Việc sào chắn của các cơ quan chức năng bị rút khiến các phương tiện vẫn tiếp tục lưu thông trên đoạn đường nguy hiểm. Sau khi sào được rút, lực lượng CSGT vẫn có mặt và vẫn đang tiến hành tuần tra trên đoạn đường này.

Tuy nhiên, lực lượng này đã không phối hợp tốt với các lực lượng khác, không kịp thời nắm bắt tình hình để tham mưu đề xuất cho cơ quan quản lý đường bộ khi đoạn đường vẫn đang còn nguy hiểm, các phương tiện có thể gặp tai nạn.

Còn lực lượng Thanh tra giao thông số 2 cũng đã không giám sát, rút quân đi trước khi nước rút. Lúc này tại khu vực xã Xuân Lam, QL 1A vẫn đang còn bị ngập sâu 1m. Thế nhưng, lực lượng chức năng đã không đặt biển báo đoạn đường nguy hiểm tại địa điểm Đê Bấn (thị xã Hồng Lĩnh) nên các phương tiện vẫn lưu thông tự do. Theo ông Đán, trách nhiệm này trực tiếp là Khu quản lý đường bộ số 4.

Khẳng định về việc kiên quyết làm rõ trách nhiệm của các đơn vị liên quan đến việc chiếc xe bị lũ cuốn, ông Nguyễn Nhật, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho hay: “Cơ quan chức năng sẽ vào cuộc điều tra, ai sai đến đâu sẽ xử lý đến đó. Chúng tôi sẽ kiên quyết xử lý, không bao che”.

Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa thấy một dòng báo cáo về việc xử lý các đơn vị liên quan.

theo vietnamnet


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc