Home » Kinh doanh » Mất tiền oan vì tham đua sóng USD
Những dấu hiệu của một cơn sốt USD đã sớm tan nhưng trong mấy ngày biến động nó cũng đủ làm cho nhiều người mất tiền vì mất tin, tham đua theo sóng tỷ giá.

 

ảnh minh họa

Sóng tan sớm

Lãnh đạo một ngân hàng cổ phần cho biết, mấy ngày qua, ông liên tục nhận được điện thoại của bạn bè, khách hàng hỏi về thị trường ngoại hối. Nhiều người lo ngại khi tỷ giá ngân hàng kịch trần, USD chợ đen tăng và những dự báo điều chỉnh tỷ giá.

Câu hỏi được nhiều người đặt ra là: tỷ giá có tăng không, có nên chuyển đổi các tài sản sang USD?. Mặc dù đã hết sức giải thích nhưng những lời can ngăn của ông dường như không có mấy hiệu quả. Không ít người đã nhảy vào “cơn sóng” tỷ giá được cho là đang lên.

Tuy nhiên, chỉ hai ngày sau, đến 10/7, nhiều người đã phải hối tiếc, chịu những thiệt hại đáng kể khi giá USD đi xuống và họ chỉ có thể trách mình vì đã mất tin khiến minh bị mất tiền. 

Năm ngày trước, khi giá USD chợ đen có thời điểm chạm mốc 22 ngàn đồng/USD, ông Hoàng Mạnh Thắng (Linh Lang – Liễu Gia – Ba Đình – Hà Nội) đã rút trước hạn khoản tiết kiệm VND 1 tỷ đồng để mua USD vì lo ngại giá USD chợ đen sẽ tăng mạnh hơn nếu tỷ giá sẽ điều chỉnh. 

Tuy nhiên, từ khi ông mua, giá USD bắt đầu xuống dốc. Đến chiều ngày 10/7, so với lúc mua ông đã thiệt 500 – 600 đồng/USD. Nếu tính cả khoản lãi tiết kiệm mất đi do rút trước hạn thì số tiền thiệt hại của ông Thắng đã lên đến cả chục triệu đồng. Trong những ngày qua, những người như ông Thắng không phải là ít. 

Trước diễn biến tỷ giá, chuyên gia tài chính Trần Hoàng Ngân cảnh báo, đây hoàn toàn là vấn đề tâm lý, người dân cẩn thận trong trước tượng đầu cơ, găm giữ làm giá ngoại tệ. 

Thực tế từ các ngân hàng và DN xuất nhập lớn cho thấy, hoàn toàn không có tình trạng mất cân đối cung cầu USD. Đại diện các ngân hàng cho biết, trạng thái ngoại tệ của họ vẫn ôn định, thậm chí giá chợ đen dù được đẩy lên nhưng giao dịch tại các ngân hàng là khá trầm lắng. Trong khi đó, các DN xuất nhập khẩu lớn của Việt Nam đều cho thấy, nhu cầu mau bán USD của họ không có gì đột biến và vẫn được đáp ứng đầy đủ.

Theo ông Trần Hoàng Ngân cho biết, NHNN hiện đủ lực để can thiệp thị trường ngoại hối và ổn định tỷ giá. Nhập siêu 6 tháng đầu năm 1,4 tỷ USD, nhưng vốn đầu tư nước ngoài giải ngân đến 5,7 tỷ USD và giải ngân nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) trên cả nước ước đạt 2,2 tỷ USD và còn một nguồn kiều hối nữa. Ngoại tệ vẫn dư dả, chứ không thiếu hụt. 

Trong khi đó, Phó Thống đốc Nguyễn Đồng Tiến mới đây cũng khẳng định cho biết, NHNN đã mua vào khoảng 5 tỉ USD để tăng dự trữ ngoại hối, và dự báo trong 2013 cán cân thanh toán tổng thể vẫn tiếp tục thặng dư khoảng 4-5 tỉ USD. Với có sở này, NHNN đủ sức đảm bảo ổn định cân đối được cung – cầu ngoại tệ. 

Vội vàng mất tin chịu mất tiền

Từ đầu năm đến nay, tỷ giá đã có ít nhất là 3 lần biến động. Đợt thứ nhất, sau tết nguyên đán, lợi dụng những đề xuất nới tỷ giá để hỗ trợ xuất khẩu, kích thích kinh tế, lập tức đã dấy lên những tin đồn về khả năng điều chỉnh tỷ giá. Giá USD chợ đen được đẩy lên cao. 

Tuy nhiên, thời điểm đó, tỷ giá trong ngân hàng dường như bất động, nhu cầu mua bán ở mức rất thấp. Cơn sóng lạ đã biến mất khi NHNN ra thông báo ngắn gọn khẳng định tỷ giá sẽ ổn định. 

Hơn hai tháng trước, lại một cơn sóng tỷ giá được dấy lên, lần này không chỉ ở chợ đen mà chính các NH cũng đẩy tỷ giá lên sát trần, giá mua vào và bán ra của các NH có lúc ngang bằng nhau khiến cho không ít người đồn đoán về khả năng điều chỉnh tỷ giá. 

Tuy nhiên, lãnh đạo NHNN tiếp tục khẳng định tỷ giá sẽ giữ ổn định và NHNN đủ điều kiện để điều hành tỷ giá chủ động. Chỉ vài ngày sau, cơn sóng đó cũng sớm tan. Theo tiết lộ của chuyên gia ngoại hối của NHNN, các NH và giới đầu cơ đã cố tình tạo nên một cơn sóng nhỏ nhưng chỉ cần NHNN can thiệp bằng một lượng nhỏ ngoại hối thì chính các NH đã vội “nhè” ra ngay. Thi trường lại lặng sóng.

Và kịch bản trên đã lặp lại, điểm khác biệt lần này là việc NHNN mới điều chỉnh tỷ giá tạo thêm cớ cho những thông tin đồn thổi, “tạo sóng”. 

Theo Phó Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng, diễn biến tỷ giá những ngày gần đây đang bị chi phối chủ yếu bởi yếu tố tâm lý, không xuất phát từ mất cân đối cung cầu ngoại tệ. Cũng có lý do một phần từ việc thanh khoản đồng Việt Nam đang dồi dào nên một số ngân hàng gia tăng hoạt động mua vào ngoại tệ. Tất nhiên, không loại trừ khả năng một số đối tượng kinh doanh ngoại tệ bất hợp pháp trên thị trường tự do lợi dụng cơ hội để đầu cơ, làm giá ngoại tệ nhằm kiếm lợi bất chính. 

Ông Hưng cho biết, 6 tháng đầu năm, cán cân thanh toán quốc tế diễn biến thuận lợi, nhập siêu chỉ ở mức 1,4 tỷ USD, bằng 2,3% kim ngạch hàng hóa xuất khẩu. Trong khi đó chỉ riêng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giải ngân đã ở mức 5,7 tỷ USD, các nguồn thu ngoại tệ khác như kiều hối, đầu tư gián tiếp vẫn ở mức cao và dự kiến cán cân thanh toán tổng thể năm 2013 thặng dư ở mức 5 tỷ USD. Trạng thái ngoại tệ của các ngân hàng và doanh số giao dịch với khách hàng cũng không có đột biến. 

Bên cạnh đó, theo dự báo, cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam trong 6 tháng cuối năm sẽ tiếp tục thặng dư. Khảo sát nhu cầu ngoại tệ trong quý III ở một số tổ chức tín dụng có doanh số hoạt động ngoại hối lớn cũng cho thấy nhu cầu từ phía khách hàng có tăng nhưng không đáng kể, ít có khả năng gây áp lực cho tỷ giá.

Chính vì thế, ông Hưng khẳng định: NHNN không điều chỉnh tỷ giá và sẽ áp dụng các biện pháp kiên quyết để ổn định, trong đó có cả việc bán ngoại tệ can thiệp mạnh để hỗ trợ thanh khoản cho thị trường.

Tuyên bố mạnh mẽ này của NHNN cho thấy, cơ quan điều hành tiền tệ chủ động và sẵn sàng can thiệp mạnh mẽ bằng mọi hình thức để bình ổn thị trường. Thực tế hơn một năm qua cho thấy, NHNN đã thực hiện đúng cam kết của mình về tỷ giá, tạo ra lòng tin và sự ổn định cho thị trường. Việc điều chỉnh tỷ giá 1% mới đây hoàn toàn chủ động nhằm phản ánh chính xác hơn cung cầu ngoại tệ trên thị trường, tạo sự ổn định vững chắc cho thị trường ngoại tệ trong thời gian tới. Đay là tỷ giá này phù hợp.

Theo xaluan

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc