Home » Kinh doanh, Tiêu biểu sideshow » Tái cơ cấu kinh tế không thể chậm hơn nữa
duong pho hnVới mức tăng trưởng kinh tế dự báo toàn năm dao động từ 5,3% đến 5,4% thấp hơn kế hoạch Chính phủ đề ra, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục có nguy cơ chạm đáy tăng trưởng của 13 năm gần đây, “việc tái cơ cấu nền kinh tế không thể chậm hơn được nữa” lời nhận định trên của T.S Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam một lần nữa được nhắc lại.

Chỉ tập trung tăng trưởng

Trong buổi tọa đàm mang tên Doanh nhân trẻ Việt Nam 20 năm đi lên cùng đất nước mới được tổ chức, T.S Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam dự đoán kinh tế Việt Nam còn khó ít nhất 2 năm nữa với tình hình ngân sách sụt giảm vì có quá nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, trong đó, không ít doanh nghiệp là những đơn vị có chất lượng. Từ đó, Việt Nam không thể tăng trưởng GDP nếu tình trạng doanh nghiệp phá sản vẫn tiếp diễn. Ông Thiên lấy thí dụ, trong hai năm 2011 và 2012 có đến trên 100.000 doanh nghiệp phá sản nhưng chủ yếu đó là những doanh nghiệp yếu kém, tuy nhiên, những doanh nghiệp còn cầm cự được đến năm nay là những đơn vị có chất lượng, nhưng theo tiên đoán thì từ giờ đến cuối năm sẽ tiếp tục có khoảng 20.000 doanh nghiệp rời thị trường.

Mặc dù, không chỉ ra nguyên nhân vì sao hàng trăm ngàn doanh nghiệp phải đóng cửa, nhưng Viện trưởng Viện Kinh tế nhấn mạnh bởi Việt Nam chỉ tập trung đến khâu tăng trưởng mà không nhìn ra những vấn đề cơ cấu của nền kinh tế.

Phân tích về mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và cơ cấu của nền kinh tế, T.S Ngô Trí Long, một chuyên viên tài chính cấp cao đưa ra quan điểm của ông với đài RFA:

“Nội lực của kinh tế muốn phát huy được, một trong những điều cốt lõi là phải thay đổi mô hình tăng trưởng và phải tái cơ cấu. Thay đổi mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu là hai tiền đề hết sức quan trọng để tạo ra những biến chuyển có tính chất về “mặt chất” trên cơ sở đó mới có thể tạo ra năng suất chất lượng và hiệu quả tăng lên. Nếu mô hình tăng trưởng như cũ, chủ yếu phát triển nặng về vốn, nặng về chiều rộng, không đi vào “chiều sâu,” tái cơ cấu còn bất cập, đầu tư nguồn lực phân bổ và sử dụng không hợp lý, thì chắc chắn đó là những hệ lụy cuối cùng dẫn đến thực trạng nền kinh tế hiện nay, nếu không làm như vậy, thì nền kinh tế Việt Nam không thể bứt phá lên được.” 

Nguồn vốn phân phối không công bằng

Trong đề án tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước được thủ tướng phê duyệt 7/2012 quan điểm chủ đạo vẫn là làm sao để doanh nghiệp Nhà nước thực hiện được vai trò chủ đạo, thậm chí là công cụ để Nhà nước ổn định và điều tiết kinh tế vĩ mô. Với định hướng như vậy, có nghĩa Việt Nam vẫn tiếp tục ưu tiên phân bổ các nguồn lực khan hiếm cho một khu vực kém hiệu quả nhất của nền kinh tế, chiếm đến 40% tổng đầu tư cả nước nhưng chỉ tạo ra khoảng 10% việc làm, trong khi đó, khu vực kinh tế ngoài nhà nước chỉ nhận được 35% tổng đầu tư nhưng lại mang tới gần 90% việc làm cho xã hội. Vậy nhưng đến giờ đang có hàng trăm ngàn doanh nghiệp ngoài nhà nước vẫn đang phải vật lộn sinh tồn với quy luật đào thải ngày một khắc nghiệt.

Trao đổi với chúng tôi, chị Lê Thị Tâm, chủ một doanh nghiệp tư nhân kinh doanh thiết bị máy tính ở Hà Nội cho biết hoàn cảnh kinh doanh hiện thời: 

“Tôi nghĩ cái khó nhất của doanh nghiệp nhỏ như chúng tôi hiện nay là phải cạnh tranh với những doanh nghiệp lớn để tiêu thụ hàng hóa, hàng hóa thì ứ đọng, lãi suất thì vẫn phải trả, rồi cộng với bao nhiêu những khoản chi khác của doanh nghiệp như trả tiền cho nhân viên, tiền thuê mặt bằng, rồi các loại thuế khác, nên thấy rất nản, nhiều lúc cũng bi quan, với tình trạng như vậy, không biết sẽ cầm cự như thế nào.” 

Lời tâm sự của chị Lê Thị Tâm cũng là những khúc mắc mà từ lâu nhiều doanh nghiệp tư nhân đang phải đối mặt, đó là nguồn vốn kinh doanh cho các thành phần kinh tế được phân phối không công bằng và thiếu hiệu quả. Nhiều chuyên gia cho rằng, nguồn lực này đã bị phân chia một cách méo mó và cản trở sự phát triển chung của toàn xã hội, khối doanh nghiệp quốc doanh “ăn không hết” còn khu vực tư nhân thì “lần không ra.”

Không chỉ những doanh nghiệp trong nước đang gặp khó khăn, mà mới đây cuộc khảo sát lần thứ 12 về Chỉ số kinh doanh do EuroCham thực hiện, nhiều doanh nghiệp Châu Âu cũng tỏ ra khá quan ngại về môi trường chung của Việt Nam, theo đó, kết quả công bố hôm 27/8 cho hay: 20% số doanh nghiệp được hỏi có ý định chuyển công việc kinh doanh sang một nước khác ở ASEAN, 43% doanh nghiệp lo ngại tình trạng lạm phát đe dọa đến kinh doanh và 48% doanh nghiệp lo ngại về sự suy thoái của kinh tế vĩ mô…

Mặc dù việc tái cấu trúc nền kinh tế đã được Chính phủ đề cập đến từ khoảng năm 2009, nhiều đề án tái cấu trúc được soạn thảo, song việc thực thi vẫn chưa đi vào thực tế. Tính đến giữa năm nay, tái cơ cấu kinh tế Việt Nam vẫn giống như “chiếc xe ở ngã ba đường,” bởi tiến trình tái cơ cấu kinh tế chịu một lực cản quá lớn từ các nhóm lợi ích thao túng như chính sách tài chính, ngân hàng cho đến thu hồi đất đai và bong bóng bất động sản. Trong một lần phân tích trước đây với chúng tôi, T.S Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện quản lý Kinh tế trung ương cho biết quan điểm của ông về vấn đề cơ cấu lại nền kinh tế Việt Nam:

“Cho đến nay đã có đề án tái cấu trúc nhưng chưa thực hiện được bao nhiêu, đề án tái cấu trúc đầu tư công thì chưa được trình ra đầy đủ. Kế hoạch 5 năm 2010-2015 cũng đề ra ba khâu đột phá quan trọng. Một là đột phá, một nỗ lực vượt bậc trên lĩnh vực thiết lập thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa. Thứ hai là xây dựng kết cấu hạ tầng và thứ ba là nâng cao chất lượng của nguồn nhân lực. Cả ba khâu đột phá đó cho đến nay mới làm được rất khiêm tốn và thể chế kinh tế thị trường thì gần đây nhiều người thấy là Nhà nước đã can thiệp quá nhiều vào thị trường. Trong khi đó, những việc chính yếu của Nhà nước như bảo đảm luật pháp, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô thì Nhà nước lại làm kém hiệu quả.” 

Còn nhớ, hồi giữa tháng 4, trong một lần phát biểu trước Quốc hội, Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cho rằng “tình hình kinh tế gay go lắm rồi” còn thành viên của Ủy ban Kinh tế Quốc hội Trần Hoàng Ngân thì không ngần ngại nhận xét “kinh tế đã ở giai đoạn cấp bách lắm và sức khỏe doanh nghiệp đã vô cùng kiệt quệ.”

Chưa một giai đoạn nào mà cả Chính phủ lẫn các chuyên gia kinh tế lại tỏ thái độ bi quan như vậy, giờ hẳn là lúc giới chức Chính phủ nên có một cái nhìn đầy đủ và đúng đắn hơn về cơ cấu kinh tế, rằng Việt Nam cần một tái cơ cấu tầm chiến lược như lời T.S Trần Đình Thiên đang cảnh báo.

Vũ Hoàng

Theo rfa

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc