Home » Cổ truyền, Văn hóa » Tô Vũ: Nhà ngoại giao trung thành và “Người chăn cừu cô độc”
Trong những năm đầu của triều đại nhà Hán (206 Trước Công nguyên – 220 sau Công nguyên), vùng biên cương phía bắc Trung Quốc có rất nhiều biến động. Sự xâm nhập thường xuyên của dân du mục Hung Nô là một trong những mối bận tâm lớn nhất của các Hoàng đế nhà Hán.
Tô Vũ là một sứ thần trung thành. Ông đã chịu rất nhiều khổ cực trong 19 năm lưu đày như một bảo chứng cho lòng trung thành của ông đến hoàng đế và đất nước. (Yeuan Fang/Epoch Times)

Tô Vũ là một sứ thần trung thành. Ông đã chịu rất nhiều khổ cực trong 19 năm lưu đày như một bảo chứng cho lòng trung thành của ông đến hoàng đế và đất nước. (Yeuan Fang/Epoch Times)

Khi Hán Vũ Đế lên ngôi vào năm 141 trước Công nguyên, ông đã từ bỏ các chính sách thiên về phòng thủ của các bậc Tiên đế và nhiều lần xuất quân phản công. Những đạo quân hùng mạnh của ông đã nhiều lần đánh bại quân Hung Nô.

Trong giai đoạn này cũng đã có những nỗ lực đàm phán hòa bình, tuy nhiên thường là mỗi bên sẽ giữ lại các sứ giả của phía bên kia.

Mặc dù xung đột dần dần giảm đi, số phận của các sứ giả lại không được đảm bảo.

Hy vọng Hòa bình

Vào năm 100 trước Công nguyên, vua Hung Nô hay còn gọi là Thiền Vu, đã thể hiện một cử chỉ thiện chí hòa bình với Hán triều bằng việc thả các sứ thần của Hoàng đế Trung Hoa vốn đã bị giam giữ trước đó.

Vũ Đế đáp lại nỗ lực hòa giải này bằng cách trao trả những người Hung Nô bị giam giữ, kèm theo đó là những quà tặng quý giá nhẳm ghi nhận thiện chí của Thiền Vu.

Hoàng đế đã chọn Tô Vũ (140-60 trước Công nguyên), một vị quan cao cấp của triều đình thực hiện sứ mệnh ngoại giao này.

Cha của Tô Vũ làm quan và nhờ vào địa vị của cha mình Tô Vũ đã trở thành người hầu cận trong cung từ lúc còn rất trẻ. Tuy nhiên, ông thăng tiến bằng chính khả năng của mình và cuối cùng trở thành một vị quan.

Tô Vũ dẫn đầu sứ đoàn với hơn 100 người xuất phát từ kinh đô Trường An nhằm đưa các sứ thần Hung Nô hồi hương. Không ai nghĩ rằng nhiệm vụ này sẽ phải mất đến 19 năm.

Sứ mệnh bị ngăn trở

Sứ đoàn của Tô Vũ đến căn cứ điểm của Hung Nô và hoàn tất việc chuyển giao tù nhân. Tuy nhiên, những quà tặng của Hán triều lại được cho là biểu hiện của sự yếu thế và Thuần Vu, vốn không hề có ấn tượng gì với các sứ thần của Hán đế, lại càng trở nên ngạo mạn.

Ngay trước khi phái đoàn chuẩn bị trở về Trường An, Tô Vũ và toàn bộ tùy tùng của mình bị bắt giữ. Thuần Vu rất tức giận khi phát hiện ra phó sứ của Tô Vũ là Zhang Sheng đã âm mưu với những người khác chống lại mình. Thuần Vu buộc ông phải hàng phục .

Mặc dù không biết gì về âm mưu, Tô Vũ biết mình sẽ bị liên lụy. Quả quyết rằng mình đã thất bại khi thực thi nhiệm vụ và làm Hoàng đế của mình thất vọng, Tô Vũ đã cố gắng tự sát nhằm tỏ lòng trung thành với quốc gia.

Hoảng sợ, Zhang Sheng và những người khác đã ngăn cản và cứu sống ông. Ấn tượng bởi sự quá đỗi trung thành này, Thiền Vu cho theo dõi sát sao quá trình hồi phục của Tô Vũ .

Trải qua những cám dỗ và khổ đau Tô Vũ vẫn không hề lay chuyển, duy trì sự chính trực của mình ngay cả khi đối mặt với cái chết

Khi Tô Vũ hồi phục, một lần nữa Thiền Vu lại cố thuyết phục ông thần phục, hứa cho ông cuộc sống giàu sang và chức vị cao. Tuy nhiên, Tô Vũ vẫn một mực trung thành với các mệnh lệnh của Hán đế.

Cuộc sống lưu đầy

Thiền Vu sau đó đã thử nhiều cách để Tô Vũ thần phục, bao gồm việc đe dọa tính mạng, hứa hẹn của cải và quyền lực, và dùng cả nhục hình.

Có lần Thiền Vu cho giam Tô Vũ vào ngục tối trong suốt nhiều ngày mà không hề cho ăn cho uống. Trong cái lạnh buốt giá, Tô Vũ ăn tuyết để làm dịu cơn khát và ăn da thú từ quần áo của mình để làm giảm cơn đói. Tuy nhiên, ông vẫn không hàng phục và phản bội Hoàng đế của mình.

Nhận thấy sự trung kiên của viên sứ thần, Thiền Vu đã đày Tô Vũ đến một địa điểm hoang vắng bên bờ Biển Bắc (hồ Baikal thuộc Nga ngày nay), để sống như một mục đồng cô độc. Ông ta nói với Tô Vũ rằng ông sẽ được phép trở về Hán quốc “khi mà cừu đực của nhà ngươi cho sữa.”

Tô Vũ không lay chuyển. Ban ngày, ông lùa bầy cừu đực ra bờ hồ. Đêm xuống, ông ngụ ở trong lều không có người bầu bạn. Để sinh tồn, Tô Vũ phải đào hang săn chuột đồng và ăn cả rễ cây.

Tuy nhiên, dù thức hay ngủ, Tô Vũ vẫn giữ bên mình nghi trượng của Hán triều, đôi lúc ông dùng nó làm gậy chăn cừu. Thời gian qua đi, những sợi lông trang trí trên các nghi trượng rơi rụng dần cho đến khi chỉ còn lại thân trượng trần trụi.

Trong thời gian Tô Vũ bị lưu đày, Thiền Vu lại một lần nữa cố gắng bắt viên sứ thần thần phục. Ông ta sai Li Ling, một cựu quan lại của nhà Hán đã đầu hàng Hung Nô, đến thuyết phục Tô Vũ hãy phục tùng Thiền Vu vì lợi ích tốt nhất của mình.

Tô Vũ đã chỉ trích Li Ling, nói rằng: “Cha ta, anh em của ta, và ta chẳng hề có tài cán hay ưu điểm gì. Tất cả những gì chúng ta có là do Hoàng thượng ban tặng.

Một bầy tôi phục vụ chủ mình như một người con trai hiếu thảo phục vụ cha mình. Nếu người con trai chết thay cho cha mình, anh ta không hề hối tiếc. Niềm tin của anh ta không hề dao động. Ngay cả khi đối mặt với sự hành hạ hà khắc, anh ta vẫn không hề e sợ”.

Li Ling cảm thấy vô cùng xấu hổ khi nghe những lời của Tô Vũ. Sau đó ông ta gửi cho Tô Vũ vài chục cừu và gia súc như là một món quà nhằm giảm bớt khó khăn cho Tô Vũ.

Hồi hương và Vinh danh

Sau khi Hán Vũ đế băng hà vào năm 87 trước Công nguyên, một Hoàng đế mới lên ngôi. Sau đó, Hung Nô cũng có một Thiền Vu mới lên nắm quyền. Năm 81 trước Công nguyên, nhằm tìm kiếm hòa bình với người Hán, Thiền Vu mới đã thả Tô Vũ cùng chín thành viên còn lại trong sứ đoàn của ông, những người khác đã hàng phục hoặc đã qua đời.

Sau 19 năm sống lưu đày, giờ là một ông già yếu đuối râu tóc bạc trắng nhưng vẫn nắm chặt cây nghi trượng đã trơ trụi, cuối cùng Tô Vũ cũng về đến Trường An. Tất cả những ai nhìn thấy ông đều rơi lệ.

Để ban thưởng cho sự trung thành và chính trực của Tô Vũ, Hoàng đế ban cho ông rất nhiều đất đai và vật phẩm quý giá. Tuy nhiên, Tô Vũ đã chọn sống cuộc đời bình dị, cho đi các tài sản của mình. Ông qua đời khi tuổi khoảng 80.

Câu chuyện về “Tô Vũ chăn cừu” đã được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và lịch sử Trung Quốc xem Tô Vũ như là hình mẫu về lòng trung thành và chính trực to lớn không gì lay chuyển nổi của người làm quan.

Trải qua những cám dỗ và khổ đau, Tô Vũ vẫn không hề lay chuyển, duy trì sự chính trực của mình ngay cả khi đối mặt với cái chết. Không những được người dân Trung Quốc kính ngưỡng, mà ông còn nhận được sự kính trọng từ phía người Hung Nô.

David Wu

Theo vietdaikynguyen

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc