Côn Sơn, Kiếp Bạc là hai địa danh lịch sử nổi tiếng của Việt Nam nằm ở vùng Đông Bắc huyện Chí Linh, Hải Dương.
Tỉnh Hải Dương gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp của nhiều danh nhân đất Việt như Trần Nguyên Đán, Huyền Quang, đặc biệt là hai người anh hùng dân tộc đã làm rạng danh lịch sử đất nước – Nguyễn Trãi và Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn.
Núi Côn Sơn thuộc địa phận xã Cộng Hòa, huyện Chí Linh, là một di tích lịch sử văn hoá và danh thắng nổi tiếng đất nước, được trùng tu xây dựng tôn tạo vào năm 1304. Đến Côn Sơn, du khách sẽ được chiêm ngưỡng cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp với ngàn thông bát ngát, những hồ nước trong veo, suối reo rầm rì men theo các dãy núi. Đứng giữa rừng thông u tịch gợi ta nhớ đến những câu thơ nổi tiếng của người anh hùng Nguyễn Trãi – bài “Côn Sơn ca”:
Côn Sơn có suối rì rầm
Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai
Côn Sơn có đá rêu phơi
Ta ngồi trên đá như ngồi chiếu êm…
(Côn Sơn ca, Nguyễn Trãi)
Đền thờ Nguyễn Trãi ở Côn Sơn (Ảnh: Kien1980, Wikipedia)
Trong khung cảnh sơn thủy hữu tình, du khách có thể đến thăm những danh lam, thắng cảnh, những công trình kiến trúc nghệ thuật gắn liền với lịch sử và văn hóa của dân tộc như Bàn Cờ Tiên, Thạch Bàn, giếng Ngọc, am Bạch Vân, đền Nguyễn Trãi, Ngũ Nhạc linh từ, động Thanh Hư, cầu Thấu Ngọc, chùa Côn Sơn…
Ẩn mình giữa rừng cây cổ thụ, chùa Côn Sơn có tên chữ là Thiên Tư Phúc tự, hay còn gọi là chùa Hun. Chùa được kiến trúc theo kiểu chữ công, gồm Tiền đường, Thiêu hương, và Thượng điện. Sân chùa có cây đại hơn 600 tuổi, đặc biệt là những tấm bia quý giá như: bia “Côn Sơn Tư Phúc tự bi” hình lục lăng; bia “Thanh Hư động” có từ thời Long Khánh (1373-1377).
Giếng Ngọc nằm ở sườn núi Kỳ Lân, bên phải là lối lên Bàn Cờ Tiên, dưới chân Đăng Minh Bảo Tháp. Tương truyền đây là giếng nước do Thiền sư Huyền Quang được thần linh báo mộng ban cho chùa nguồn nước quý. Nước giếng trong vắt, xanh mát quanh năm, uống vào thấy khoan khoái dễ chịu. Từ đó, có tên là Giếng Ngọc; nước giếng được các sư dùng làm nước cúng lễ của chùa.
Từ chùa Côn Sơn leo khoảng 1.800 m là đến đỉnh núi Côn Sơn (cao 200 m). Tại đây có phiến đá khá rộng, bằng phẳng gọi là Bàn Cờ Tiên, tương truyền là nơi Nguyễn Trãi và các bậc tiền nhân dừng chân chơi cờ. Từ Bàn Cờ Tiên, du khách có thể phóng tầm mắt bao quát cả một vùng núi non hùng vĩ.
Bên suối Côn Sơn, có một phiến đá gọi là Thạch Bàn. Từ chân núi, đi theo lối mòn kê đá xuống phía dưới, có một tảng đá lớn phẳng và nhẵn, nằm kề ven suối, gọi là Thạch Bàn lớn. Xưa kia, Nguyễn Trãi lấy tảng đá này làm “chiếu thảm” để nghỉ ngơi, ngắm cảnh, làm thơ và suy tư việc nước.
Trong quần thể di tích Côn Sơn, có một địa danh vô cùng hấp dẫn mang mầu sắc bí ẩn mà nhiều người chưa biết, đó là “Ngũ Nhạc linh từ”. Trên năm đỉnh núi của Ngũ Nhạc, có năm miếu thờ đặt ở năm phương: đông, tây, nam, bắc và trung phương. Xưa, các miếu thờ được xây bằng đá nhưng đã đổ nát qua thời gian, gần đây các miếu đã được trùng tu tôn tạo, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng và văn hóa, du lịch của nhân dân.
Suối Côn Sơn xưa có cầu Thấu Ngọc bắc qua, được các sử gia và thi nhân ca ngợi như một công trình tuyệt mỹ tựa cảnh bồng lai. Nhà sử học Phan Huy Chú đã viết: “Trên núi có động Thanh Hư, dưới núi có cầu Thấu Ngọc, cây và đá xanh um, thật là một cảnh đẹp ở nhân gian”.
Cũng vì Côn Sơn cảnh vật tốt tươi, “sắc ngàn ráng đỏ, rừng gấm cuốn, cỏ lụa giăng”, chùa chiền cổ bích, am pháp thâm nghiên, u tịnh và tao nhã, nước biếc, non xanh, hữu tình và hòa hợp, thành miền thắng cảnh làm say đắm hồn người; là nơi con người có thể gửi gắm ước nguyện tâm linh, thỏa chí hướng và rung động tâm hồn.
Với sự hội tụ của nhiều yếu tố, ta hiểu vì sao Côn Sơn đã trở thành nguồn cảm húng sáng tạo nghệ thuật, cũng như nơi di dưỡng tinh thần của các bậc hiền triết, các tao nhân mặc khách từ thuở xa xưa.
Mộc Lan
Theo daikynguyenvn
Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!