Home » Xã hội » Miền nước nổi
Về miền Tây, nơi của đời sống chầm chậm, đôi khi buồn rớt trong điệu hò vọng cổ, nơi của những cuộc đời xuôi ngược con nước, lênh đênh theo cánh lục bình, nơi của những số phận bám lấy dòng sông, bám lấy chiếc xuồng như một sự cứu rỗi… Ở đây, chúng tôi muốn nói về những người phụ nữ chèo xuồng thuê cho các tour du lịch ở các trạm trung chuyển khách từ điểm tham quan đến tàu du lịch để ra sông cái. Có thể nói họ có công việc đặc biệt nặng nhọc và họ cũng có mức thu nhập đặc biệt thấp trong nhóm nghành đang hái ra tiền tại Việt Nam, ngành du lịch.
Chèo xuồng đưa khách du lịch đi ngắm cảnh.

Chèo xuồng đưa khách du lịch đi ngắm cảnh.

Mức thu nhập rẻ mạt

Chị Út Tịch, biết chèo xuồng từ lúc 13 tuổi, năm nay đã 50 tuổi, trong đó, thâm niên chèo xuồng chở khách du lịch của chị chiếm hết 15 năm kể từ ngày kĩ nghệ du lịch bén rễ trên miền đất sông nước này, chia sẻ: “Họ không cho mình gì hết trơn, chèo vậy tới Tết thì họ cho mình phần quà 200 ngàn đồng đổ lại, như nước ngọt, nước mắm… Không có bảo hiểm gì hết. Ế lắm, đầu tháng đến giờ chèo được có 2 chuyến xuồng, mỗi xuồng họ trả mình 12 ngàn đồng. Nước lắm, không có bèo thì chèo còn đỡ, còn nước cạn thì khổ, có bữa phải đẩy nữa…!”

Theo chị Út Tịch chia sẻ thì đời sống ở Cái Bè, Tiền Giang cũng tương đối tốt. Nhưng không phải ai cũng may mắn có đời sống ổn định, kinh tế khấm khá. Con số này chỉ đạt trên đầu ngón tay, phần đông người nông dân và người sông nước có đời sống cơ cực, rày đây mai đó, làm thuê với mức lương rẻ bèo. Như nhóm phụ nữ bơi xuồng thuê chở khách du lịch gồm mười chín người của chị chẳng hạn, họ là những người có đời sống rất nghèo khổ.

Mỗi chuyến xuồng, theo công ty lữ hành qui định là chỉ chở được 4 người tây và 6 người nếu là châu Á. Nhưng thỉnh thoảng, lượng khách trên xuồng có thể tăng lên đến 8 người nếu như số lượng khách trong tour bị vượt, mùa cao điểm. Và cho dù có chở nhiều khách hay chở ít khách, với một đoạn sông lạch dài chừng 5km, bơi từ làng ra sông cái, người chèo xuồng được trả mười hai ngàn đồng tiền công cho mỗi chuyến.

Khi nghe chị Út Tịch cho biết số tiền công của mỗi chuyến bơi xuồng, chúng tôi chỉ biết lắc đầu mà không thể nói được gì khác. Bởi với đoạn kênh lạch, sông rạch eo óc, việc bơi xuồng chở bốn người đi bình thường đã quá nặng nhọc, hơn nữa đội chèo xuồng đều là phụ nữ, phải vận áo quần bà ba, đội nón lá để ra dáng dân miệt sông nước, việc chèo xuồng đã hết sức vướng víu. Huống gì có những đoạn sông chỉ toàn bèo và bèo, trong khi đó khách du lịch khi ngồi lên xuồng, họ bận ngắm cảnh, lại không có áo phao nên họ chỉ biết ngồi im, không dám cựa quậy, phó thác mọi chuyện cho chị chèo xuồng.

Có những đoạn sông toàn bèo lục bình này khiến cho chiếc xuồng đứng sựng, không nhúc nhích, lúc này, người chèo xuồng phải loay hoay nhờ khách dùng một cây sào thủ sẵn trên xuồng để đẩy các mảng bèo tránh mũi xuồng, để xuồng tiếp tục chẻ vào các mảng bèo mà lướt tới. Trong những tình huống này, người chèo xuồng thở hồng hộc nhưng cố nén vì sợ khách nhìn thấy sẽ không vui và báo về công ty lữ hành, công ty sẽ không cho mình làm việc nữa.

Đi rước khách trên sông. RFA
Đi rước khách trên sông. RFA

Chính cuộc sống quá nghèo khổ, chỉ có một lối thoát duy nhất là lên thành phố để làm gái hoặc bán bia ôm, làm thợ massage, làm osin… để cứu gia đình, nếu lỡ không đi được hoặc không muốn rời xa gia đình thân yêu, các phụ nữ miệt vườn Tây Nam Bộ chỉ còn biết ôm mảnh vườn, ôm chiếc xuổng làm phương tiện tồn tại qua ngày. Và để tồn tại qua ngày, họ phải chấp nhận mọi sự khó khăn, nguy hiểm, làm việc cật lực để nhận lấy một khoản bồi dưỡng nhỏ nhoi mà mua thức ăn, dầu mè. Chúng tôi thật sự bị sốc khi nghe chị Út Tịch cho biết khoản chi phí 12 ngàn đồng trên mỗi lần chèo xuồng qua đoạn sông rạch dài 5km của chị.

Du lịch có làm thay đổi đời sống?

Một người chèo xuồng đưa khách du lịch đã nghỉ việc vì sức khỏe không cho phép, chuyển sang bán hàng lưu niệm, tên Bé Niệm, chia sẻ: “12 ngàn họ cũng đi vì ở nhà thì nhờ đó chứ có gì để làm đâu, công ty họ cũng không mướn. Ở nhà thì ai kêu gì họ làm đó, phụ giúp thêm chứ biết làm gì. Nghe họ xin bên công ty lên lương thành 15 ngàn mỗi chuyến nhưng họ không chịu bởi họ bởi ‘mấy bà có tiền bo rồi còn gì’. Hồi trước có có lên được một lần nhưng sau ế quá nên lại xuống lại rồi. Mà chèo thì lâu lâu mới gặp khách họ cho chứ đa số họ kẹo họ không cho đâu. Có đôi bữa mình xuống trễ chút, nó chửi dữ lắm, làm việc đó rất khổ.”

Theo chị Bé Niệm, kể từ ngày du lịch ghé chân đến miệt Tây Nam Bộ, đời sống của người dân có phần khấm khá hơn nhiều so với trước đây. Ngay trong cả việc chèo xuồng, mặc dù mức chi phí chỉ có mười hai ngàn đồng, thời chị còn đi chèo xuồng thì chỉ có tám ngàn đồng cho mỗi chuyến nhưng dẫu sao cũng đỡ vất vả hơn nhiều vì ở vùng nông thôn hẻo lánh, kênh rạch chằng chịt này, người nông dân chỉ biết làm vườn, nhà nào không có đất làm vườn thì đi làm thuê. Nhưng không phải ai cũng kiếm được chỗ để làm thuê bởi chủ thì ít mà người làm thuê thì quá nhiều.

Đa phần chị em phụ nữ miệt vườn hẻo lánh Tây Nam Bộ đều chấp nhận rời bỏ gia đình, rời bỏ chồng con để lên thành phố làm thuê làm mướn, cũng có người may mắn gặp chủ tốt, cũng có nhiều cô gái trẻ không may mắn rơi vào con đường trụy lạc, phải đi làm gái, bán mình để trang trải nợ nần.

Khi nghe chúng tôi thắc mắc tại sao đã rời xa gia đình, lên thành phố làm thuê mà còn nợ nần, nợ nần ai thì chị Bé Niệm cười buồn, nói với chúng tôi là bất kì cô gái hay người đàn bà nào khi lên thành phố đều phải vay tiền để thủ trong người một ít và đi xe đò lên thành phố. Mà vay nặng lãi, nếu chậm trả thì số tiền nợ lên rất nhanh. Hơn nữa, khi lên thành phố, đã có chỗ làm việc, nhất là các cô bán thân nuôi miệng thường tiêu xài dữ tợn để bù vào mọi thiếu hụt trước đây, rồi lại vay tiền gởi về cho gia đình. Đến một lúc nào đó, các cô trở thành con nợ khó thoát, phải chấp nhận ở đợ bán thân cho giới tú bà thành phố.

Đây là chuyện đã xảy ra rất nhiều đối với các cô gái miệt Tây Nam Bộ. Còn những người ở nhà, nếu muốn sống một cuộc đời bình yên, lại phải bươn bả đầu sông cuối chợ để kiếm từng đồng lẻ mà tồn tại qua ngày. Như bản thân chị chẳng hạn, nhiều khi ngồi cả ngày chỉ kiếm được khoản tiền lãi chưa đầy 10 ngàn đồng nhưng dẫu sao, số tiền đó cũng đủ để mua mớ cá khô sặc để về ăn trong vài ngày. Những ngày sau lại bán kiếm lãi tích lũy. Cũng may là sông nước miền Tây luôn mở rộng lòng cho người khốn khó!

Câu cảm thán cuối cùng về miền sông nước mình đang sống của chị Bé Niệm khiến chúng tôi chạnh buồn, thương cho những cuộc đời khuất lấp đâu đó giữa chốn sông nước miên man, giữa cái nơi mà con người hòa với thiên nhiên đến độ tưởng như không còn có một thế giới văn minh đang tồn tại bên cạnh họ. Cũng may là trời đất, thiên nhiên còn thương tình, cưu mang lấy họ!

Theo rfa


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc