Home » Xã hội » Chật vật mua vé xe ngày đẹp
Quan niệm ngày mùng 6 Tết Tân Mão (8/2) là ngày “đẹp” nên hàng chục ngàn người từ vùng bán đảo Cà Mau và các tỉnh lân cận trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã đổ xô về TP HCM sáng nay khiến nhà xe quá tải.

Sáng 8/2, phòng chờ khá rộng ở bến xe Cà Mau đã chật kín người. Hàng chục phòng vé phía trước nhốn nháo cảnh người chen lấn, xô đẩy để mua được tấm vé về Cần Thơ, TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai… Bên trong bến xe Cà Mau, hàng chục chiếc xe lớn xếp hàng lên tài đã chật kín khách. Bên cạnh đó còn có khoảng 300 người đội nắng ở khu vực bên hông cửa ra của bến xe để tìm xe về Long Khánh, Tây Ninh, Vũng Tàu.

Chen nhau mua vé. Ảnh: Thiên Phước
Chen nhau mua vé. Ảnh: Thiên Phước

Càng về trưa lượng khách càng đông hơn vì nhiều người không tìm được xe phải đứng ngồi ngoài nắng mong tìm được một vé xe dù khu vực này nồng nặc mùi xú uế.

Anh Trần Văn Long (ngụ huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) tay xách nách mang cùng vợ và cậu con trai 6 tuổi đứng chờ từ 5h sáng mà vẫn không tìm được xe về Vũng Tàu. Lo sợ lớn nhất của anh Long là phải ngủ đêm tại đây như năm ngoái để được đi xe trong bến vì xe dù bên ngoài hét giá mỗi người đến 500.000 đồng cho tuyến Cà Mau – Vũng Tàu nên vợ chồng anh Long không đủ khả năng.

Hơn 9h, hầu hết các nhà xe ở Cà Mau đều hết vé đi vào ban ngày, chỉ còn những chuyến phục vụ từ đêm đến sáng hôm sau (9/2). Biết tin, anh Hoàng Châu (ngụ huyện Đầm Dơi) hối hả chạy ra Quốc lộ 1A đón xe dù về TP HCM liền bị “chém” 300.000 đồng trong khi giá xe của bến (nếu còn) chỉ dao động từ 160.000 -180.000 đồng. “Đành phải chịu mua vé với giá trên trời để kịp giờ vào xí nghiệp làm việc sáng mai”, anh Châu than vãn.

Mua không được vé nhiều người ngồi vật vờ ở bến xe Cà Mau./.Ảnh: Thiên Phước
Mua không được vé nhiều người ngồi vật vờ ở bến xe Cà Mau. Ảnh: Thiên Phước.

Tương tự, những hành khách tìm xe về Cần Thơ cũng phải “ngậm ngùi” chi 150.000-170.000 trong khi giá trong bến là 85.000 đồng/vé. Họ không còn lựa chọn khác bởi không muốn phải vạ vật hết đêm tại bến xe, lại lỡ dở nhiều công việc.

Hết gian nan mua vé, đón xe ở Cà Mau, khi về đến cầu Nọc Nạng trên địa bàn huyện Giá Rai (Bạc Liêu) nhiều hành khách phải chờ gần một giờ vì xảy ra nạn kẹt xe kéo dài do cầu tạm hẹp, cầu chính đang trong quá trình thi công xây mới. Để giải tỏa xe, Công an huyện Giá Rai đã điều động toàn bộ lực lượng cảnh sát giao thông đứng chốt hai bên đầu cầu, điều tiết giao thông để tránh trường hợp hai xe ôtô “nghênh” nhau giữa cầu tạm.

Tái diễn cảnh kẹt xe kinh hoàng ở Tiền Giang vào trưa ngày 8/2 làm cho đường về TP.HCM tiếp tục gian nan./.Ảnh: Thiên Phước
Tái diễn cảnh kẹt xe kinh hoàng ở Tiền Giang vào trưa ngày 8/2 làm cho đường về TP HCM tiếp tục gian nan. Ảnh: Thiên Phước

Theo cánh tài xế, nếu lượng xe trên Quốc lộ 1A không nhiều thì đoạn đường từ Cà Mau về TP HCM mất khoảng 8 giờ nhưng trong ngày 8/2 phải mất 12 tiếng vì đoạn qua tỉnh Tiền Giang lại tái diễn tình trạng kẹt xe nghiêm trọng.

Để giải tỏa ùn tắc, giúp người dân về TP HCM sớm, lực lượng cảnh sát giao thông Công an tỉnh Tiền Giang đã cho phép ôtô được rẽ vào ngã ba Đông Hòa để đi vòng qua hai tuyến tỉnh lộ, đổ ra ngã tư Đồng Tâm, vào lại Quốc lộ 1A và đường cao tốc. Khi về đến TP HCM nhiều nhà xe trước đây có dịch vụ trung chuyển khách đến tận nhà nhưng hôm nay các tài xế bảo: “Đến bến xe miền Tây là mừng rồi, bà con thông cảm tự đi xe ôm vì nhà xe phải tăng cường về các tỉnh miền Tây giải tỏa khách”.

Thiên Phước

Theo vnexpress

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc