Home » Xã hội » Thực trạng ô nhiễm tiếng ồn ở Việt Nam
Ô nhiễm từ tiếng ồn đang là vấn nạn trong cuộc sống hiện đại ngày nay, không chỉ nơi thành thị đông đúc mà cả ở thôn quê cũng bị ảnh hưởng.
Ảnh internet

Ảnh internet

Một trong những loại tiếng ồn mà người dân phản ánh nhiều nhất là nhạc đám tang, nơi nào có đám tang là nơi đấy người dân phải chịu hành bởi nhạc suốt mấy ngày liền. Các ban nhạc đám ma hát từ sáng đến tối.

Nhiều nơi quy định 10h là phải ngừng nhạc, nhưng nơi vùng quê (nhất là miền tây) thì nhạc suốt thâu đêm, còn thuê cả ban nhạc có ca sĩ, thậm chí có ban nhạc pê đê biểu diễn inh ỏi rất phản cảm.

Còn nhà nào có đám giỗ hay tiệc thì cũng bật nhạc ca hát inh ỏi, nếu không may diễn vào ngày cuối tuần thì hàng xóm chẳng thể nghỉ ngơi được và chỉ còn nước đi lánh nạn.

Nếu gia đình nào ở gần quán karaoke, hay quán nhậu thì thường xuyên bị tra tấn bởi tiếng ồn ào, tiếng cãi nhau. Hộ gia đình nào ở gần các cơ sở sản xuất cũng bị tra tấn bởi tiếng máy chạy suốt cả ngày.

Với những người già, trẻ em hay người bệnh là bị ảnh hưởng nặng nề nhất

Không chỉ ô nhiễm môi trường hay không khí, mà cả ô nhiễm về tiếng ồn cũng gây ảnh rất lớn cho sức khỏe.

Các nghiên cứu về ảnh hưởng của tiếng ồn đến sức khỏe

Nhiều chuyên gia cho rằng tiếng ồn đô thị chính là kẻ sát nhân giấu mặt. Nguyên nhân gây nên tiếng ồn đô thị rất đa dạng, từ các âm thanh phát ra từ nhà máy, công xưởng đến hoạt động giao thông và cả tiếng ồn trong sinh hoạt của người dân.

Theo thông tin từ báo Giáo Dục Môi Trường, đơn vị đo tiếng ồn thông dụng nhất hiện nay là DB (Décibel)

Độ ồn (DB) Mô tả
10-20 Gió vi vu qua lá cây được xem là trạng thái yên tĩnh
30 Tiếng thì thầm
40 Tiếng nói chuyện bình thường
50 Nghe như tiếng máy giặt, độ ồn này khó chịu nhưng ở mức chấp nhận được
55 – 80 Động cơ xe hơi, xe máy, gây khó chịu, mệt mỏi
80 – 85 Ngang với tiếng ồn ở các cơ sở sản xuất, nguy hại cho sức khỏe
90 – 100 Độ ồn các công trường lớn
120 – 140 Máy bay lúc cất cánh, ồn quá lớn gây tổn thương tâm trí

Tiếng ồn tác động đến tai, sau đó tác động đến hệ thần kinh trung ương, rồi đến hệ tim mạch, dạ dày và các cơ quan khác, sau đó mới đến cơ quan thính giác. Ô nhiễm tiếng ồn ảnh hưởng tới sức khỏe và hành vi của con người theo nhiều cách khác nhau, như mất ngủ, khó chịu, huyết áp cao, bệnh tim và bệnh điếc.

Chỉ cần tiếng ồn mạnh phát ra từ một chiếc xe tải chạy trên đường đã có thể tác động xấu tới tuyến nội tiết, hệ thần kinh và tim mạch của nhiều người. Nếu tình trạng đó kéo dài hoặc thường xuyên, sự rối loạn sinh lý sẽ trở thành mãn tính và là nguyên nhân gây ra bệnh tâm thần.

Khi phải chịu đựng tiếng ồn liên tục, cơ thể người không tránh khỏi tình trạng bị căng thẳng. Căng thẳng kéo dài dễ dẫn đến những chứng bệnh thần kinh như trầm cảm hay lo lắng vô cớ, tăng thêm nguy cơ các bệnh về tim mạch và hệ tuần hoàn. Nhiều nghiên cứu cho thấy, những người phải sống trong môi trường tiếng ồn lớn và thường xuyên thì càng dễ mắc những chứng bệnh đó.

Nếu sống trong môi trường bị ô nhiễm tiếng ồn, giấc ngủ của chúng ta sẽ không được sâu và dài, mà chập chờn nên khi thức dậy, khả năng tập trung của cơ thể sẽ bị giảm, dễ bị kích động và mất dần khả năng tự kiềm chế. Đồng thời, sức đề kháng của cơ thể cũng yếu đi, mà thể hiện rõ nhất là khả năng miễn dịch kém. Ở người già, mất ngủ vì tiếng ồn là thủ phạm làm tăng các loại hormone gây stress, làm lượng mỡ trong máu và đường huyết tăng cao.

Các bác sĩ ở Đại học Mainz của Đức đã thí nghiệm 75 người khỏe mạnh ở độ tuổi 26, suốt 3 đêm liền phải nghe tiếng động của máy bay đến 30 lần rồi mới được 1 đêm nghỉ ngơi.

Sau đó, xét nghiệm thấy rằng nội tiết tố adrenalin của tuyến thượng thận tăng, mạch co thái quá. Mà đây đều là những biểu hiện ban đầu của nhồi máy cơ tim hay tai biến mạch máu não, nếu tình trạng này kéo dài thì gây biến chứng.

Làm thế nào để xử lý tiếng ồn?

Sài Gòn là đô thị lớn cũng là nơi tập trung rất nhiều tiếng ồn, cửa hàng khai trương, quán karaoke, quán nhậu, cơ sở sản xuất, cho đến liên hoan tiệc tùng v.v… khiến tiếng ồn luôn bủa vây người dân. Sài Gòn cũng là nơi nhận rất nhiều phản ánh của người dân về những hoạt động ồn ào ảnh hưởng sức khỏe.

Ngày 16/10/2014, UNBD Sài Gòn đã ra văn bản yêu cầu các sở ban ngành và địa phương tăng cường kiểm tra xử lý tiếng ồn , độ rung của các cơ sở kinh doanh trên địa bàn thành phố.

Ông Cao Tung Sơn – Chi cục phó Chi cục Bảo vệ môi trường TP.HCM cho báo Tuổi Trẻ hay: “Ô nhiễm tiếng ồn đã trở nên quá phổ biến, ngay bản thân tôi cũng là một nạn nhân khi quán ăn bên cạnh nhà mở dịch vụ “hát với nhau” ầm ĩ, không nghỉ ngơi hay tập trung làm việc được.

Trong bản kế hoạch mà chi cục đang xây dựng sẽ ghi nhận rất cụ thể và chi tiết về tiếng ồn đô thị, phân loại từng khu vực và lĩnh vực phát sinh nhiều tiếng ồn để từ đó có biện pháp xử lý thích hợp”

Việc kiểm tra xử lý là rất khó khăn, ông Nguyễn Quang Minh – Phó chủ tịch UBND phường An Lạc A (quận Bình Tân) chia sẻ với báo Tuổi Trẻ rằng: “Việc kiểm tra theo phản ảnh của người dân rất khó khăn vì đây là một dạng ô nhiễm vô hình, không trực tiếp nhìn thấy hay nắm bắt được.

Do không có bằng chứng cụ thể nên dù rất hiểu những bức xúc của người dân, chúng tôi cũng rất khó xử lý. Đó là chưa kể các chủ cơ sở kinh doanh gây ồn ào còn chây ì, phường xử phạt hành chính xong rồi họ lại tiếp tục mở nhạc lớn”.

Dù đã có biện pháp, nhưng người dân Sài Gòn vẫn phản ánh rất nhiều, bởi việc ồn ào chủ yếu vào ban đêm, thời điểm mà các cơ quan chức năng đều ngừng làm việc, khi thấy có người kiểm tra thì tạm ngừng hoặc vặn nhạc nhỏ lại, sau đó lại ồn ào như cũ.

Theo quy định TCVN 5949-1998 âm học; TCVN 5965:1995 và TCVN 6399:1998/ISO 1996/2:1987, mọi loại tiếng ồn do hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt… không được gây ra cho khu vực công cộng và dân cư mức ồn vượt quá giá trị quy định, cụ thể:                                  

 

  Đơn vị: DB 

        

 

Khu vực

Thời gian
Từ 6h đến 18h Từ 18h đến 22h Từ 22h đến 6h
1.Khu vực cần đặc biệt yên tĩnh: 50 45 40
Bệnh viện, thư viện, nhà điều dưỡng, nhà trẻ, trường học, nhà thờ, chùa chiền      
2.Khu dân cư, khách sạn, nhà nghỉ, cơ quan hành chính (là khu vực để ở và làm việc hành chính là chủ yếu. Mọi cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ khi nằm trong khu vực này đều không được gây ra tiếng ồn cho khu vực vượt quá giá trị giới hạn cho phép tương ứng nêu trong bảng. 60 55 50
3.Khu dân cư xen kẽ trong khu vực thương mại, dịch vụ, sản xuất (là khu vực hoạt động thương mại, dịch vụ và sản xuất là chủ yếu, trong đó có thể là khu dân cư nằm kề hoặc xem kẽ với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thương nghiệp và dịch vụ) 75 70 50

 

Dù đã có quy định chuẩn về âm lượng tiếng ồn cho phép, nhưng nơi thường phải kiểm tra việc này là phường – xã lại không có thiết bị kiểm tra âm lượng tiếng ồn, vì thế khi người vi phạm cho rằng tiếng ồn của mình là vừa đủ thì không có bằng chứng gì để xử lý.

Vì thế, để đẩy lùi nạn ô nhiễm tiếng ồn này thì ngoài việc quy định cũng như mức phạt nặng, cần trang bị đầy đủ trang thiết bị cho các cơ quan chức năng tại phường – xã. Nhưng quan trọng hơn hết vẫn là nâng cao ý thức của con người.

Ngọn Hải Đăng

Theo daikynguyenvn.com

Chuyên đề:

2 ý kiến dành cho “Thực trạng ô nhiễm tiếng ồn ở Việt Nam”

  1. cuong 10/12/2015

    Sao không thấy liệt kê tiếng ồn từ các quán bia trá hình dùng nhạc DJ tra tấn mọi người nhỉ . Tiếng ồn xe cộ , tiếng ồn máy bay … cũng chỉ thoáng qua trong thời gian ngắn thôi , chứ tiếng ồn từ dàn loa khủng của các quán bia chơi nhạc DJ kéo dài liên tục 4 đến 5 tiếng đồng hồ mới là nguy hại cho sức khỏe mọi người xung quanh

    Reply
  2. Bích Ngọc 16/01/2019

    Thông tin hơi ít và ít hình ảnh minh họa chũ nhiều và một vài cái không liên quan

    Reply

Ý kiến bạn đọc