Home » Xã hội » Việt Nam mua tiêm kích hiện đại Su-35
Su-35 đa năng nhưng lại thiên về chiếm ưu thế trên không sẵn sàng đánh đuổi mọi loại máy bay của đối phương.

Thật bất ngờ khi các báo Nga đồng loạt đưa tin đích ngắm tiếp theo của Không quân Việt Nam là Su-35, dòng tiêm kích đa năng tiên tiến nhất của Nga hiện nay.

Quả vậy, ngay khi báo Kommersant của Nga đưa tin Việt Nam bày tỏ sự quan tâm sâu sắc đến Su-35, nhiều bạn đọc đã tỏ ra hết sức vui mừng vì Không quân ta sắp có thêm ít nhất một trung đoàn tiêm kích đa năng hiện đại.

Không quân vẫn được đặc biệt quan tâm và đầu tư lớn.

Nguồn ngân sách dành cho mua sắm quốc phòng còn hạn chế và có nhiều quân binh chủng cùng lúc được xác định tiến thẳng lên hiện đại khiến việc phân bổ, xác định thứ tự ưu tiên rất khó khăn.

Trong đó có Lục quân, một lực lượng mới cũng được sẽ được ưu tiên mua sắm và chắc chắn sẽ chiếm một lượng kinh phí không nhỏ càng khiến cho bài toán ngân sách trở nên nan giải.

Vậy mà, Không quân vẫn tiếp tục được sự quan tâm đặc biệt và đầu tư lớn của Đảng, Nhà nước và Quân đội. Minh chứng là khả năng sẽ ký hợp đồng trị giá lên tới hơn 1 tỷ USD để trang bị 1 trung đoàn tiêm kích đa năng Su-35 tiên tiến với số lượng khoảng 12 chiếc.

Tiêm kích Su-35.

Bởi lẽ, thực tế các cuộc chiến tranh, xung đột vũ trang trong thời gian gần đây đã chứng minh rằng “tập kích đường không” sẽ là phương thức tác chiến chủ yếu nhằm làm mềm chiến trường, trước khi tung lực lượng mặt đất vào tham gia.

Với Việt Nam cũng vậy, muốn đánh bại được các cuộc tập kích đường không thì ta phải có lực lượng phòng thủ đủ mạnh, hài hòa cả tên lửa và không quân tiêm kích.

Nhưng trước hết, chính những lực lượng này sẽ là góp phần khiến “những cái đầu nóng” phải cân nhắc rất kỹ trước khi khơi mào bất kỳ cuộc xung đột nào vì họ có thể sẽ phải trả giá rất đắt.

Như Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã nói: “Tự ta xây dựng tiềm lực quốc phòng đủ để bảo vệ đất nước thì mới có cái để đem ra nói chuyện với các nước”.

THỨ TRƯỞNG BỘ QUỐC PHÒNG
THƯỢNG TƯỚNG NGUYỄN CHÍ VINH
Việc mua sắm thêm vũ khí trang bị, hiện đại hóa quân đội, tăng cường thế trận quốc phòng toàn dân là để ta trả giá ít nhất, trong thời gian ngắn nhất nếu có vấn đề xảy ra với Tổ quốc.

Su-35 với cấu hình vũ khí làm nhiệm vụ tiêm kích phòng không, chiếm ưu thế trên bầu trời.

Lựa chọn sáng suốt, thay đổi về chất

Về tính năng tuyệt hảo của tiêm kích đa năng Su-35 thì không chỉ chuyên gia hàng không quân sự Nga khen ngợi và hết sức tự hào, mà hầu hết các chuyên gia Mỹ và phương Tây cũng hết sức khâm phục và lưu tâm đặc biệt tới dòng máy bay này.

Bởi lẽ, theo họ Su-35 xếp vào thế hệ 4++, có sự thay đổi đáng kể về chất so với các máy bay chiến đấu thế hệ 4, nhất là khi nó được trang bị nhiều vũ khí, khí tài đã và đang được ứng dụng trên các máy bay tàng hình thế hệ 5 Sukhoi T-50 Pak-FA của Nga.

Đã có nhiều chuyên gia đánh giá sức mạnh của Su-35 không thua kém bao nhiêu so với các máy bay tiêm kích hiện đại nhất hiện nay như F-22, F-35 của Mỹ. Thậm chí trong một số trường hợp các loại máy bay tàng hình kia còn bị nó bắn hạ một cách dễ dàng.

Có Su-35, Không quân Việt Nam cũng sẽ có sự thay đổi đáng kể về chất.

Su-35 với cấu hình vũ khí tiến công mặt đất bằng các loại vũ khí thông minh, có điều khiển chính xác.

Kịp thời bổ sung lực lượng bảo vệ bầu trời

Những cánh én bạc MiG-21 chính thức giã từ bầu trời, Không quân Việt Nam đang có sự thiếu hụt nhất định lực lượng để có thể quản lý và kiểm soát hữu hiệu bầu trời.

Gánh nặng đặt cả lên vai Su-22 vốn là tiêm kích bom chứ không phải là tiêm kích đánh chặn hay Su-30MK2 dù đa năng nhưng thiên về đánh biển nhiều hơn. Trong khi tiêm kích Su-27 ta mới chỉ có một số lượng rất ít.

Lực lượng mỏng khiến cho các nhà hoạch định chiến lược phải rất khó khăn khi bố trí lực lượng sao cho vừa đảm đương nhiệm vụ tiêm kích phòng không vừa có thể chi viện hiệu quả cho hướng biển.

Sắp tới Su-35 về (nếu có), gánh nặng này sẽ giảm bớt phần nào bởi Su-35 dù đa năng nhưng lại thiên về chiếm ưu thế trên không sẵn sàng đánh đuổi mọi loại máy bay của đối phương.

Rõ ràng đây là sự bổ sung hoàn hảo, kịp thời cho Su-30MK2 và Su-22/27 khi tác chiến trên không, trên biển bởi nó có thể được coi là một loại máy bay cảnh báo sớm và chỉ huy trên không loại nhỏ (mini AWACS).

Với tầm trinh sát lên tới 400km, Su-35 có thể phát hiện sớm mọi mục tiêu để dẫn đường cho các biên đội Su-30MK2, Su-27, Su-22 chọn thời điểm và hướng tiếp cận có lợi để tăng hiệu suất chiến đấu diệt địch, đồng thời giảm tối đa thiệt hại.

Chúng ta hết sức tự hào và hoàn toàn tin tưởng rằng đội ngũ phi công tiêm kích trẻ, nhiệt huyết, có tri thức và sáng tạo của Việt Nam sẽ nhanh chóng làm chủ vũ khí mới, tung cánh đại bàng sẵn sàng đánh bại mọi âm mưu của các thế lực thù địch.

Tuy nhiên, thông thường, từ khi có quan tâm cho tới lúc đàm phán điều kiện kỹ thuật, ký hợp đồng, sản xuất, giao hàng và huấn luyện chuyển loại cho phi công Việt Nam sẽ mất một thời gian khá lâu, chí ít cũng phải 3-4 năm.

Lúc đó, hầu hết các máy bay Su-22 cũng đã “luống tuổi” dần dần được thu hẹp nhiệm vụ, nhằm dự trữ số giờ bay ít ỏi còn lại cho những tình huống tác chiến thực sự.

theo Thế giới trẻ


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc