Home » Cổ truyền, Tiêu Điểm, Văn hóa » Kẻ chăn trâu ở đợ khiến các nho sĩ bái phục sát đất, trở thành quân sư nổi danh sử Việt (phần 2)

Năm 1625 Đào Duy Từ trốn được vào Đàng Trong, đầu tiên ông ở thôn Tùng Châu, phủ Hoài Nhân tỉnh Bình Định. Vì thân cô không có ai giúp đỡ ông phải đi chăn trâu ở đợ cho một phú hộ trong thôn.

>> Kẻ chăn trâu ở đợ khiến các nho sĩ bái phục sát đất, trở thành quân sư nổi danh sử Việt (phần 1)

Đào Duy Từ

Đền thờ Đào Duy Từ ở Bình Định. (Ảnh từ Báo Bình Định)

Kẻ chăn trâu ở đợ thông kim bác cổ khiến các bậc nho gia bái phục

Ông làm việc rất siêng năng, ngày nắng cũng như ngày mưa, sáng sớm lùa trâu đi, chập tối đánh trâu về khiến gia chủ rất vừa lòng.

Sách “Việt sử giai thoại” ghi chép lại rằng, một lần vào chập tối khi Đào Duy Từ chăn trâu về thì thấy trong nhà phú hộ có nhiều người đang bình văn bàn chữ nghĩa. Chả là hôm ấy phú hộ mời các nho sĩ khắp vùng đến để cùng trà nước hàn huyên chuyện chữ nghĩa.

Thấy khách khứa bàn chuyện rôm rả, Duy Từ đến gần thì bị chủ nhà mắng rằng: “Kẻ chăn trâu kia! Hạng tiểu nhân biết gì mà dám đứng nhìn các quan khách đây là những bậc danh Nho” ?

Đào Duy Từ cười đáp rằng: “Nho cũng có hạng ”nho quân tử”, hạng ”nho tiểu nhân”. Chăn trâu cũng có kẻ ”chăn trâu anh hùng”, kẻ ”chăn trâu tôi tớ”, cao thấp không giống nhau, hiền ngu không là một ! Còn kẻ tiểu nhân tôi chỉ đứng nhìn, có xâm phạm gì đến cái phú quý, sang trọng của các vị, mà chủ nhân lại mắng đuổi” ?

Khách khứa thấy kẻ chăn trâu mà lại nói lý liền nói rằng: “Vậy nhà người bảo ai là “nho quân tử”, ai là “nho tiểu nhân” hả”?

Đào Duy Từ liền đáp liền một mạch: “Nho quân tử thì phải thông hiểu tam tài. Ở nhà lo giữ đạo cha con, anh em và vợ chồng. Khi ra giúp việc cho nước nhà phải biết tìm mưu lược để giữ yên lòng dân và cứu chỗ hiểm, phò chỗ nguy, bày binh bố trận, phải lập công danh sự nghiệp, để tiếng thơm lại cho mai sau, đời đời còn rạng rỡ, ngàn năm không phai mờ.

Còn như Nho tiểu nhân, tài học nhiều lắm cũng ở mức tầm chương trích cú, chỉ muốn thong dong nơi bút mực văn chương để cầu danh lợi, mượn Nho để cười gió giỡn trăng, coi thường những kẻ hào kiệt ở đời”.

Khách nhà nho nghe nói thì cả kinh, bèn hỏi tiếp: “Thế nào là kẻ chăn trâu anh hùng, thế nào là kẻ chăn trâu chỉ đáng phận tôi tớ, ngươi thử nói tiếp cho rõ ràng xem?”.

Đào Duy Từ lại mỉm cười rồi nói: “Kẻ chăn trâu anh hùng thì như Ninh Thích phục hưng được nước Tề, Điền Đan dùng kế hỏa công mà thu phục những thành trì bị người nước Yên chiếm cứ, Hứa Do dắt trâu ra khe uống nước mà cũng biết được lẽ hưng vong và thịnh loạn, Bách Lý Hề đi chăn dê vùng miền trung nước Tần mà cũng nắm vững sự thịnh suy, bĩ thái…

Còn như kẻ chăn trâu chỉ đáng phận tôi tớ thì chỉ biết đói thì ăn, no thì bỏ, ngày bỏ mặc trâu để đi ăn trộm quả, đêm ngủ say mà quên cả việc bỏ rơm cho trâu bò ăn thêm.

Bọn ấy chỉ biết thân mình, dầm mưa dãi gió, ra không biết kính sợ quỷ thần, vào không biết làm gì cho mẹ cha nhờ cậy, lêu lổng chơi bời vô độ, khi vui thì mặc sức reo hò múa hát, khi giận thì chẳng kể ruột thịt thân sơ, làm xấu cả cha anh, gieo oán hờn cho làng xóm. Bọn ấy chẳng cần hỏi tới làm gì”.

Đám khách khứa tròn mắt kinh ngạc khi tận mắt nhìn thấy kẻ chăn trâu lại thông kim bác cổ, lý lẽ rành mạch. Rồi khoái chí mời Đào Duy Từ vào nhà ngồi cùng

Phú hộ rất ngạc nhiên, không ngờ kẻ chăn trâu trong nhà mình mà chữ nghĩa đầy mình như vậy liền dục các nhà nho hỏi thêm để xem sự thể thế nào.

Thế nhưng các nhà nho hỏi đến đâu, kẻ chăn trâu đều ứng đáp rõ ràng trôi chảy đến đấy, tỏ ra không gì là không biết, không gì không hiểu khiến tất cả đều phục sát đất.

Đền thờ Đào Duy Từ ở xã Hoài Thanh Tây, huyện Hoài Nhơn, Bình Định. (Ảnh từ phunuvietnam.vn)

Đền thờ Đào Duy Từ ở xã Hoài Thanh Tây, huyện Hoài Nhơn, Bình Định. (Ảnh từ phunuvietnam.vn)

Phú hộ mới nói rằng: “Tài giỏi như thế, sao bấy lâu cứ giấu mặt không cho lão già này biết, để đến nỗi phải chăn trâu và chịu đối xử bạc bẽo theo bọn tôi tớ ? Quả lão phu có mắt cũng như không. Có tội lắm ! Có tội lắm!”

Khám lý phủ cảm phục tài mà gả luôn con gái

Từ đó chủ nhà may sắm quần áo mới xem Duy Từ là khách quý, mời ngồi giảng học, đối đãi hết sức trọng vọng.

Sau buổi gặp gỡ với các bậc nho gia, câu chuyện kẻ chăn trâu ở đợ mà thông kim bác cổ lan đi rất nhanh

Khám lý phủ Hoài Nhân là Trần Đức hòa vốn là anh em kết nghĩa với chúa Nguyễn hay tin thì cho mời Đào Duy Từ đến nhà chơi. Qua những lần trò chuyện đàm đạo văn chương Trần Đức Hòa thấy Đào Duy Từ học vấn uyên thâm lại có chí lớn hơn người, lại nhân từ hiền lành thì quý mến lắm, rồi quyết định gả luôn người con gái yêu của mình là Trần Thị Chính cho Đào Duy Từ.

Sau khi yên bề gia thất, Đào Duy Từ mới kể rõ chí hướng muốn phục vụ Xã Tắc

cho bố vợ biết, đồng thời đưa bài thơ “Ngọa Long cương vãn” cho ông xem. Bài thơ rất dài, trong đo đoạn kết như sau:

Chốn này thiên hạ đã dùng

Ắt là cũng có Ngọa Long ra đời

Chúa hay dùng đặng tôi tài

Mừng xem bốn bể dưới trời đều yên

Trần Đức Hòa xem đi xem lại bài “Ngọa Long cương vãn” của con rể, nhận thấy văn từ khoáng đạt, điển tích tinh thông, ý chí mạnh mẽ, hoài bão lớn lao, thì tấm tắc khen, rồi tìm cách dâng lên chúa Nguyễn xem để tiến cử Duy Từ với Chúa.

Trần Hưng

Theo trithucvn.net

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc