Home » Kinh doanh, Tiêu biểu sideshow » Cần “sách trắng” về rót vốn ngân sách cho DNNN
Nếu xét về bản chất sở hữu toàn dân, doanh nghiệp Nhà nước còn đại chúng hơn công ty đại chúng và cần bắt buộc công bố thông tin, TS. Nguyễn Đình Cung chia sẻ sau câu chuyện rót hàng ngàn tỷ đồng cho các tập đoàn, tổng công ty nhà nước mới đây.

TS. Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch – Đầu tư, từng là Thư ký Tổ thi hành Luật doanh nghiệp và Luật Đầu tư 2005. Ông là tác giả của rất nhiều bài viết, công trình nghiên cứu về rà soát “giấy phép con”, về cải cách doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) trong nhiều năm qua.

Rót vốn cho DNNN: Đã bấm nút thì Quốc phải chịu trách nhiệm

– Thưa ông, mới đây, Quốc hội đã thông qua việc rót vốn hơn 5.000 tỷ đồng cho 5 tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Ông bình luận gì về điều này?

TS. Nguyễn Đình Cung: Việc chi vốn ngân sách cho các tập đoàn, tổng công ty nhà nước giờ là việc đã quyết định rồi. Nhưng tôi nghĩ rằng, đáng lẽ ra, Quốc hội không nên làm việc bấm nút, thông qua những quyết định đầu tư cụ thể đó.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, thẩm quyền quyết định đầu tư bao nhiêu tiền cho DNNN này, DNNN kia phải là chủ sở hữu Nhà nước. Theo luật định, vai trò đó là Chính phủ.

Chính phủ – với tư cách là chủ sở hữu Nhà nước – mới là cơ quan quyết định “rót” vốn cho DN, đầu tư dự án cụ thể, mức vốn bao nhiêu… Và ai ký quyết định đó thì người ấy sẽ phải chịu trách nhiệm về hiệu quả dự án.

Chính phủ báo cáo Quốc hội và Quốc hội chỉ giám sát Chính phủ sẽ sử dụng vốn ngân sách như thế nào cho hiệu quả nhất. Nếu Chính phủ không làm tốt, không hiệu quả, do thiếu trách nhiệm thì truy trách nhiệm, bãi miễn, để người khác làm.

Mô tả ảnh.
TS. Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ

Ở Việt Nam, từ xưa đến giờ, chưa bao giờ giao cho Quốc hội là cơ quan chủ sở hữu DNNN cả.

Giờ, Quốc hội lại đi quyết định cụ thể tới mức đầu tư cho ông doanh nghiệp này, ông doanh nghiệp kia, thậm chí là đầu tư cụ thể dự án này kia thì có nghĩa là Quốc hội đã đi vào việc điều hành của doanh nghiệp.

Theo cách làm như vậy, Quốc hội sẽ phải chịu trách nhiệm hoặc đồng hành trách nhiệm trực tiếp về hiệu quả của dự án đó, tất nhiên, cả khi giả sử, dự án không thuận chèo mát mái.

Tôi cho rằng, luật đã phân định trách nhiệm như thế để sau này, DNNN có vấn đề gì thì sẽ rõ ông nào phải chịu trách nhiệm.

Cần tách biệt công ích và kinh doanh

– Thưa ông, Chính phủ lý giải rót vốn cho các DNNN trên là để làm các dự án hạ tầng kinh tế – xã hội, là nhiệm vụ công ích. Ông suy nghĩ thế nào về quyết định này?

Vấn đề ở đây là đối với nhiệm vụ công ích, doanh nghiệp tư nhân không làm, mà Nhà nước phải làm. Tuy nhiên, các tập đoàn, tổng công ty được giao vốn trên thực tế còn là doanh nghiệp làm kinh doanh nữa.

Trên thế giới, các nhà kinh tế học đã khẳng định rằng, nhập nhèm công ích và kinh doanh trong cùng một doanh nghiệp không phải là thực tiễn tốt.

Cho nên, người ta tách biệt doanh nghiệp công ích và doanh nghiệp kinh doanh độc lập với nhau, chứ không để cho một tổ chức vừa đi làm kinh doanh, vừa đi làm công ích như ở Việt Nam.

Nguyên tắc đặt ra rõ ràng là, Nhà nước chỉ bỏ vốn cho tổ chức thực hiện công ích và giao nhiệm vụ, phải đạt được mục tiêu hiệu quả cụ thể, ví dụ, đảm bảo vùng dân này tiếp nhận dịch vụ điện, dịch vụ viễn thông công bằng hiệu quả… Và tất nhiên, cũng như một doanh nghiệp kinh doanh, hiệu quả ấy phải đi đối với mức chi phí thấp nhất.

Tôi nghĩ rằng, lý giải về đầu tư công ích cần được chi tiết, cụ thể thêm. Để sau này, ai chịu trách nhiệm về việc này, đến đâu, như thế nào sẽ rõ ràng.

– Thưa ông, như vậy, khi chúng ta chưa tách bạch doanh nghiệp công ích và doanh nghiệp kinh doanh thì hiệu quả của khoản vốn Ngân sách trên sẽ khó minh bạch?

Nhiều năm nay, các chương trình cải cách DNNN đều đã đặt vấn đề như thế.

Nhà nước là một nhà đầu tư, Nhà nước có quyền bỏ vốn chủ sở hữu vào nơi nào đó để làm công ích. Nhưng Nhà nước lại là một cơ quan đại diện chủ sở hữu toàn dân thì Nhà nước phải chọn phương án nào tốt nhất cho toàn dân.

Chúng ta cần phải tách bạch công ích và kinh doanh coi như là 2 doanh nghiệp độc lập nhau. Nếu chưa làm được thì ít ra, cũng phải hạch toán riêng nhiệm vụ công ích ra khỏi vấn đề kinh doanh, để thể hiện rõ, các dự án công ích này hết bao nhiêu tiền ngân sách. Việc này để đảm bảo đại diện chủ sở hữu là Chính phủ giám sát được việc sử dụng đồng vốn đó theo đúng mục tiêu mình đặt ra.

Đáng lẽ ra, trước khi cấp vốn Ngân sách cho các DNNN như vậy thì phải cải cách ngay lại quản trị DNNN, thiết lập lại cơ cấu quản trị DNNN.

Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, thâm hụt ngân sách đang lớn, chi tiêu chưa hiệu quả thì càng phải tập trung thắt chặt chi tiêu ngân sách, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách thay vì mở rộng việc sử dụng nó.

Chúng ta quản DNNN theo “luật riêng”

– Thưa ông, việc các DNNN không công khai thông tin như công ty niêm yết, công ty đại chúng liệu có phù hợp với pháp luật hiện nay không?

DNNN đã chuyển sang mô hình là Công ty TNHH một thành viên. Pháp luật chưa qui định bắt buộc các DN này phải công khai thông tin như công ty niêm yết hay công ty đại chúng. Và lâu nay, chúng ta quản DNNN theo một “luật riêng”.

Tuy nhiên, không phải vì không có quy định mà các DNNN không thực hiện công bố công khai minh bạch thông tin.

Mô tả ảnh.
Đầu tư trở lại 3500 tỷ đồng cho Tập đoàn dầu khí gây tranh cãi nhiều nhất (ảnh: PVN)

Nếu xét về bản chất sở hữu toàn dân thì DNNN còn đại chúng hơn cả công ty đại chúng.

Tôi nghĩ rằng, nhìn vào bản chất đó, Chính phủ có quyền ra văn bản yêu cầu, bắt buộc DNNN công khai hóa thông tin, đặc biệt là thông tin tài chính, việc sử dụng, chi tiêu vốn ngân sách.

Việc này trong tầm tay của Chính phủ. Việc công khai hóa này sẽ giúp giám sát sử dụng vốn Ngân sách sẽ tốt hơn. Hiệu quả giám sát tăng lên thì có lợi cho ông chủ sở hữu thôi, cho Chính phủ thôi, đồng thời, còn giảm gánh nặng cho các bên giám sát DNNN.

Một cơ chế như thế là khả thi, ít tốn kém, không cần chuẩn bị nhiều thời gian.

– Sau vụ Vinashin, người ta càng thấy rằng, khi DNNN làm sai thì dường như, rất khó qui trách nhiệm cụ thể cho ai. Theo ông vì sao lại như vậy?

Đó là hậu quả của chế độ hành chính chủ quản trong thực hiện chức năng chủ sở hữu NN. Tôi đã nói điều này 5-6 năm nay rồi và nó đã đúng như những gì đã diễn ra vừa qua.

Chúng ta có quá nhiều cơ quan thực hiện quyền chủ sở hữu Nhà nước tại DNNN, và đó lại chính là các cơ quan hành chính, quản lý như các bộ, UBND cấp tỉnh. Mỗi một cơ quan lại chỉ thực hiện một hoặc một số quyền chủ sở hữu thôi.

Không như cổ phần, Đại hội đồng cổ đông họp lại, quyết một cái là xong, về nhân sự, về tài chính…

Còn ở chúng ta, một bộ quyết định về chiến lược, một bộ quyết về nhân sự, một bộ quyết về tiền lương, một bộ quyết về chuyện đầu tư cái gì? Và như vậy, các vấn đề của một doanh nghiệp sẽ xa nhau, không tương thích với nhau, về mục tiêu, nội dung, và cả thời hạn thực hiện.

Đáng lẽ, tất cả những vấn đó chỉ nên do một cơ quan quyết định, tập trung để thực hiện quyền chủ sở hữu NN thôi.

Ở DNNN, các cơ quan hành chính ra quyết định đầu tư, kinh doanh theo quy trình giống như ra quyết định hành chính. Rốt cục, hiệu quả đầu tư bị phân tán, chia cắt và cuối cùng, nếu có gì xảy ra thì chẳng ai chịu trách nhiệm, không qui ra được ai?

Đó là một trong những lỗ hổng lớn trong quản trị DNNN mà nếu không sửa được thì sẽ không thay đổi được gì.

Tôi đã nói tất cả những điều trên ngay từ năm 2004. Nếu thành công thì nhiều Bộ trưởng giơ tay nói đó là công của tôi, nhưng nếu thất bại thì không ai chịu trách nhiệm và đổ cho cơ chế.

– Thưa ông, đâu là rào cản cho những kiến nghị rất tâm huyết về cải cách DNNN lại chưa được áp dụng trong thực tiễn hiện nay?

Tôi nghĩ rằng các rào cản cho cải cách DNNN nằm ở quyền và lợi ích nhóm. Bởi với cơ chế hành chính chủ quản, đi kèm là quyền lực lớn, lợi ích lớn.

Một sự thay đổi trong DNNN mà dẫn tới, quyền lợi cho nhiều người nay đem tập trung lại một cơ quan, người ta sẽ bảo, ôi làm một cơ quan siêu bộ thế này thì không được!

Nhưng tôi nghĩ rằng, vấn đề không phải là cơ quan to, hay nhỏ, mà là chuyện quyền lực bao giờ cũng đi đôi với giám sát quyền lực.

Một vấn đề mà cần quyền lực lớn thì phải giao cơ quan đủ thẩm quyền và phải thiết lập một cơ chế giám sát quyền lực đó. Kể cả một ông quyền lực nho nhỏ như ông trưởng thôn còn cần phải giám sát.

Phạm Huyền

Theo vietnamnet


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc