Nhà thơ Hải Kỳ vừa trải qua một cuộc phẫu thuật hiểm nghèo (cắt đến 8 cm thực quản do ung thư). Nghĩ đến Hải Kỳ, bạn bè anh luôn nhớ đến tính khí khái, sự cương trực của một con người tài hoa mà… kỳ quặc. Xin giới thiệu với bạn đọc bài viết của nhà thơ Ngô Minh – một người bạn của Hải Kỳ.
Hình như trong sổ tay bạn trẻ yêu thơ nào ở Huế, Đồng Hới cũng có một vài bài thơ của Hải Kỳ. Thơ anh, nhất là thơ lục bát, câu chữ sang trọng, tài hoa, cuốn hút.
Đó là nỗi buồn sau ngày mẹ mất: trời xanh kia như xanh vội theo ngày… Đó là nỗi nhớ vợ ở trời Tây: Biết là nhớ cũng bằng không/ Tôi ra cửa biển ngồi trông cánh buồm/ Tôi rơi vào cuối ngọn nồm/ Em rơi vào cuối nỗi buồn của tôi… Đó là hạt cát: Trắng như là chẳng có gì/ Trắng như là buổi người đi không về…Đó là tâm sự với người đẹp trên đồi thông Thiên An: Chao ơi cây nối liền cây/ Người sao chẳng biết cầm tay với người…
Tôi nghĩ thơ Hải Kỳ hay bởi anh là người sống trực cảm. Xin kể hầu bạn đọc vài chuyện… kỳ quặc về Hải Kỳ để bạn đọc thấy rõ hơn “cái chất” của anh.
1. Hay lẫy, dễ hờn
“Lẫy” tiếng miền Trung là giận dỗi. Hải Kỳ tính khí thất thường. Cười đó, khóc đó. Đang vui trong cuộc rượu bạn bè, có người nói một câu gì đó không vừa ý tức khắc Hải Kỳ đỏ mặt, đùng đùng bỏ về. Kỳ cũng lẫy vì bạn “chê” thơ không đúng, vì phát biểu một câu thiếu nhân văn, vì “vô lễ” với người đẹp v.v…
Hải Kỳ giận nhất là chuyện lấy thơ anh in tuyển để bán mà chẳng hỏi ý kiến, chẳng có sách biếu, nhuận bút. Có lần một người làm sách điện yêu cầu Hải Kỳ chép thơ gửi để làm tuyển, Hải Kỳ dặn: “Ông in thơ tuyển thì phải biếu sách, trả nhuận bút đàng hoàng, tôi mới gửi. Những người làm tuyển các ông là hay quỵt lắm!”.
Ở đâu có Hải Kỳ là ở đó anh được đề nghị đọc thơ. Thêm vài ba chén “quốc lủi”, Hải Kỳ đọc càng bốc, càng say, đến độ chiếm luôn diễn đàn… Đang đọc thơ mà có người nói chuyện riêng, tức thì Hải Kỳ chỉ mặt mắng: “Im đi. Không biết nghe thơ thì ra ngoài!” rồi chính anh lại khóc giàn dụa.
Văn Tăng có câu thơ vẽ thật đúng chân dung Hải Kỳ: “Mày như đứa trẻ lắm dỗi hờn”.
2. Luôn bị hạ hạnh kiểm
Hải Kỳ không được vào đại học vì lý lịch bố “đi Nam”. Chuyện là trước năm 1954, ba Hải Kỳ làm nghề lái xe tuyến Huế – Đồng Hới. Ông lấy vợ Đồng Hới rồi đưa vào Huế ở. Hải Kỳ sinh ra và sống 5 năm ở Huế. Đến năm 1954, mẹ Hải Kỳ dắt hai con ra thăm nội, sông Hiền Lương đóng tuyến không vô được, thế là mẹ con ở lại Đồng Hới, còn bố thị kẹt lại miền Nam.
Học hết cấp 3, Hải Kỳ chỉ học 2 tháng sư phạm rồi ra dạy cấp 2 (gọi là 10+2). Mãi đến năm 1980, thầy giáo Hải Kỳ mới vào Đại học sư phạm Huế học. Thời ấy Hải Kỳ hay lang thang với tôi, Hoàng Vũ Thuật, Đỗ Hoàng, Mai Văn Hoan, Lê Đình Ty…nên hay bỏ học. Hạnh kiểm của nhà thơ vì thế suốt 4 năm đại học luôn bị xếp loại thấp. Hải Kỳ ngạc nhiên vì hạnh kiểm mà cũng phải xếp loại. Và anh có thơ tự bạch:
Người ta xếp loại đạo đức tôi
Đáng lẽ ở trong phòng, tôi lại lang thang
Đáng phải ngồi nghe, tôi đi tìm bạn
Đáng phải nghĩ suy thì tôi xúc cảm
Đáng phải trả lời tôi lại lặng im
3. Làm sui gia với mẹ Suốt khi mới 25 tuổi
Mẹ Hải Kỳ mất khi mới 38 tuổi. 19 tuổi Hải Kỳ vừa đi dạy vừa nuôi em ăn học. Khi cậu em trai Hải Kỳ là Trần Văn Hà lớn lên, đem lòng yêu con gái mẹ Suốt nổi danh trong thơ Tố Hữu thì Hải Kỳ, nhà thơ trẻ mới 25 tuổi, đã phải thay mặt gia đình sang thưa chuyện với các bậc râu tóc bạc phơ để xin lễ hỏi, rồi lễ cưới cho em trai.
Khi chồng mẹ Suốt qua đời, “ông sui gia” Hải Kỳ đã thức cả đêm để viết bài ai điếu bằng văn biền ngẫu dài 80 câu mà đọc lên cả làng phải rớt nước mắt. Đó là một bản điếu văn chưa từng có ở cái đất “chang chang cồn cát nắng trưa Quảng Bình” ấy. Làm thơ ngất ngưởng vậy mà đến khi phải “đóng thế” vai sui gia Hải Kỳ cũng đường hoàng, chỉn chu lắm.
4. Về hưu sớm vì ghét dạy thêm
Hồi học cấp 3 truyện huyện, Hải Kỳ rất giỏi văn. Đội tuyển thi văn toàn miền Bắc của trường cấp 3 Lệ Thủy năm 1968 có Hải Kỳ, Lâm Thị Mỹ Dạ và tôi. Khi đi dạy thầy giáo Hải Kỳ lại truyền niềm đam mê văn chương cho học trò. Thời Bình Trị Thiên, Hải Kỳ nhiều lần được Sở Giáo dục tỉnh điều động từ Đồng Hới vào dạy bồi dưỡng học sinh giỏi văn của tỉnh.
Hải Kỳ dạy văn giỏi có tiếng, nhưng ở trường cấp 2 Lý Ninh (nơi Kỳ công tác) Kỳ lại cương quyết từ chối dạy thêm. Hải Kỳ bảo học trò kém thì phải phụ đạo miễn phí, chứ tổ chức dạy thêm để thu tiền là vô đạo. Thậm chí Hải Kỳ cũng xin từ chối không chấm bài thi văn cuối năm, bởi “nếu tôi mà chấm thì các em sẽ không đậu cao được, vì tôi chấm thực”.
Cũng vì bức xúc với chuyện học thêm, dạy thêm, bệnh thành tích nặng nề trong thi cử, Hải Kỳ đã xin về hưu sớm 5 năm. Tính khí khái, chất cương trực ấy đã làm nên một Hải Kỳ “Yêu thật ghét thật. Và cả thật dại khờ” như nhà thơ tự viết về mình.
Không có hộ khẩu
Thời bao cấp người ta hay gọi những người không có hộ khẩu là “người ngoài cuộc đời”. Thời ấy có hộ khẩu mới có tem phiếu gạo, vải, đường, củi, muối…, nghĩa là mới có cái ăn, cái mặc dù là để sống qua ngày. Thế mà mới đây về Đồng Hới tôi “té ngửa” khi biết bao lâu nay cuốn sổ hộ khẩu gia đình Hải Kỳ chỉ gồm vợ, hai đứa con trai, hai con dâu và hai đứa cháu nội. Còn bản thân tên Hải Kỳ thì không biết trôi dạt đi đâu từ lâu lắm rồi, không có ghi trong sổ!
Vì không có trong hộ khẩu nên việc gì mà chính quyền cần vời đến “chủ hộ” vợ nhà thơ phải gánh vác hết. Tôi hỏi, Hải Kỳ chỉ nói qua quýt rằng: “Có lẽ ngày xưa tên mình cũng có trong sổ hộ khẩu tập thể của trường, nhưng mình ham thơ, ham chơi, không thích đến chầu chực nơi công quyền, nên không cắt về, thế thôi”.
Có thời gian vợ Hải Kỳ còn đi xuất khẩu lao động ở Đức mấy năm liền. Thế là một mình nhà thơ vừa dạy học, làm thơ, vừa chăm nuôi hai cậu con trai, đầu tắt mặt tối nên cũng chẳng nhớ gì đến hộ khẩu nữa. Và thế cái tên nhà thơ mất tăm trong hộ khẩu cho đến giờ!
Có lần Hải Kỳ cũng nghĩ đến việc thêm cái tên mình vào hộ khẩu, nhưng chính bà xã anh can: “Không hộ khẩu mấy chục năm này có sao đâu , thôi nhập làm gì”.
Sống hết mình, tôi không làm kẻ khác/ Tôi là tôi như thể tự ngày xưa…
Hải Kỳ là như rứa đó.
Ngô Minh
Theo bee
Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!