Home » Tiêu Điểm, Xã hội » Gian nan đường về TP HCM sau Tết
Tay xách nách mang, gương mặt mệt mỏi vì chuyến đi hơn 200 km nhưng mất gần nửa ngày, nhiều hành khách ví những chuyến xe sau Tết về Sài Gòn là “hành xác”.

Vừa bước xuống xe, đang khệ nệ ôm hành lý đeo vác khắp người, chị Nguyệt quê Đồng Tháp, công nhân Khu chế xuất Tân Thuận vừa trở lại TP HCM làm việc sau những ngày vui Tết quê nhà gương mặt phờ phạc vì mệt mỏi.

“Sáng đón xe đi tưởng đến trưa là đến TP HCM nhưng đến hơn 3h chiều mới cán đích, trong xe ngột ngạt nóng bức thật khó chịu… Trước giờ tôi chưa từng thấy kẹt xe nặng đến như vậy” chị Nguyệt vừa khẽ lấy tay lau mồ hôi vừa nói.

Theo chị Nguyệt, lúc về quê thì đường sá thông thoáng, mới ăn Tết xong đón xe lên TP HCM đến Tiền Giang thì bị kẹt cứng không thể di chuyển. “Nghe nói đường cao tốc TP HCM – Trung Lương sẽ giảm bớt kẹt xe thế nhưng đoạn đường qua huyện Cái Bè, Tiền Giang bị dính kẹt xe không thể di chuyển, ôtô xếp hàng dài km”, chị Nguyệt bức xúc nói.

Kẹt xe kéo dài nhiều giờ đồng hồ trên quốc lộ 1A, đoạn qua địa phận tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Thiên Phước.

Cùng chung cảnh ngộ với chị Nguyệt là anh Vinh, đi cùng trên một chuyến xe than thở: “Biết kẹt xe như thế này tôi đi xe máy còn nhanh hơn, dễ luồn lách. Chỉ qua một cây cầu An Hữu (Cái Bẻ, Tiền Giang) với chiều dài vài trăm mét nhưng mất hơn một giờ”, anh Vinh nói.

Theo anh Vinh, đường sá nhiều tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long đã được nâng cấp nhiều nơi rất thông thoáng, chẳng hạn như tuyến đường từ Sa Đéc đến phà Vàm Cống (huyện Lấp Vò, Đồng Tháp) đã được trải nhựa thẳng tắp. Tuy nhiên, nhiều cây cầu với chiều rộng chỉ đủ hai xe ô tô tải chạy cộng với số lượng người tham gia giao thông trong những Tết thì không kẹt xe mới lạ.

Xe vừa đỗ tại Bến xe Miền Tây, anh Nguyễn Văn Trọng tài xế đường dài chạy tuyến Cần Thơ – TP HCM nói với VnExpress.net: ” Xe vừa vượt qua cầu Mỹ Thuận, đoạn cách cầu An Hữu 2 km thấy phía trước là cảnh hỗn độn kẹt xe, hàng chục hành khách trong xe bắt đầu la ó, trẻ nhỏ khóc thét lên vì nóng bức, người lớn cũng vật vờ trên xe đò…Những chiếc xe khách, xe buýt rồng rắn nối đuôi nhau qua cầu. Hàng nghìn xe máy chen lấn nhau tạo nên cảnh hỗn độn trên đường”.

“Năm nào tôi chạy tuyến đường này cũng bị dính kẹt xe, nhưng năm nay bị kẹt quá nặng trễ hơn 3 giờ so với những chuyến ngày thường”, anh Trọng vừa uống một hơi chai nước khoáng chia sẻ.

Chiều 7/2 lượng khách tại Bến xe Miền Tây đã đạt đến mức cao điểm dịp tết 2011. Ảnh: Vĩnh Phú.

Ngồi bệt trên hành lang Bến xe Miền Tây với lỉnh kỉnh đồ đạc đang chờ bạn đến đón lúc trời vừa nhá nhem tối, Đỗ Văn Khánh, sinh viên trường Đại học Giao thông Vận tải TP HCM cho biết: “Đường sá cầu cống chẳng ăn nhập với nhau, đường rộng nhưng cầu hẹp tạo nút thắt cổ chai. Đường cao tốc TP HCM – Trung Lương nhằm giải tỏa ách tắc trên quốc lộ 1A, thế nhưng nhiều tuyến đường dẫn vào tuyến đường huyết mạch này còn chưa được đầu tư tương xứng”.

Theo ông Lê Công Tâm, trưởng phòng điều hành Bến xe Miền Tây, tỉnh Tiền Giang đã huy động toàn bộ lực lượng Cảnh sát giao thông của tỉnh túc trực tham gia điều tiết giao thông và đã kéo giảm được ùn tắc trên tuyến quốc lộ này.

Số lượt xe trả khách tại bến ngày 7/2 là 1.600 lượt xe, với lượng khách gần 40.000 ngàn người tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngày thường số lượt xe đến Bến xe Miền Tây khoảng 1.100 xe với gần 20.000 khách.

Ông Tâm cho biết thêm, ngày 8/2 trở đi nhiều Khu chế xuất, Khu công nghiệp trên địa bàn TP HCM đã bắt đầu hoạt động trở lại, do đó lượng khách đổ về bến đã đạt mức cao điểm và những ngày tới số lượng khách sẽ giảm đáng kể.

Vĩnh Phú

Theo vnexpress

Chuyên đề: , , ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc