Home » Kinh doanh » Xăng đã lỗ gần 3.000 đồng một lít
Mỗi lít xăng A92 nhập khẩu về Việt Nam đã lên tới 19.221 đồng mỗi lít, đắt hơn giá bán hiện hành trên 2.800 đồng, theo tính toán của các nhà nhập khẩu.

Trong bảng tính toán giá cơ sở của Tổng công ty Xăng dầu VN, 30 ngày qua, giá xăng thành phẩm nhập khẩu tại thị trường Singapore đã lên tới 105,63 USD một thùng. Các mặt hàng dầu hỏa và dầu diezel cũng đứng ở mức rất cao với mức trên 113,7-114,6 USD một thùng.

Với giá nhập khẩu này, sau khi về Việt Nam cộng thêm các khoản phí, thuế, kho bãi, cước vận chuyển, hoa hồng đại lý, chênh lệch tỷ giá, mỗi lít xăng A92 có giá bán trên 19.220 đồng một lít. Còn dầu diezel có giá 18.458 đồng một lít và dầu hỏa 18.739 đồng một lít.

Điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu là chuyện sớm muộn cơ quan chức năng phải tính đến. Ảnh: Hoàng Hà.

Như vậy, so với giá bán lẻ hiện hành 16.400 đồng, mỗi lít xăng A92, doanh nghiệp lỗ trên 2.800 đồng. Còn dầu hỏa lỗ trên 3.600 đồng, còn dầu diezel lỗ khoảng 3.700 đồng. Hiện giá dầu hỏa là 15.100 đồng một lít, còn dầu diezel giá 14.750 đồng. Theo Petrolimex, nếu chưa có đợt điều chỉnh tỷ giá, mỗi lít xăng, doanh nghiệp lỗ khoảng 2.000 đồng. Còn hiện tại, việc điều chỉnh tỷ giá USD đã khiến mức lỗ cao thêm 1.000 đồng đối với mỗi lít xăng, dầu nhập khẩu.

Lãnh đạo Bộ Tài chính xác nhận chuyện kinh doanh xăng dầu đang lỗ nặng do quá nhiều yếu tố tác động như giá thế giới tăng cao, biến động tỷ giá đồng ngoại tệ. Do vậy, việc can thiệp bằng chính sách thuế, phí hay điều chỉnh giá bán là việc làm sớm muộn mà các cơ quan chức năng đang tính đến.

Phía Bộ Tài chính cũng nhận định, thuế không thể giảm tiếp, quỹ bình ổn giá không còn nguồn, ngân sách Nhà nước không thể tiếp tục trích ra bù lỗ cho doanh nghiệp. Hơn 11.000 tỷ đồng huy động từ quỹ và thuế đã được đưa ra sử dụng hết cho việc bù giá. Biện pháp còn lại có thể thực hiện vào lúc này là điều chỉnh giá bán. Thế nhưng, cái khó nhất khi mỗi lần điều chỉnh giá bán là sự “té nước theo mưa” của nhiều nhóm mặt hàng. Điện đang nhấp nhỏm tăng từ ngày 1/3, than cũng đòi điều chỉnh giá, trong khi đó, mục tiêu đề ra cho các tháng đầu năm vẫn là kiểm soát lạm phát.

Trong lúc cơ quan chức năng vẫn đang bàn bạc các phương án điều hành giá cả thì mấy ngày qua tiếp tục xuất hiện tình trạng một số đại lý kinh doanh treo biển “tạm nghỉ bán hàng”. Thậm chí có nơi, người dân đã mang vài can xăng đến bán ngay tại những điểm treo biển tạm dừng bán hàng với giá cao ngất ngưởng.

Chiều 17/2, Bộ Công Thương đã phải có công điện khẩn yêu cầu lực lượng quản lý thị trường kiểm tra các cây xăng đóng cửa hoặc bán nhỏ giọt. Đối với các trường hợp còn hàng nhưng không bán phải lập biên bản và rút giấy phép hoạt động. Trường hợp không có hàng bán phải truy ngược lên hệ thống xem tắc ở khâu nào để tháo gỡ kịp thời.

Bảng so sánh giá cơ sở và giá bán hiện hành của Petrolimex ngày 17/2:

Hồng Anh

Theo vnexpress

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc