Home » Xã hội » Online liên tục chờ tin người thân ở Nhật
Cố gắng liên lạc bằng điện thoại không được, nhiều người có thân nhân đang sinh sống và làm việc ở Nhật Bản đã online suốt ngày hôm nay hoặc nhờ bạn bè dò la tin tức của người thân.

Nghe tin ở Nhật Bản bị sóng thần, chiều 11/3, chị Thanh (Đống Đa, Hà Nội) vội vàng điện thoại cho chồng đang làm việc ở Tokyo, nhưng không thể liên lạc được. Chị đành nhắn tin qua yahoo và mở nick chat để đợi anh online.

“Mình mừng đến phát khóc khi thấy nick anh sáng. Hai dòng nước mắt chảy dài khi thấy dòng chữ ‘anh không sao, chỉ có đồ đạc bị hư hỏng thôi'”, chị Thanh kể.

Theo lời chồng chị, cơ quan anh hỗn loạn vì nhà cửa, đồ đạc rung chuyển. Khi đi làm về thì đồ đạc trên bàn đã rơi hết xuống đất. “Động đất mấy ngày rồi, nhưng hôm nay là mạnh nhất và có cả sóng thần, may mắn là anh vẫn an toàn vì Tokyo cách tâm động đất 400 km nên chỉ bị dư chấn”, chị Thanh kể.

Những chiếc xe bị đè nát do động đất ở thành phố Mito. Ảnh: AFP.

Chị Đặng Thị Tuyết (Cầu Giấy, Hà Nội) có mẹ và vợ chồng anh trai đang sinh sống ở Kanagawa cho hay, lúc động đất mới xảy ra, anh đã gọi về thông báo là vẫn an toàn. Sau khi xem báo, thấy động đất đã kéo theo sóng thần cao tới 10 m, chị lập tức gọi cho anh, song không thể nào liên lạc.

“Mình rối quá nên gọi hết cho bạn bè, người thân xem có ai có người thân đang ở khu vực của anh trai không. Cả ngày hôm nay chẳng có tâm trí nào làm việc. May quá chiều nay vừa nhận được thư của anh, có cả ảnh của gia đình vẫn an toàn nên mình yên tâm phần nào”, chị Tuyết chia sẻ.

Hữu Thành, sinh viên Ngoại giao, có gần 10 người trong gia đình đang ở Nhật. Khi nghe tin sóng thần, Thành không thể nào ngồi yên vì lo lắng. Nhưng qua chat, cậu đã liên lạc được với người thân. “Cháu gái và cô em bị thất lạc lúc dư chấn lớn nhất, nhưng may quá đến tối đã đoàn tụ với gia đình”, Thành thở phào.

Ông Lê Quang Bình, chuyên gia Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), cho biết thấy hạ tầng tại Tokyo bị tàn phá trong vụ sóng thần khiến ông rất lo lắng cho đối tác và bạn bè đang làm việc tại Nhật Bản. Tuy nhiên, ông vẫn liên lạc được với nhiều người bạn qua Internet nên đã yên tâm.

“Liên lạc với các đối tác Nhật Bản qua điện thoại thường xuyên bị gián đoạn nên chỉ còn cách làm việc qua email. Nhật Bản thường xuyên phải gánh chịu động đất nên tôi nghĩ họ sẽ có phương án đối phó hiệu quả”, ông Bình nói.

Với những người Nhật làm việc tại Văn phòng JICA, ông Bình cho biết, dù rất lo lắng cho người thân tại Nhật song họ vẫn điềm tĩnh giải quyết công việc. Một số đã chủ động liên lạc với người nhà và cũng có người ở Nhật tìm cách liên lạc với người thân tại Việt Nam để trấn an.

Xe cứu thương được huy động cấp cứu nạn nhân động đất bên ngoài một ngôi trường bị sập tại Kudan Kaikan. Ảnh: AFP

Theo ông Lê Văn Thanh, Cục phó Quản lý lao động ngoài nước, sau trận động đất mạnh 8,9 độ richter tại Nhật Bản, ông đã liên lạc ngay với hai con và Ban quản lý lao động Việt Nam tại Nhật Bản. Sau nhiều cuộc gọi không thành, đến khoảng 18h chiều 11/3, ông đã gọi được cho con.

“Các cháu thông báo rung lắc mạnh hơn so với các trận động đất trước, ghi nhận tại thủ đô Tokyo khoảng 5 độ richter. Nhưng do đã quá quen với động đất, nên các cháu cảm thấy bình thường”, ông Thanh cho biết.

Cục phó Thanh cho biết thêm, ở Nhật Bản có khoảng 18.000 lao động và tu nghiệp sinh Việt Nam đang làm việc, chủ yếu ở Tokyo và vùng phía Nam, rất ít lao động ở vùng đông bắc gần với tâm chấn.

“Đến chiều 11/3, chúng tôi chưa nhận được thông tin thương vong nào đối với lao động Việt Nam”, ông Thanh nói.

Hoàng Thùy – Đoàn Loan

Theo vnexpress


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc