Home » Thế giới, Tiêu biểu sideshow, Tiêu Điểm » Nguy cơ sóng thần đông bắc Nhật ‘không được lường trước’
Trên tạp chí khoa học uy tín thế giới, một nhà địa chấn học Mỹ làm việc tại đại học Tokyo, cho rằng các nhà địa chấn Nhật đã chìm trong những niềm tin cũ, không nhận thấy nguy cơ xảy ra siêu động đất và sóng thần ngày 11/3.

Robert Geller, giáo sư địa chấn học tại đại học Tokyo, viết trên tờ The Nature rằng các nhà khoa học Nhật đã bị gắn chặt với giả thiết về nguy cơ xảy ra động đất lớn ở bờ biển phía nam nước này.

Điều đó khiến hạn chế tầm nhìn của họ đối với các nguy cơ động đất sóng thần ở phía đông bắc, nơi cơn địa chấn mạnh 9 độ Richter kéo theo sóng thần đã khiến 27.000 người chết và mất tích.

Geller cho rằng không nên đặt niềm tin vào một giả thuyết đã tồn tại nhiều chục năm nay, rằng Nhật Bản đối mặt với nguy cơ động đất cực mạnh tại mảng kiến tạo ở bờ biển phía nam đảo Honshu và Shikoku.

Bản đồ nguy cơ thiên tai của chính phủ Nhật khoanh vùng Tokai, Tonankai và Nankai là “vùng động đất”, được nhấn mạnh trong các chiến dịch truyền thông nhằm tăng nhận thức cho dân chúng và đã trở thành một định kiến sâu xa.

Bản đồ xác định nguy cơ địa chấn của Nhật Bản. Đồ họa: The Nature
Bản đồ xác định nguy cơ địa chấn của Nhật Bản. Đồ họa: The Nature

Tuy nhiên theo ông Geller, các bản đồ này dựa trên hai tiền đề có từ những năm 1960 và 70 của thế kỷ trước, và lại không có căn cứ vững chắc.

“Điều này khiến công chúng hiểu sai, tin rằng chắc chắn sẽ có một ngày có trận động đất tới 8 độ Richter sẽ xảy ra ở tỉnh Tokai, trong tương lai gần”, AFP dẫn lời ông.

Tuy nhiên Geller tính toán rằng từ năm 1975 đến nay, không có một trận động đất lớn nào xảy ra trong ba khu vực mà các nhà khoa học của chính phủ Nhật cho là những vùng nguy hiểm nhất.

Ngược lại, tất cả những trận địa chấn gây chết trên 10 người ở Nhật từ năm 1979 đén nay đều xảy ra ở những khu vực được cho là chỉ có nguy cơ thấp.

Nếu như các nhà khoa học lục lại biên niên sử, họ sẽ thấy rằng những cơn sóng thần gây ra bởi động đất đã lặp đi lặp lại việc tấn công vào vùng đông bắc Nhật trong nhiều thế kỷ qua, thì siêu động đất và sóng thần ngày 11/3 vừa rồi “đã có thể được đoán trước, dù là một cách chung chung”, ông Geller nói.

Việc dự đoán thời điểm và vị trí động đất là không thể, nhưng ít nhất, mối đe dọa đó có thể được cân nhắc tính đến trong việc thiết kế nhà máy điện hạt nhân Fukushima, Geller bình luận.

“Đây là lúc cần phải thẳng thắn với công chúng rằng không thể dự báo được động đất, và từ bỏ hệ thống dự báo ở vùng Tokai”, Geller thêm.

“Toàn bộ Nhật Bản đều có nguy cơ bị động đất, và trình độ khoa học địa chấn ngày nay không cho phép chúng ta dự đoán được mức độ của nguy cơ tại một vùng địa lý cụ thể nào đó”.

Thanh Mai

Theo vnexpress


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc