Home » Xã hội » Sẽ hạn chế lưu thông xe máy vào năm 2020
Bộ Giao thông Vận tải cho biết đến năm 2020, xe máy vẫn được sử dụng với tỷ lệ vận tải chiếm 30-35% tại các thành phố lớn, song phương tiện này sẽ từng bước giảm để giảm tai nạn, ùn tắc và ô nhiễm môi trường.

Theo dự thảo chiến lược đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030 được Bộ Giao thông Vận tải công bố sáng 15/4, số xe gắn máy của cả nước đến năm 2020 sẽ đạt 36 triệu. Phương tiện này vẫn được sử dụng phổ biến song sẽ hạn chế mức độ gia tăng bằng biện pháp hành chính, kinh tế và kỹ thuật.

Xe máy cũng sẽ được quản lý chặt chẽ, như tăng cường công tác kiểm định, kiểm soát khí thải, nâng chất lượng an toàn kỹ thuật của xe, thu hồi xe hết niên hạn… Trong tương lai phương tiện này sử dụng chủ yếu ở khu vực nông thôn, nơi không có vận tải khách công cộng.

Ngoài việc hạn chế xe máy, với mục tiêu giảm số người chết do tai nạn giao thông đường bộ từ 13 trên 100.000 người dân hiện nay xuống còn 8 người vào năm 2020 và 4-6 người vào năm 2030, dự thảo chiến lược đã đưa ra hàng loạt giải pháp.

Theo đó, các thành phố lớn được phát triển đường tránh đô thị và vành đai nhằm giảm lưu lượng giao thông trong đô thị. Hệ thống bến bãi đỗ xe được quy hoạch, thu phí tự động; các loại hình phương tiện trên địa bàn được sắp xếp phạm vi, tuyến đường hoạt động, đặc biệt là giờ cho phép xe tải vào nội thành, đẩy mạnh tổ chức giao thông lệch giờ để giảm tắc nghẽn vào giờ cao điểm…

Hạ tầng giao thông đường bộ sẽ được phát triển toàn diện, gồm nhiều loại đường, tách làn cho ôtô, xe máy, xe đạp, người đi bộ; giảm bớt các nút giao và tách giao cắt đồng mức để ngăn ngừa tai nạn, giảm tắc nghẽn xung quanh nút giao, áp dụng hệ thống tín hiệu giao thông thông minh…

Tắc đường tại Hà Nội
Xe máy sẽ được hạn chế theo lộ trình. Ảnh: Hoàng Hà.


Lý giải về đề xuất hạn chế xe máy, TS Lý Huy Tuấn, Viện trưởng Chiến lược giao thông vận tải, cơ quan xây dựng dự thảo chiến lược, cho rằng hiện phần lớn tai nạn đường bộ liên quan đến xe máy, trong khi tốc độ gia tăng phương tiện này hàng năm trên 15%.

Đại diện các thành phố lớn cũng bày tỏ đồng tình với những giải pháp chiến lược mà Bộ Giao thông đưa ra. Ông Lê Toàn, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP HCM, nhận xét với tốc độ tăng xe cá nhân hàng năm trên 10% trong khi hệ thống đường bộ chỉ tăng chưa tới 1% đã làm quá tải cơ sở hạ tầng thành phố.

Do vậy, TP HCM sẽ tổ chức giao thông theo hướng hạn chế sử dụng xe cá nhân, triển khai thu phí tự động và thu phí đỗ xe theo hướng mức phí đỗ xe tăng dần từ ngoại ô vào trung tâm thành phố; thu phí điện tử đối với xe sử dụng đường trong trung tâm theo thời gian, tăng lệ phí trước bạ, lưu hành đối với xe cá nhân…

Theo đại diện Văn phòng JICA, mục tiêu của Việt Nam giảm 40% số vụ tai nạn đến năm 2020 có thể đạt được nếu thực hiện tốt hai vấn đề. Đó là giải quyết được tình trạng thiếu kiến thức tham gia giao thông của người dân và thực thi các biện pháp một cách toàn diện nhất.

“Nhật Bản đã mất 5 năm đầu tư toàn diện an toàn giao thông, kết quả là số người chết và bị thương vào năm 1980 đã giảm một nửa so với 10 năm trước đó”, đại diện JICA cho biết.

Sau khi lấy ý kiến, Bộ Giao thông Vận tải sẽ trình Chính phủ xem xét thông qua dự thảo chiến lược này.

Đoàn Loan

Theo vnexpress

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc