Home » Chia sẻ, Nhịp sống trẻ » Học sinh Trung Quốc chi tiền nuôi mộng du học Mỹ
Để kiếm một chỗ trong các trường đại học của Mỹ, nhiều phụ huynh Trung Quốc sẵn sàng chi hàng chục nghìn USD cho các công ty tư vấn để họ giúp chuẩn bị hồ sơ hay thậm chí viết thay bài luận xin nhập học.
LuShuang Xu, một học sinh người Trung Quốc, được Harvard nhận học sau khi nhờ trợ giúp của một công ty tư vấn. Ảnh: NYT.
LuShuang Xu, một học sinh người Trung Quốc, được Harvard nhận học sau khi nhờ trợ giúp của một công ty tư vấn. Ảnh: NYT.

Khi nhận được thư từ chối của một trường đại học danh tiếng của Mỹ, Lu Jingyu, học sinh giỏi hàng đầu tại một trường trung học ở thành phố Thâm Quyến cảm thấy hoảng loạn. Cô đã làm gì sai? Làm sao để khắc phục?

Để tìm câu trả lời, Lu tìm đến công ty tư vấn du học ThinkTank có trụ sở tại California, Mỹ, và đặt văn phòng ở Thâm Quyến. “Tôi muốn các giáo sư Mỹ xem hồ sơ của tôi và chỉ cho tôi cách làm nó sáng sủa hơn”, cô cho biết.

Mức giá mà công ty này đưa ra cao ngất: 15.000 USD. Tuy nhiên, họ đảm bảo hoàn tiền 100% nếu Lu không được nhận vào ít nhất một trong số 9 đại học Mỹ mà cô nộp hồ sơ.

Bài luận ban đầu của cô là về môn cầu lông. Sau khi xem xét, công ty tư vấn gợi ý cô viết về đối thoại giữa hai bờ eo biển Đài Loan, sự kiện mà Lu tham gia tổ chức cùng với học sinh trung học của hòn đảo. May mắn cho Lu và công ty này, cô đã được nhận vào học và vừa kết thúc năm đầu tiên của đại học Pennsylvania.

Những năm gần đây, khi thị trường du học mở rộng, nhiều công ty như ThinkTank đang cung cấp dịch vụ tư vấn đầu vào và vươn tới thị trường béo bở là Trung Quốc.

Số sinh viên Trung Quốc theo học tại Mỹ hiện lớn hơn bất kỳ quốc gia nào khác và sự cạnh tranh để giành một ghế tại giảng đường của Mỹ trở nên khốc liệt. Theo viện giáo dục quốc tế của Mỹ, trong năm học 2009 – 2010, gần 40.000 sinh viên Trung Quốc tốt nghiệp đại học ở Mỹ, tăng gấp rưỡi so với một năm trước đó.

Tuy nhiên, học sinh Trung Quốc vốn chủ yếu tập trung chuẩn bị cho kỳ thi đại học trong nước mà bỏ qua các hoạt động ngoại khóa. Khoảng 400 tổ chức giáo dục nước ngoài, trong đó có các trường đại học của nước ngoài tại Trung Quốc, các trung tâm ngoại ngữ và công ty tư vấn đầu vào đại học, được Bộ Giáo dục Trung Quốc cấp giấy phép hoạt động. Một số công ty thậm chí chào mời dịch vụ viết bài luận thay học sinh, huấn luyện họ làm quen với các cuộc phỏng vấn đầu vào và thậm chí sửa cả bảng điểm cho họ.

Steven Ma, 32 tuổi, người sáng lập công ty ThinkTank, nói rằng họ có thể biến quy trình tuyển chọn đầu vào của các trường đại học thành một môn khoa học. Cựu chuyên gia phân tích tài chính ở phố Wall này cho biết doanh thu của họ năm ngoái là 7 triệu USD và một nửa số đó là từ hoạt động tư vấn.

Nhiều phụ huynh Trung Quốc sẵn sàn bỏ ra chục nghìn, thậm chí hàng trăm nghìn USD, để con cái họ tham gia chương trình chuẩn bị ngay từ khi chúng bước vào trung học nhằm kiếm một suất du học Mỹ. Những học sinh này tham gia các chương trình ngoại khóa mà ThinkTank tổ chức, được hướng dẫn viết luận cũng như chuẩn bị các bài thi đầu vào của Mỹ.

LuShuang Xu là trường hợp thành công điển hình của công ty này. Cô sinh tại Trung Quốc và sang Mỹ năm 9 tuổi. Gia đình Xu kỳ vọng cô bé sẽ là người đầu tiên trong gia đình học đại học nhưng kết quả thi SAT, bài thi chuẩn hóa cho đầu vào đại học ở Mỹ, không tốt và cô cũng không tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa. Xu cho rằng cô cần thay đổi kết quả học tập để có thể bước chân vào đại học và giúp bố mẹ tự hào với họ hàng.

ThinkTank gửi Xu tham gia một khóa học kỹ năng giao tiếp và giúp cô viết bài luận. Xu cũng được cung cấp địa chỉ email của tất cả các thành viên trong khoa Lịch sử của Đại học Standford. Nhờ sự hỗ trợ của ThinkTank, Xu xin được suất thực tập dưới sự hướng dẫn của hai giáo sư. Cô cũng tham gia các khóa chuẩn bị đầu vào đại học mà công ty này tổ chức và điểm thi SAT tăng lên. Mùa thu tới, Xu sẽ bắt đầu khóa học tại Đại học Harvard.

Công ty này thâm nhập thị trường Trung Quốc khi ngành công nghiệp tư vấn du học bùng nổ tại quốc gia đông dân nhất thế giới. Hàng loạt các công ty được thành lập kèm theo những lời hứa hẹn biến giấc mộng du học của học sinh Trung Quốc thành hiện thực.

Best Education, một công ty có văn phòng trên khắp Trung Quốc, thu phí 77.000 USD để viết bài luận cho học sinh, huấn luyện họ trả lời phỏng vấn xin visa và trợ giúp trong sự nghiệp. ‘Học sinh chỉ cần cung cấp thông tin của bản thân và chúng tôi sẽ làm hết những việc còn lại”, một đại diện của công ty cho hay. Công ty này hoàn lại 50% chi phí nếu học sinh không được nhận học.

Các công ty tư vấn của Trung Quốc có lẽ không muốn các trường đại học Mỹ biết rằng họ giúp học sinh chuẩn bị hồ sơ xin học nên quảng cáo dịch vụ của họ bằng tiếng Hoa. Công ty tư vấn du học Boshi có trụ sở tại Bắc Kinh liệt kê trên trang web của họ những khách hàng thành công, trong đó có hai trường hợp được nhận vào Đại học Harvard. Một nhân viên của Boshi cho biết họ không chỉ giúp đánh bóng hồ sơ xin học của khách hàng mà còn làm nhiều hơn thế. “Nếu tiếng Anh của khách hàng kém, chúng tôi có những người chuyên nghiệp và được đào tạo bài bản viết luận thay cho họ để đảm bảo rằng chúng hoàn hảo”, một nhân viên công ty này cho biết.

Nhiều trường đại học của Mỹ lên án cách làm việc đó và tuyên bố không chấp nhận việc học sinh thuê người tư vấn. “Học sinh có trách nhiệm tự xác định con đường đạt được mục tiêu trong tương lai thay vì nhăm nhăm kiếm chỗ trong một trường nào đó”, Barbara Knuth, hiệu phó Đại học Cornell của Mỹ, bình luận.

Dù các trường đại học chỉ trích cách thức hoạt động của các công ty tư vấn, dịch vụ hỗ trợ đầu vào đại học mang lại lợi nhuận lớn đến mức các công ty đó khó bỏ qua. Ma, giám đốc ThinkTank, cho biết trong số 110 khách hàng, họ chỉ phải hoàn trả phí cho một người.

Anh cũng cho biết đa số những học sinh này kém tiếng Anh và không tham gia các hoạt động ngoại khóa. Trong khi đó, phụ huynh chỉ mong con họ vào được những trường đại học danh tiếng của Mỹ. “Chúng tôi gần như phải nắm tay họ để hướng dẫn làm mọi việc”, Ma nói và cho biết thêm học sinh được hướng dẫn tham gia các hoạt động ngoại khóa và chuẩn bị thi tiếng Anh. Các bài luận đôi khi được chủ định mắc vài lỗi chính tả để trông có vẻ thật, anh cho hay.

Đối với những vị phụ huynh đầy tham vọng ở Trung Quốc, sức hấp dẫn của các dịch vụ này thật khó chối từ. Li Manhong, một bà nội trợ tại Bắc Kinh, đã lên kế hoạch từ nhiều năm nay để đưa cậu con trai 17 tuổi sang Mỹ học. Bà thậm chí xin cho con học tại một trường tư ở Portland, Oregon, hai năm qua để nâng cao khả năng tiếng Anh và làm đẹp hồ sơ.

Sau khi nghe danh ThinkTank từ một người láng giềng, bà Li thuyết phục chồng ký hợp đồng khoảng 14.000 USD với công ty này để hỗ trợ con trai bà nộp đơn vào 9 trường đại học của Mỹ. Li cho biết bà coi đó là khoản đầu tư cho tương lai của con trai.

“Tốn tiền nhưng để tăng tối đa cơ hội thành công thì cũng đáng”, bà nói.

Ngọc Sơn (theo NYT)

Theo vnexpress

Chuyên đề: , ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc