Home » Xã hội » Nháo nhào nộp – rút hồ sơ trước ngày chốt nguyện vọng 1
Hôm nay 18/8, tức chỉ còn 2 ngày nữa là chốt nộp hồ sơ đăng ký nguyện vọng một, các trường đã chứng kiến cảnh thí sinh vất vả chạy đôn chạy đáo rút – nộp hồ sơ.

Nháo nhào nộp – rút trước ngày chốt nguyện vọng 1

Cả phụ huynh và thí sinh đều vô cùng lo lắng khi đợt xét tuyển nguyện vọng một đại học đã vào những ngày cuối.

Hành trình xét tuyển nguyện vọng 1 đại học đã bước vào giai đoạn nước rút. Thế nhưng nhiều phụ huynh và thí sinh vẫn rất hoang mang khi chưa biết con em mình rồi sẽ học trường nào.

Năm nay, bộ Giáo dục và Đào tạo đã thay đổi khi sáp nhập hai kì thi quan trọng là thi tốt ngiệp THPT và thi ĐH – CĐ là một. Tuy nhiên, với diễn biến vô cùng căng thẳng như những ngày qua, phụ huynh và thí sinh đều rất lo lắng khi phải theo dõi thứ hạng, canh me từng ngày, thậm chí từng giờ để rút, nộp sao cho tỉ lệ đỗ cao nhất khiến không ít người ví von rằng 20 ngày nộp hồ sơ xét tuyển này chính là “kì thi thứ 2”.

TP.HCM: Phụ huynh bức xúc, thí sinh sợ không có trường để học

Nhiều thí sinh và phụ huynh đã phải lặn lội đường xa, đi từ rất sớm đến túc trực tại trường để nộp hoặc rút hồ sơ. Có thể nói không khí ở đây căng thẳng không thua kém kì thi quốc gia 2015 vừa rồi.

Chú Nam – phụ huynh đưa con đi xét tuyển nguyện vọng trường Đại học Tài nguyên Môi trường TPHCM cho biết: “Khó khăn chung là cả phụ huynh và thí sinh đều rất hoang mang trong việc đăng kí vào các trường và cũng chưa biết số điểm đó có được vào nguyện vọng 1 hay không. Mặc dù trường đã công bố điểm sàn trước đó rồi tuy nhiên lượng thí sinh vào quá đông nhiều thí sinh điểm cao do đó trường có thể sẽ ưu tiên xét điểm. Chính vì vậy mà thí sinh như con tôi rất dễ rớt nguyện vọng dù dư điểm sàn. Như mọi năm thì rõ ràng, rớt là rớt, đậu là đậu không hoang mang như năm nay”.

Ngồi chờ con làm thủ tục, cô Mỹ Lan (TP.HCM) chia sẻ: “Trước kia tôi thấy nhận hồ sơ dễ dàng hơn. Năm nay thì thấy khá rắc rối, đi đi lại lại mấy lần rồi mà giờ chưa biết con mình học ngành nào, trường nào. Cho nên cảm thấy rất lo lắng và hoang mang”.

Cùng tâm trạng, bạn Thanh Vy, thí sinh xét tuyển nguyện vọng trường Đại học Mở TPHCM cho biết: “Em thấy cũng không có nhiều khó khăn trong quá trình làm thủ tục, thế nhưng lại rất hoang mang trong việc chờ kết quả. Có bạn trên 20 điểm nhưng do nhiều bạn được điểm cộng nên cứ thế rớt hạng phải rút hồ sơ. Do đó tụi em cảm thấy rất lo lắng và sợ không có trường để học”.

Bạn Phát Thịnh cho rằng việc xét tuyển đại học năm nay hồi hộp như chơi chứng khoán: “Em cảm thấy rất mệt mỏi, cảm giác như xem kết quả thi, xét tuyển mà cứ như chơi chứng khoán. Tụi em phải lên máy tính canh điểm rất nhức đầu. Phải đợi từ ngày mùng 1 đến ngày 20 không phải là thời gian ngắn. Bên cạnh đó em thấy các trường làm việc không đồng bộ, có trường công bố sớm, có trường công bố khá trễ do đó bản thân em cảm thấy rất sốt suột, không biết mình sẽ học trường nào”.

TPHCM Thí sinh và phụ huynh lo lắng xét tuyển NV1 như ngồi trên ghế nóng

Bạn Phát Thịnh cho rằng xét tuyển đại học NV1 như chơi chứng khoán.

Vì lo lắng cho con trong việc xét tuyển và chờ đợi kết quả mà chú Khánh phải bỏ công việc ở Đồng Nai để lên tận trường trên TP.HCM tìm hiểu, chú Khánh bày tỏ: “Tôi thấy thi một kì thi như năm nay thì tiện lợi và tiết kiệm hơn cho cả chúng tôi. Thế nhưng cách xét tuyển hơi rắc rối, nguyện vọng một mà có tới 4 lựa chọn như thế này rất khó cho thí sinh lựa chọn. Tôi nghĩ nên xét chỉ một nguyện vọng và một lần duy nhất sau đó sẽ tiến hành xét đợt nguyện vọng hai thì sẽ dễ dàng hơn cho con em chúng tôi”.

Bên cạnh đó, cũng có nhiều bạn khá tự tin với kết quả của mình trong đợt xét tuyển nguyện vọng 1 này.

dai-hoc-nhan-van

Không khí xét tuyển tại trường Đại học KHXH&NV TP.HCM
dai-hoc-nhan-van-2

 

Phòng máy trường Đại học KHXH&NV TPHCM mở cửa để các thí sinh vào chỉnh sửa, bổ sung thông tin.

TPHCM Thí sinh và phụ huynh lo lắng xét tuyển NV1 như ngồi trên ghế nóng

Khuôn mặt lo âu của phụ huynh trong lúc chờ con làm thủ tục xét tuyển.

TPHCM Thí sinh và phụ huynh lo lắng xét tuyển NV1 như ngồi trên ghế nóng

Tại trường Đại học Tài nguyên Môi trường TPHCM các thí sinh đến làm thủ tục khá đông. (Ảnh + Clip: Nguyễn Đáng)

Hà Nội: Bách Khoa 600 hồ sơ rút mỗi ngày, Xây dựng vẫn chưa đủ chỉ tiêu

Tại trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, hôm qua (17-8) rất đông thí sinh đã đến để làm thủ tục nộp và rút hồ sơ.

Tiến sĩ Nguyễn Vũ Thắng, phó trưởng phòng Đào tạo, Đại học Bách Khoa cho biết: “Năm nay, Đại học Bách Khoa lấy 6000 chỉ tiêu nhưng có tới 10.400 hồ sơ nộp vào trường khiến cho điểm chuẩn dự kiến tăng cao.Trong những ngày qua, đã có 3200 hồ sơ rút khỏi trường nhưng con số còn lại(7200) vẫn còn cao hơn khá nhiều so với chỉ tiêu 6000. Vì vậy, trong vài ngày tới, lượng thí sinh đến rút hồ sơ sẽ vẫn còn cao và có thể tăng đột biến vào ngày 19 và 20.”

Trong vài ngày qua, trung bình mỗi ngày có 400-600 người đến rút và 200-300 người đến nộp hồ sơ.

Trước tình hình đó, phòng Đào tạo Đại học Bách Khoa Hà Nội đã huy động toàn bộ quân số để phục vụ nhu cầu của các thí sinh. Vì thế, tuy số thí sinh khá đông nhưng mọi việc vẫn diễn ra nhanh chóng. Trung bình, mỗi thí sinh chỉ mất 5 phút để nộp hồ sơ và 15 phút để rút hồ sơ.

TPHCM 2 ngày kết thúc xét tuyển vẫn không biết chọn trường nào

Tại ĐH Bách khoa, do số lượng hồ sơ vượt trội so với chỉ tiêu nên hầu hết các bạn đến để rút.

Ngay bên cạnh Đại học Bách Khoa Hà Nội nhưng Đại học Xây Dựng lại có một hình ảnh khác.

Thầy Phạm Xuân Anh, trưởng phòng Đào tạo, Đại học Xây dựng cho biết: “Tính đến cuối giờ chiều ngày 16-8, trường đã tiếp nhận hơn 2200 hồ sơ. Trong khi đó, chỉ tiêu của trường là 2170. Đặc biệt, khối A1 mới chỉ nhận được một nửa thí sinh cần tuyển. Vì thế, điểm chuẩn dự kiến của trường đang ở mức thấp.

Trong vài ngày qua, lượng thí sinh đến nộp hồ sơ tăng cao và lượng thí sinh rút hồ sơ hầu như không đáng kể. Trong sáng ngày hôm qua(17-7), đã có khoảng 300-400 thí sinh đến nộp hồ sơ vào Đại học Xây Dựng.

Còn ở Đại học Y Hà Nội, tình hình có vẻ bớt căng thẳng hơn. Tổng thí sinh nộp và rút hồ sơ tính đến chiều ngày 17-7 chỉ khoảng hơn 200 người. Vì thế, việc làm thủ tục ở đây diễn ra nhanh chóng và hầu như không gặp khó khăn.

TPHCM 2 ngày kết thúc xét tuyển vẫn không biết chọn trường nào

: Công tác quản lý, lưu trữ hồ sơ được trường Đại học Y làm rất cẩn thận để đề phòng thất lạc.

Cô Nguyễn Thị Yến, trưởng phòng Quản lý đào tạo Đại học Y Hà Nội chia sẻ: “Đại học Y Hà Nội đã đưa dự kiến điểm chuẩn các ngành lên trang web của trường để các thí sinh tham khảo nên các em có thể nắm rõ thông tin và chủ động trong việc nộp – rút hồ sơ. Tôi rất mong các bạn thí sinh nào có điểm trên mức điểm chuẩn dự kiến thì hãy nhanh chóng đến nộp hồ sơ để tránh xảy ra biến động trong ngày cuối cùng.”

Những chuyện dở khóc, dở cười

Trong ngày hôm qua, đã có hàng nghìn thí sinh và phụ huynh từ khắp các tỉnh thành (Hải Dương, Lào Cai, Bắc Giang, Hưng Yên, Bắc Ninh, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An…) đổ về Hà Nội để thay đổi NV và rút hồ sơ xét tuyển để nộp sang trường khác. Mỗi thí sinh là mỗi câu chuyện, xong, đều gọi tên bằng hai cụm từ: căng thẳng và vất vả.

Tại ĐH Y Hà Nội, cô Trần Thị Huệ ở Hà Nam cho biết, con gái cô đã nộp hồ sơ xét tuyển qua đường bưu điện từ sớm, nhưng chờ mãi không thấy có tên trong danh sách hồ sơ nhà trường công bố.

Chỉ đến sáng hôm qua (17/8) khi gọi điện lên trường, con gái cô mới biết rằng hồ sơ của mình bị sai (nộp nhầm giấy chứng nhận dùng để xét tuyển NV bổ sung). Ngay lập tức, hai mẹ con cô bắt chuyến xe trưa để lên trường nộp lại hồ sơ.

TPHCM 2 ngày kết thúc xét tuyển vẫn không biết chọn trường nào

Cô Trần Thị Huệ ở Hà Nam vừa bắt xe lên Hà Nội để rút hồ sơ.

“Cô thấy năm nay cả thí sinh và người nhà phụ huynh đều rất là vất vả và căng thẳng. Con bé nhà cô sức khỏe vốn đã yếu, ngày nào cũng ôm lấy máy tính để theo dõi thông báo điểm của trường, rồi tâm lý chán nản khiến cô và chú vô cùng lo lắng! Giá cứ như mọi năm, thi xong rồi thì thôi, đằng này, thi xong rồi mà 20 ngày sau thí sinh vẫn còn căng thẳng”, cô Huệ cho biết.

Tại trường, cô và em lại phải nộp lại 30.000 đồng lệ phí xét tuyển mặc dù đã có biên lai thu lệ phí của Bưu điện. Trả lời về vấn đề này Đại diện phòng đào tạo ĐH Y cho biết, trường ĐH Y không hề cung cấp số tài khoản nộp lệ phí thi cho bưu điện, do vậy, nhà trường không hề nhận được lệ phí của thí sinh nộp hồ sơ qua đường này. Vì thế, nên khi thí sinh nộp lại hồ sơ thì phải nộp lệ phí theo quy định của Bộ.

Kỳ xét tuyển này có lẽ khó khăn nhất là đối với những thí sinh ở xa và không có điều kiện theo dõi thông tin mạng. Lóc cóc bắt chuyến xe đêm sớm nhất từ Lai Châu xuống Hà Nội, chị em thí sinh Nguyễn Thị Quyên đến thẳng ĐH Y để thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển. Do không có điều kiện thường xuyên để vào internet, chị em thí sinh này đã không hề biết rằng mình có thể đến trường THPT để thay đổi đăng ký nguyện vọng.

Chị gái của Quyên cho biết, chỉ khi xuống đến Hà Nội mới nhận được thông tin này, “Bây giờ bọn mình nộp lại hồ sơ xong lại bắt xe về Lai Châu. Trong 2 hôm nữa tình hình không khả quan thì lại bắt xe xuống Hà Nội chứ không ở lại vì không quen biết ai ở đây.”

Theo dự đoán 19/8 và 20/8 sẽ là thời gian căng thẳng nhất, lượng hồ sơ nộp vào và rút ra tại các trường sẽ biến động lớn. Các thí sinh cần theo dõi chặt và cập nhật liên tục thông tin trên website và liên hệ trực tiếp đến các trường.

Việt Hùng + Trà Trang + Tiểu Yến

Theo tiin

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc