Home » Xã hội » Tự chủ Đại học: Bộ GD-ĐT phải “mạnh tay” với trường không đủ tiêu chí
Sinh_vienGiao quyền tự chủ toàn diện cho các trường ĐH công lập là phải kiểm soát được chất lượng đào tạo (ảnh minh họa)
Chất lượng nguồn tuyển sinh “đầu vào” và chất lượng sinh viên “đầu ra” có vai trò quyết định tới việc giao quyền tự chủ cho các trường ĐH, CĐ đến đâu.

Tự chủ toàn diện là quyền lợi và là xu thế phát triển tất yếu cho hệ thống giáo dục đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ). Dù các trường có nhu cầu tuyển sinh, tài chính, mức học phí hay quản lý theo hình thức như thế nào thì vẫn phải đảm bảo quy định của Luật Giáo dục và Luật Giáo dục Đại học cũng như phải đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực cung cấp cho xã hội.

Tuy nhiên, theo báo cáo mới nhất của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội công bố vào đầu tháng 7/2014 cho thấy, thất nghiệp trong nhóm lao động có bằng ĐH trở lên là 162.400 người. Như vậy, trong quí I/2014, lượng lao động có trình độ ĐH thất nghiệp đã tăng thêm hơn 90.000 người, so với con số 72.000 người đến cuối quí IV/2013. Đáng chú ý là đã xảy ra tình trạng “liên thông ngược” như có rất nhiều người đành “giấu” đi tấm bằng cử nhân, thạc sĩ để đi học trung cấp với mong muốn tìm kiếm một công việc trước mắt để nuôi sống bản thân.

Như vậy, hàng nghìn sinh viên sau vài ba năm ngồi trên giảng đường ĐH đành phải “ngậm ngùi” không xin được việc làm hoặc làm trái ngành nghề đã gây thất thoát lớn cho nguồn tài chính quốc gia và lãng phí tiền bạc của nhiều gia đình.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng số lượng sinh viên tốt nghiệp không tìm được việc làm. Tuy nhiên, một trong những lý do đáng quan tâm là chất lượng đào tạo ở trường ĐH, CĐ chưa đáp ứng được yêu cầu đào tạo mà xã hội đòi hỏi. 

Chính vì lý do trên, nhiệm vụ hàng đầu khi giao quyền tự chủ một cách toàn diện cho các trường ĐH, CĐ là ngành Giáo dục phải đảm bảo và kiểm soát được chất lượng hoạt động của các trường.

Tự chủ không có nghĩa là kinh doanh giáo dục

Tiến sĩ khoa học (TSKH) Phạm Đỗ Nhật Tiến, nguyên trợ lý Bộ trưởng GD-ĐT cho rằng, việc giao quyền tự chủ cho các trường ĐH, CĐ nếu không làm tốt sẽ dẫn đến có lợi ích nhóm khi mà các trường chỉ chạy theo lợi ích kinh tế bằng cách tuyển chọn càng nhiều người học nhưng lại sao nhãng việc nâng cao chất lượng giảng dạy hay đào tạo theo kiểu “đem con bỏ chợ”.

“Giáo dục là ngành đặc thù, ảnh hưởng rất lớn đến cả một thế hệ trong tương lai nên phải coi trọng tới chất lượng đào tạo con người. Giao quyền tự chủ cho các trường ĐH, CĐ không có nghĩa là kinh doanh giáo dục”- ông Nhật Tiến nói.

Còn PGS.TS Nguyễn Công Khanh, Giám đốc Trung tâm Đảm bảo chất lượng giáo dục và Khảo thí (ĐH Sư phạm Hà Nội) nêu quan điểm: Hệ thống giáo dục ở các trường ĐH, CĐ phải đảm bảo chất lượng nguồn tuyển sinh “đầu vào”, quá trình giảng dạy và chất lượng sinh viên tốt nghiệp. Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường ĐH, CĐ phải kiểm định chất lượng đào tạo cấp trường và chương trình giảng dạy.

Kiểm định cấp trường và chương trình đòi hỏi các trường ĐH, CĐ không thể tuyển sinh ồ ạt sinh viên mà phải căn cứ vào thực tế về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên và năng lực đào tạo đã được thừa nhận để xác định chỉ tiêu. Sau đó, các trường phải báo cáo lên Bộ GD-ĐT xem xét, thẩm định. Vì vậy, không phải các trường có thể thích tuyển sinh bao nhiêu cũng được. Nếu như trường ĐH, CĐ nào “lách” được các yêu cầu về chỉ tiêu tuyển sinh nhưng chất lượng giáo dục không đảm bảo khiến phụ huynh và sinh viên phản đối thì trường đó cũng khó có thể tồn tại.

Để thực hiện việc tự chủ, Hội đồng, ban quản trị trường ĐH, CĐ phải kiểm soát được trách nhiệm và quyền hạn của Hiệu trưởng trường đó thực thi. Bên cạnh đó, các trường phải làm tốt việc giải trình quá trình ra đề thi, chấm thi, xét tuyển, thu học phí… với Bộ GD-ĐT và trước công chúng. 

Ngoài trách nhiệm giải trình, ngành giáo dục phải làm tốt công tác kiểm soát các tiêu chí về nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất, giáo viên của các trường ĐH, CĐ trước khi cho họ được tuyển sinh. 

GS.TSKH Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội, khi Bộ GD-ĐT giao quyền tự chủ cho các trường ĐH, CĐ thì phải gắn với quyền tự chịu trách nhiệm. Với những gì được giao, các trường sẽ phải đảm bảo chất lượng đào tạo và tự chịu trách nhiệm trước những hệ quả đào tạo của mình đối với xã hội. 

Cùng quan điểm này, GS.TSKH Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn Hóa-Giáo dục-Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, việc giao quyền tự chủ cho các trường ĐH, CĐ phải dựa trên sự quản lý, năng lực, chất lượng hoạt động thực sự của các trường như thế nào. Như vậy là trường nào có chất lượng giáo dục tốt, khả năng tài chính thì sẽ được giao quyền tự chủ nhiều hơn và ngược lại.

Đào tạo ở trong trường ĐH phải đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của xã hội (ảnh minh họa)

Đào tạo ở trong trường ĐH phải đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của xã hội (ảnh minh họa)

Thực tế đã cho thấy, những trường không tuyển đủ thí sinh hoặc không có người học đã cho thấy, xã hội, người học không thừa nhận chất lượng giáo dục của họ. Bởi vậy, những trường này cần phải nghĩ tới việc phải tự đổi mới, cải tiến chất lượng. Nếu không họ tự bị sàng lọc một cách tự nhiên, chứ không cần các cơ quan quản lý về giáo dục phải giải quyết. 

“Hiện tại, chúng ta không thể đổ đồng giao quyền tự chủ cho các trường ngay cùng một lúc vì phải xem xét quá trình hoạt động cho các trường như thế nào. Có như thế thì các trường mới tự cạnh tranh để tồn tại và nâng cao chất lượng vì người học”- ông Đào Trọng Thi nói. 

Bộ GD-ĐT phải quản lý và chịu trách nhiệm trước xã hội

Tại cuộc họp giao quyền tự chủ đối với các trường đại học công lập, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Giao quyền tự chủ gắn với tự chịu trách nhiệm cho các trường đại học là một khâu đột phá để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nêu rõ, giao quyền tự chủ phải gắn liền với trách nhiệm, mà trước hết là chấp hành đúng pháp luật, đúng điều lệ, đúng quy chế, quy định và chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm đào tạo. Cùng với đó, công tác quản lý Nhà nước phải được tăng cường, đặc biệt là việc kiểm tra, giám sát quá trình chấp hành các quy định trong tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

Theo nhiều chuyên gia giáo dục, trong quá trình các trường hoạt động, Bộ GD-ĐT hay các đơn vị có thẩm quyền quản lý cũng phải có trách nhiệm theo dõi chặt chẽ. Trường nào vi phạm các tiêu chuẩn đã quy định thì phải bị xử lý, thậm chí là đình chỉ hoạt động.

Ông Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập nêu ý kiến, để quản lý hoạt động của các trường, Bộ GD-ĐT không nên ôm đồm quản lý nhiều trường ĐH, CĐ mà chỉ nên quản lý những trường trọng điểm, còn những trường còn lại nên thành trường ngoài công lập và để cho các Hội đồng quản trị của các trường ĐH, CĐ ngoài công quản lý, chịu toàn bộ trách nhiệm hoạt động.

Việc giao quyền tự chủ cho các trường phải gắn với trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân cụ thể, không thể chung chung. Trách nhiệm đó phải gắn bó mật thiết với quyền lợi của người học, vì nguồn nhân lực của quốc gia.

GS.TSKH Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa-Giáo dục-Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, giáo dục không thể đem ra kinh doanh mà phải lấy chất lượng đào tạo đặt lên hàng đầu. Trách nhiệm cam kết đảm bảo chất lượng không chỉ đứng từ phía các trường ĐH, CĐ mà Bộ GD-ĐT cũng phải tăng cường quản lý và chịu trách nhiệm trước xã hội nếu để cho những trường không đủ tiêu chí tự chủ mà vẫn cho thực hiện. Vì thế, cần quy định trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị một cách cụ thể.

Để tránh những tổn thất cho xã hội và về phía người học, Bộ GD-ĐT phải cương quyết cho giải thể trường nào không đảm bảo chất lượng. Chúng ta chỉ nên để tồn tại những trường ĐH, CĐ chất lượng, vì nguồn lực xã hội, vì lợi ích của người học, chứ không thể để các trường tồn tại bằng mọi giá.

Ông Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT khẳng định, việc giao quyền tự chủ cho các nhà trường là việc quan trọng để đổi mới cơ bản, toàn diện giáo dục đào tạo. “Bộ giao quyền cho nhà trường tuyển sinh phù hợp, chứ không thể chỉ có một thước đo như bấy lâu nay chúng ta vẫn làm. Tự chủ tuyển sinh, có nghĩa là các trường có nghĩa vụ tuyển sinh theo luật định, trường “phải làm” chứ không phải “xin làm”. Bộ GD-ĐT khuyến khích, tạo điều kiện cho các trường tự chủ tuyển sinh.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, để việc tuyển sinh chuyển từ Bộ tổ chức sang các nhà trường tự chủ, cần phải tuân theo những nguyên tắc để việc tuyển sinh diễn ra thực sự an toàn, không gây lo lắng cho phụ huynh và học sinh.

“Bộ GD-ĐT tạo chỉ làm nhiệm vụ quản lý Nhà nước trong thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát để việc tự chủ tuyển sinh diễn ra an toàn, nghiêm túc nhất. Các trường tự chủ tuyển sinh phải cam kết không có việc cá nhân hoặc các tổ chức của trường đứng ra tổ chức luyện thi tràn lan”- Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhấn mạnh. 

Cùng với đó phải tạo điều kiện tối đa cho học sinh, không để xảy ra tiêu cực. Các trường này cũng phải thực hiện chế độ thông tin báo cáo kịp thời và phối hợp với các cơ quan chức năng để thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát. Bên cạnh đó, đề án tuyển sinh của trường phải công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để xã hội biết và lựa chọn. Bộ GD-ĐT có nhiệm vụ thẩm tra, xác nhận đề án của các trường để có quyết định trường đó có được tự chủ hay không. 

Việc giao quyền tự chủ cho các trường ĐH, CĐ nằm trong lộ trình Đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam nói riêng và Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nói chung. Đây là sự thay đổi tác động lớn đến toàn thể xã hội, từng người học và nguồn nhân lực của đất nước trong tương lai nên cần phải được chuẩn bị kỹ lưỡng, để tránh vấp phải những sai lầm mà chúng ta đã vấp phải trong buông lỏng quản lý một số hệ đào tạo mà bị thị trường lao động “quay lưng”, để rồi thiệt hại và tổn thất lớn nhất lại là thế hệ trẻ của đất nước.

Giao quyền tự chủ toàn diện cho các trường ĐH, CĐ là xu thế tất yếu để phát triển giáo dục và hội nhập với nền quốc tế. Dù biết rằng, đối với Việt Nam, chặng đường để các trường tự chủ còn nhiều gian nan nhưng vẫn phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện vì sự phát triển chung và đảm bảo nguồn nhân lực của đất nước. 

Xin được khép lại loạt bài viết này bằng lời khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Cần triển khai mạnh hơn, rộng hơn giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường ĐH, không chỉ tiết kiệm ngân sách Nhà nước mà còn tạo nền tảng, tạo động lực và là khâu đột phá nâng cao chất lượng đào tạo ĐH, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế./. 

Bích Lan-Kim Anh-Minh Hòa/VOV

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc