Nhà Chu kéo dài suốt 800 năm, là Triều đại lâu dài nhất Trung Hoa và là một trong những Triều đại lâu nhất trên thế giới. Một Triều đại tồn tại lâu dài hẳn phải có một gốc rễ vững chắc.
Trước khi nhà Chu được thành lập thì có đến 3 đời Tộc trưởng đều là những thủ lĩnh nhân nghĩa đến mức cảm động những Bộ tộc, họ đều vì cảm động trước nghĩa cử cao quý mà xin được gia nhập vào bộ tộc Chu kiến Bộ tộc ngày càng lớn mạnh, tiền thân cho việc lập ra nhà Chu sau này.
Làm việc đại thiện tất gặp thiện báo
Thái Khương hỗ trợ cho chồng rất nhiều, cả hai vợ chồng đề lấy nhân đức trị vì nên bộ tộc Chu ngày càng hưng thịnh và giàu có. Các Bộ tộc bên cạnh như tộc Nhung, Địch và Đổng Dục liên tục đến quấy nhiễu ra yêu sách đòi của cải. Dân chúng đều giận muốn chống lại, nhưng Cơ Đản Phủ là người nhân nghĩa không muốn chiến tranh vì sẽ chết rất nhiều người, vì thế mà quyết định đưa Bộ tộc mình đến Kỳ Sơn.
Là người nhân đức, Thái Khương đồng ý với quyết định của chồng, động viên dân chúng cùng ra đi tìm vùng đất mới.
Việc vợ chồng Cơ Đản Phủ và Thái Khương xây dựng Bộ tộc giàu có, trước những yêu sách cướp của vô lý ngang ngược cũng không muốn tranh cãi hay gây chiến tranh mà chọn cách đưa cả Bộ tộc đi nơi khác truyền đi khiến rất nhiều người cảm động.
Vì thế khi tộc Chu đất Kỳ Sơn, rất nhiều Bộ tộc xung quanh đã nghe tiếng liền đến xin quy phục. Cơ Đản Phủ thu nhận các Bộ tộc nơi đây tổ chức làng ấp, dùng đức trị vì khiến bộ tộc Chu ngày càng phồn thịnh, còn hơn cả khi còn ở Đất Mân, đây quả đúng là làm việc Thiện được Thiện báo. Dân chúng ấm no hạnh phúc làm rất nhiều thơ và nhạc ca ngợi thủ lĩnh Cơ Đản Phủ
Thái Khương sinh được 3 người con trai là Thái Bá, Trọng Ung và Quý Lịch. Bà là người Trung trinh lại thẳng thắn dạy con không chút sai sót, 3 người con lớn lên đều là những người nhân nghĩa.
Cơ Đản Phủ thấy người con trai út là Cơ Qúy Lịch rất thông minh, tất làm được việc lớn, lại thấy con của Qúy Lịch là Cơ Xương là đứa trẻ thông minh, nên muốn truyền ngôi cho con út, nhưng lại khó khăn vì theo tập tục ngôi thủ lĩnh truyền cho con trưởng.
Hai người con lớn là Thái Bá và Trọng Ung biết ý cha nên quyết định đến khai khẩn ở vùng Thái Hồ (năm giữa 2 tỉnh Giang Tô và Chiết Giang ngày nay) để cha mình không gặp khó khi truyền ngôi cho Qúy Lịch, hai anh em trở thành người sáng lập nước Ngô sau này.
Con cháu nhà Chu sau này phong cho Cơ Đản Phủ là Chu Thái Vương. Sau khi Cơ Đản Phủ mất, con út là Cơ Qúy Lịch lên thay. Lúc này bộ tộc Chu đã lớn mạnh và trở thành một nước nhỏ thuộc triều đại nhà Thương.
Dù là nước nhỏ, nhưng dưới thời Cơ Qúy Lịch, nước Chu ngày càng được mở rộng và hùng mạnh.
Thái Nhậm dạy dỗ con thành người tài đức
Vợ của Cơ Qúy Lịch là Thái Nhậm vốn xuất thân từ bộ tộc Chí Nhậm, bà là người đoan trang lại thành thật, sống rất có đạo lý và đức hạnh.
Thời đấy vốn quan niệm rằng phụ nữ khi mang thai mắt không xem tà sắc, tai không nghe tiếng dâm loạn, đêm nghe người đọc sách Thánh Hiền, nói điều đứng đắn. Như vậy mới sinh được con có mặt mũi đoan trang, tài đức hơn người.
Người mẹ mang thai cần tiếp nhận những tín tức thiện thì sinh ra con mới thiện, nếu người mẹ tiếp nhận những tín tức ác không tốt thì đứa con sinh ra cũng như thế.
Thái Nhậm hiểu được đạo lý này nên khi mang thai, muốn con mình nhận được những điều tốt đẹp và trở thành bậc quân vương tài đức, bà thực hiện mắt không xem việc ác, tai không nghe việc tà dâm, miệng không nói lời ngạo mạn.
Chính vì thế mà khi Cơ Xương ra đời, ngay từ nhỏ đã thể hiện là đứa trẻ rất thông minh và tài năng hơn người. Thái Nhậm dạy học cho con khi còn nhỏ nhưng Cơ Xương học 1 biết 10, tiếp thu rất nhanh.
Trong “Liệt nữ truyện” cũng mô tả rằng “Thái Nhậm là vợ Cơ Quý Lịch, khi bà mang thai thì mắt không nhìn những cảnh xấu xa, miệng không nói lời ngạo mạn, nằm ngủ tư thế ngay ngắn đoan chính, cũng coi trọng thế đứng dáng ngồi. Bởi giữ gìn như vậy cho nên con của bà, chính là Chu Văn Vương sau này, ngay khi còn nhỏ đã có tài năng phẩm hạnh hơn người, trí tuệ thông minh”.
“Đất lành chim đậu” nhân tài đều theo về
Sau khi Qúy Lịch mất, Cơ Xương lên ngôi hiệu là Văn Vương, xua đuổi các thế lực dị tộc lân cận, chỉnh đốn nội chính, đối với dân chúng thì vô cùng nhân từ, giảm bớt tô thuế cho dân chúng.
Văn Vương hay mặc quần áo bình dân ra đường để tìm hiểu đời sống dân chúng nhằm có chính sách hợp lý giúp dân có cuộc sống ấm no hạnh phúc, ông thường ra đồng cùng nông phu khai khẩn đất đai, quan tâm đến bệnh tật đời sống của những người dân bình dị nhất.
Một lần Văn Vương gặp Thái Tự ở Cáp Dơ bên sông Vị Thủy, mới gặp Văn Vương đã cảm mến vì nét mặt nhân hậu, tìm hiểu kỹ hơn thì biết đây là con gái của bộ tộc Hữu Sằn, rất hiền lành, sinh hoạt chi tiêu giản dị lại rất khoan dung đức độ.
Biết đây là người con gái hợp với mình nên Văn Vương đem lời cầu hôn. Nhưng do sông Vị Thủy không có cầu, nên Văn Xương phải cho các thuyền nhỏ nối tiếp nhau tạo thành cầu nổi rồi đích thân sang bờ bên kia cầu hôn Thái Tự.
Thái Tự về nhà chồng, rất ngưỡng mộ tổ mẫu Thái Khương và mẹ chồng Thái Nhậm, kế thừa đức hạnh của họ, Thái Tự chăm lo việc nhà và hỗ trợ chồng trong việc trị quốc.
Sau khi sinh con Thái Tự chăm lo giáo dục con cái thành những người hiền đức, quản lý việc nhà gọn gàng ngăn nắp để Văn Vương yên tâm trị quốc. Thái Tự được tôn xưng là Văn Mẫu, được khen tụng là “Văn Vương quản lý bên ngoài còn Văn Mẫu quản lý bên trong”.
Trong “Liệt nữ truyện” mô tả rằng: “Thái Tự là phu nhân của Văn Vương, càng thêm hiền thục. Bà vô cùng ngưỡng mộ danh tiếng đạo đức của tổ mẫu Thái Khương và mẹ chồng Thái Nhâm, lại kế thừa đức hạnh của họ. Bà cần kiệm chăm lo việc nhà, tương trợ chồng giáo dục con cái, toàn lực hiệp trợ Văn Vương, xử lý việc trong nội viện gọn gàng ngăn nắp, để cho Văn Vương có thể chuyên tâm trị vì quốc gia, thi hành chính sách có lợi cho dân, giáo hóa đại chúng. Thái Tự được tôn xưng là “Văn Mẫu”, được khen tụng là “Văn Vương cai trị bên ngoài, mà Văn Mẫu cai trị nội các bên trong”.
Văn Xương dùng nhân đức và tấm lòng từ bi trị quốc rất tốt, giúp nước Chu có hình ảnh đối nghịch với nhà Thương dưới sự thống trị tàn bảo của Trụ Vương. Nhiều người ở các nước láng giềng phải chạy đến nương nhờ nước Chu.
Đất lành chim đậu, nhiều nhân tài cũng tìm đến nước Chu, điển hình phải kể đến Lã Vọng tức Khương Tử Nha, người sau này lĩnh ấn tướng soái tụ hợp nhân tài cầm quân đến nhà Thương thảo phạt Trụ Vương.
Sau khi Cơ Xương mất, con trai là Cơ Phát lên thay, lúc này nước Chu đã vô cùng hùng mạnh, nhân tài theo về rất đông. Khương Tử Nha dẫn quân thảo phạt Trụ Vương thành công. Cơ Phát lên ngôi Vua hiệu là Chu Vũ Vương sáng lập ra Triều đại nhà Chu kéo dài suốt 800 năm.
Ba đời Cơ Đản Phủ, Cơ Qúy Lịch, Cơ Xương đều dùng nhân đức trị quốc, lại được 3 người vợ người mẹ là Thái Khương, Thái Nhậm, Thái Tự dạy dỗ con cái có chuẩn mực, giúp con cái trở thành những người nhân đức tài giỏi trong thiên hạ. Đây chính là nền tảng giúp nhà Chu kéo dài suốt 800 năm lịch sử.
Cả ba người phụ nữ trở thành hình mẫu, bậc mẫu nghi thiên hạ để người người noi theo, đời đời ca tụng gọi là “Chu thất tam mẫu”
Thái Khương, Thái Nhậm và Thái Tự hợp thành “tam Thái”, hậu thế thường dùng từ “Thái Thái” để chỉ những người phụ nữ có tuổi nhưng đức hạnh./.
Trần Hưng
Theo trithucvn.org
Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!