Home » Tiêu biểu sideshow, Xã hội » Lại cò kè, nông dân Cần Giờ ‘hẹn gặp’ Vedan tại Tòa

Vedan đề nghị bồi thường nông dân Cần Giờ chỉ 16 tỷ đồng. Hội Nông dân TP.HCM quyết kiện Vedan ra toà.

Vedan quyết chỉ bồi thường 16 tỷ đồng

Ngày 22/7, lần họp cuối cùng để Hội nông dân TP.HCM và Công ty Vedan chốt hạ mức bồi thường thiệt hại cho nông dân huyện Cần Giờ. Mở đầu cuộc họp, ông Nguyễn Văn Phụng, Chủ tịch Hội nông dân TP.HCM đề nghị phía Vedan đi thẳng vào cuộc họp, không giải thích thêm các vấn đề về ô nhiễm môi trường, xả thải lòng vòng như các lần trước… “Đây là lần họp bàn cuối cùng. Nếu không chúng ta sẽ gặp nhau ở Toà án thay vì cứ dây dưa kéo dài mà không đi đến kết quả” – ông Phụng lên tiếng.

Tuy nhiên, một lần nữa Vedan cho rằng mấu chốt quan trọng của số tiền bồi thường là mật độ cá trên km2. Vì thế, con số sản lượng cá 77 tấn/km2 mà UBND huyện Cần Giờ đưa ra không có cơ sở thực tế. Con số 14,7 tấn/km2 mà Vedan đưa ra căn cứ vào sản lượng nuôi trồng và đánh bắt cá hàng năm trên sông Hồng và sông Mêkong.

Ngay lập tức, ông Đoàn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ phản ứng: Cách tính dựa vào sản lượng tôm cá trên sông Hồng, sông Mêkong là không có cơ sở tính toán cho sông Thị Vải dù Vedan có nhân hệ số lên gấp nhiều lần.

Vedan chỉ chấp thuận bồi thường nông dân Cần Giờ 16 tỷ đồng. Ảnh: Thái Phương

Thay mặt cho những nông dân- nạn nhân của Vedan, ông Phụng cho rằng nếu Vedan muốn đưa ra mức bồi thường thấp hơn (45,7 tỷ đồng), ông ghi nhận để báo cáo lại người dân Cần Giờ.

Đại diện Vedan nói công ty chỉ có thể bồi thường trong khoảng 15 – 16 tỷ đồng. Vedan muốn thương lượng để đưa ra ý kiến thống nhất từ hai bên chứ không phải cò kè, trả giá…

Đại diện Vedan nói thêm:Không chỉ riêng tại TP.HCM, các nhà đầu tư của Vedan ở Hồng Kông cũng chỉ trích việc kinh doanh của công ty. Vì thế, mức bồi thường phải phù hợp trong khả năng thì công ty mới chấp nhận.

“Bồi thường 45,7 tỷ đồng đã là rất khiêm tốn”

Ông Phụng cho rằng ban đầu Vedan đưa ra mức bồi thường 7 tỷ đồng, đến cuộc họp ngày 20/7 là 12 tỷ đồng và hôm nay (22/7) lại tiếp tục mặc cả 16 tỷ đồng. Điều này thể hiện trách nhiệm chưa cao và không thiện chí của phía Vedan.

“Con số yêu cầu bồi thường 45,7 tỷ đồng là do Viện Môi trường và Tài nguyên tính toán dựa trên cơ sở khoa học. Con số này đã rất khiêm tốn so với thiệt hại 107 tỷ đồng mà nông dân Cần Giờ gánh chịu. Trong khi đó, nông dân Cần Giờ rất bức xúc vì thời gian xử lý sự việc kéo dài” – ông Trần Văn Làm, Uỷ viên Ban thường vụ Hội Nông dân Việt Nam nói.

510221206_images2003758_3
Ông Phụng khẳng định kiện Vedan đến cùng và mức bồi thường sẽ do TAND huyện Cần Giờ phán quyết. Ảnh: Thái Phương

Theo ông Làm, trước đây nông dân Cần Giờ đánh bắt 1 ngày 4-5 kg tôm, thu nhập khoảng 1 triệu/ngày. Xã Cần Thạnh, huyện Cần Giờ trước đây là xã giàu nhất huyện nhờ nghề đánh bắt tôm cá, giờ trở nên nghèo xơ xác từ khi sông Thị Vải bị Vedan “giết” chết. Nhận số tiền bồi thường, hỗ trợ từ Vedan nhưng họ có thể làm gì để sinh sống.

Lại một lần nữa, đại diện Vedan “xin” thêm 1 tuần nghiên cứu tài liệu mà huyện Cần Giờ cung cấp. “Tại cuộc họp hôm nay, chúng tôi chỉ có thể đồng ý 16 tỷ đồng. Trước ngày 28/7, Vedan sẽ có công văn chính thức cho UBND TP.HCM về mức bồi thường cuối cùng” – đại diện Vedan nói.

Chủ tịch Hội Nông dân TP khẳng định không tổ chức thêm bất cứ cuộc họp nào nữa mà hẹn gặp Vedan tại Toà án.

“Vũ khí mật” của nông dân Cần Giờ

7392072_images2003857_ongphung
Ông Nguyễn Văn Phụng.

Ông Nguyễn Văn Phụng, Chủ tịch Hội Nông dân TP.HCM cho biết:

“Chúng tôi đã hoàn tất hồ sơ khởi kiện”.

Ông Phụng nói dù đồng ý ngồi bàn thương lượng nhưng hồ sơ khởi kiện vẫn được chuẩn bị. Hiện mọi thủ tục như đơn khởi kiện, giấy uỷ quyền, công chứng… đều đã xong. TAND huyện Cần Giờ cũng đã được thông báo về vụ kiện.

Đến cuối tháng 7/2010, chậm nhất là đầu tháng 8/2010, chúng tôi sẽ gởi đơn. Mức bồi thường mà nông dân yêu cầu TAND Cần Giờ giải quyết là 107 tỷ đồng (thay vì 45,7 tỷ đồng) bởi đây là thiệt hại thực tế của người dân.

Để chuẩn bị cho vụ kiện Vedan, UBND huyện Cần Giờ đã thu thập nhiều tài liệu liên quan đến sản lượng tôm cá trước và sau khi Vedan lập công ty, hoạt động ở Bà Rịa – Vũng Tàu.

Các tài liệu này đang thuộc dạng “mật” nên chưa công bố. Đây được xem là những bằng chứng giúp nông dân Cần Giờ thắng kiện khi ra toà

Theo vietnamnet, timnhanh.com


Comments are closed.