Home » Tiêu biểu sideshow, Xã hội » Nước thừa nhưng dân vẫn “khát”
TT – Nhà máy nước BOO Thủ Đức được đưa vào vận hành giúp tổng công suất phát nước tại TP.HCM tăng lên (gần 1,6 triệu m3/ngày). Nguồn nước dư thừa nhưng người dân tại nhiều khu vực chưa được dùng, nhiều nhà máy phải giảm công suất phát nước.

Bà Huỳnh Thị Ngọc Anh (ở khu phố 5, P.Hiệp Bình Phước, Q.Thủ Đức, TP.HCM) hằng ngày chở từng can nước để bán lại cho những hộ dân không có điều kiện trực tiếp đi mua nước máy, mặc dù Q.Thủ Đức được coi là khu vực đầu nguồn - Ảnh: Q.KHẢI

Những khu vực từng là cuối nguồn, phải dùng bơm hút mới có nước thì nay trở thành những khu vực đầu nguồn, ngược lại người dân ở khu vực được coi là đầu nguồn phải thức khuya dậy sớm mua từng can nước sạch.

Cuối nguồn dư dả

Ngày 15-9, ông Trương Khắc Hoành – phó tổng giám đốc Nhà máy nước BOO Thủ Đức – cho biết nhà máy đã phát gần 280.000m3/ngày và sẵn sàng phát hết công suất thiết kế 300.000m3/ngày theo yêu cầu của Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco). Như vậy, tình trạng thiếu nước sạch tại khu vực huyện Nhà Bè cơ bản được giải quyết.

Khi chúng tôi trở lại Nhà Bè, tình trạng người dân phải xếp hàng mua nước máy tại các điểm đặt bồn, việc vận chuyển nước qua xe bồn, sà lan không còn nữa. Nhiều người rất vui khi đưa tay vặn vòi là nước máy tuôn ra ào ạt.

Bà Huỳnh Thị Thu Tâm (40/9 Huỳnh Tấn Phát, KP6, thị trấn Nhà Bè) chia sẻ: “Tôi sống ở Nhà Bè 48 năm rồi mà chưa khi nào thấy nước máy chảy mạnh như vậy. Nước chảy lên tới lầu 2”.

Theo ông Nguyễn Doãn Xã – phó giám đốc Công ty cổ phần Cấp nước Nhà Bè, mặc dù nguồn nước dồi dào nhưng hiện tỉ lệ hộ dân được cấp nước sạch tại Nhà Bè chưa cao (chiếm 75%). Vì vậy, việc phát triển mạng lưới gắn thêm đồng hồ mới là nhiệm vụ then chốt của công ty. Dự kiến từ nay đến cuối năm, Công ty cổ phần Cấp nước Nhà Bè sẽ gắn thêm 2.000 đồng hồ nước và năm 2011 gắn mới 7.000 đồng hồ.

Đầu nguồn chịu khát

Trái ngược với hình ảnh người dân Nhà Bè, hàng ngàn hộ dân tại khu phố 4, 5, 6, phường Hiệp Bình Phước, Linh Xuân (Q.Thủ Đức), P.16 (Q.Gò Vấp)… phải mua nước máy hoặc nước đóng bình để sử dụng hằng ngày, trong khi những khu vực trên được coi là đầu nguồn.

Bà Trịnh Thị Hoa (1A đường số 3, KP5, P.Hiệp Bình Phước) than thở: “Hôm nào dậy trễ khoảng 8g-9g sáng là không còn nước để mua. Trong khi nhiều khu vực khác đã được cấp nước máy, khu tôi chờ mòn mỏi nhiều năm qua nhưng chưa thấy động tĩnh gì”. Hàng loạt hộ dân ở đường số 3 phải đi mua nước từ lúc gà gáy sáng. Hầu như nhà nào cũng phải tự chế hoặc mua một chiếc xe kéo, một thùng phuy để mua nước hằng ngày. Có thời điểm giá nước ở đây bị đẩy lên hơn 100.000 đồng/m3.

Trong khi đó nhiều người dân tại các hẻm đường Lê Đức Thọ, P.13, P.16, Q.Gò Vấp phải sử dụng nước giếng kém chất lượng. Vì vậy, nước nấu ăn và uống phải mua nước đóng bình. Khổ nhất có lẽ là người dân tại P.Linh Xuân (Q.Thủ Đức) – nằm cách Nhà máy nước Thủ Đức không xa nhưng nhiều năm qua chưa một hộ dân nào của phường này được cấp nước sạch.

Chi nhánh cấp nước Tân Hòa phối hợp với UBND P.Phú Thọ Hòa, Q.Tân Phú tổ chức nhận hồ sơ xin gắn mới đồng hồ nước chỉ trong một ngày nên gần trăm hộ dân bỏ công ăn việc làm đến phường để làm hồ sơ. Theo ông Trương Văn Quang – phó chủ tịch UBND P.Phú Thọ Hòa: “Hầu như qua cuộc họp nào người dân cũng kiến nghị sớm được cấp nước sạch. Nhưng đến nay chỉ hơn 62% người dân của phường (9.000 hộ dân) được cấp nước sạch. Hiện còn ba khu phố người dân phải sử dụng nước giếng”.

Thiếu vốn

Theo các công ty cổ phần, chi nhánh cấp nước, việc chậm phát triển mạng lưới gắn đồng hồ nước cho khách hàng chủ yếu do thiếu vốn. Mặt khác, nhiều đơn vị e ngại khi chọn đầu tư những khu vực vùng ven vì số lượng dân cư ít nhưng vốn đầu tư bỏ ra nhiều, chậm thu hồi vốn. Để giúp Sawaco có thêm nguồn vốn đầu tư, UBND TP.HCM đã chấp thuận cho tăng giá nước từ ngày 1-3-2010, thế nhưng đến nay việc gắn mới đồng hồ nước vẫn còn chậm trong khi nguồn nước đã dồi dào. Năm 2009, nguồn nước chỉ tăng thêm khoảng 100.000m3/ngày nhưng số lượng đồng hồ nước được gắn mới hơn 176.000 cái. Qua năm 2010, nhà máy nước BOO phát thêm gần 180.000m3/ngày nhưng Sawaco chỉ gắn mới khoảng 61.000 đồng hồ. Trong khi nguồn nước dư thừa nhưng nhiều nơi dân vẫn chưa có nước dùng.

Lỗ chồng lỗ

Kể từ khi Nhà máy nước Tân Hiệp thuộc Sawaco (công suất 300.000m3/ngày) hoạt động vào tháng 6-2004 thì năm sau nhà máy này mới phát hết công suất theo nhu cầu và tiến độ phát triển mạng lưới.

Thế nhưng từ khi Nhà máy nước BOO Thủ Đức phát nước tháng 5-2009 gần 100.000m3/ngày thì chỉ hơn một năm sau, Sawaco mua lại gần như toàn bộ lượng nước phát của nhà máy này.

Trong một thời gian ngắn như trên, để tiêu thụ hết lượng nước phát của Nhà máy nước BOO Thủ Đức, Sawaco buộc phải giảm sản lượng nhà máy nước của mình. Khi Nhà máy nước BOO Thủ Đức phát nước thì Nhà máy nước Thủ Đức phải giảm sản lượng từ 791.000m3/ngày (thời điểm tháng 4-2009) xuống còn 752.000m3/ngày và hiện nay duy trì ở mức 759.000m3/ngày. Nếu Nhà máy nước BOO Thủ Đức tiếp tục tăng công suất 300.000m3/ngày, nhiều khả năng Sawaco tiếp tục giảm thêm công suất của nhà máy mình. Giá thành sản xuất của Nhà máy nước Thủ Đức (hết thời gian khấu hao) rẻ hơn giá thành của Nhà máy nước BOO Thủ Đức. Rõ ràng trong thương vụ mua bán với Công ty cổ phần nước BOO Thủ Đức (chủ đầu tư dự án Nhà máy nước BOO Thủ Đức), Sawaco đã bị lỗ chồng lỗ.

Theo TuoiTre

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc