Home » Xã hội » Điện, nước căng thẳng vì thời tiết bất thường
Nỗi lo thiếu nước cho nông nghiệp, sản xuất điện sẽ còn kéo dài bởi mùa khô năm 2010-2011 sẽ tiếp tục xảy ra trên diện rộng.

Trong khi các tỉnh Bắc Trung bộ phải hứng chịu cơn lũ lịch sử thì tình trạng khô hạn tại phía tây Bắc bộ, Tây Nguyên, Nam Bộ… thời gian qua đã gây nhiều khó khăn cho nông nghiệp, sản xuất điện và sẽ còn chất thêm gánh nặng cho các lĩnh vực này trong thời gian tới.

Tại buổi tọa đàm do Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức vừa qua với chủ đề “Diễn biến phức tạp của thời tiết và vụ đông xuân 2010 – 2011, sản xuất điện mùa khô 2011”, các nhà quản lý, chuyên gia đã cung cấp thông tin về diễn biến phức tạp của thời tiết thời gian qua cũng như tác động của nó tới sản xuất của một số ngành, lĩnh vực.

Các hồ chứa ” khát nước”

Đó là tình trạng thiếu mưa và khô hạn phổ biến trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt ở phía tây Bắc Bộ và Tây Nguyên.

“Nhiều trị số thấp nhất lịch sử đã xảy liên tiếp trong nhiều tháng trên các sông Đà, sông Lô và hạ lưu sông Hồng, sông Thái Bình”, bà Đặng Thanh Mai, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết.

Theo bà Mai, thời gian qua, mực nước trên nhiều sông xuống thấp và đạt mức khô cạn lịch sử.

Dòng chảy mùa lũ trên hệ thống sông Hồng – Thái Bình toàn mùa ở mức thấp, thấp hơn trung bình nhiều năm (TBNN) từ 17-48% và thấp hơn cùng kỳ năm 2009.

Trong tháng 5, đã xảy ra khô hạn nghiêm trọng ở Tây Nguyên và Nam Bộ và một số nơi ven biển Trung bộ. Gió mùa tây nam hoạt động không mạnh mẽ, và muộn hơn so với TBNN kéo theo mùa mưa ở Tây Nguyên và Nam Bộ hoạt động không đúng quy luật nên không khắc phục được tình trạng thiếu nước ở các khu vực này.

Các hồ chứa thiếu nước nghiêm trọng, mực nước nhiều hồ chứa xuống rất thấp, xấp xỉ mực nước chết. Lưu lượng đỉnh lũ năm đến hồ Hoà Bình (sông Đà) ở mức 4.600m3/s (ngày 25/3) là trị số đỉnh lũ năm nhỏ nhất từ năm 1956 đến nay. Dòng chảy trung bình 9 tháng đầu năm đến hồ Hòa Bình thấp nhất trong chuỗi số liệu quan trắc.

Ông Tạ Hồng Đức, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý Công trình – Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNN) thừa nhận, tình hình thời tiết như diễn biến vừa qua, gây nhiều bất lợi đối với công tác thuỷ lợi và sản xuất nông nghiệp.

Ông Đức cho biết, các hồ chứa thủy lợi, thuỷ điện tích không đầy nước, các hồ thủy lợi thuộc các tỉnh phía Bắc, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ kết thúc mùa mưa chỉ đạt khoảng 70% dung tích thiết kế.

Chi phí chống hạn đã tăng đáng kể cho đầu tư nạo vét kênh trục, xây dựng các công trình tạm, lắp đặt máy bơm dã chiến, diện tích tự chảy giảm cũng khiến tăng chi phí bơm tát, bơm truyền nhiều cấp.

Thiếu nước tưới làm giảm năng suất, sản lượng cây trồng (vùng Đồng bằng sông Hồng khoảng 650 ngàn ha; Đồng bằng sông Cửu Long khoảng 1.400-1.500 ngàn ha).

“Trường hợp không đủ nước làm lúa còn phải chuyển đổi sang trồng cây khác dẫn đến hiệu quả kinh tế thấp. Những khu vực chịu tác động mạnh mẽ nhất là vùng đồng bằng Bắc Bộ và đồng bằng sông Cửu Long”, ông Đức cho biết.

Đề cập tới ảnh hưởng đối với ngành Điện, ông Đặng Hoàng An, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, trong 10 tháng qua, lượng nước về trên các hồ thuỷ điện hụt 34,19 tỷ m3 so với cùng kỳ năm 2009 (cá biệt hồ Hòa Bình hụt 22,3 tỷ m3), tương đương gần 6 tỷ kWh điện.

Tính đến tháng 10/2010, công suất lắp đặt nguồn điện trong hệ thống là 20.630 MW, trong đó công suất nguồn thuỷ điện là 7.431MW, chiếm 36% tổng công suất và 35% sản lượng điện của toàn hệ thống điện.

Ông An cho biết, mực nước các hồ thuỷ điện hầu hết thấp hơn cùng kỳ năm 2009 từ 10 – 25m và còn cách xa mức nước đầy hồ. Muốn tích đầy tất cả các hồ thì cần thêm 13,3 tỷ m3 nước.

“Tình trạng thiếu hụt nước nghiêm trọng khiến sản lượng thủy điện giảm mạnh và là nguyên nhân chính khiến cân đối cung – cầu điện gặp khó khăn và nhiều lúc căng thẳng”, ông An bày tỏ.

Lạnh sớm và khô hạn còn kéo dài

Nỗi lo thiếu nước cho nông nghiệp, sản xuất điện sẽ còn kéo dài bởi theo dự báo bà Đặng Thanh Mai đưa ra, mùa khô năm 2010-2011 sẽ tiếp tục xảy ra trên diện rộng.

Bà Mai cho biết, từ nay đến hết năm 2010 có khả năng còn chịu ảnh hưởng của 2-3 cơn bão và tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ.

Các đợt không khí lạnh có khả năng hoạt động sớm và ảnh hưởng mạnh đến các tỉnh miền bắc vào nửa đầu vụ. Đợt rét đậm đầu tiên có khả năng xảy ra sớm hơn so với TBNN (ngày 26/12).

Tại Bắc Bộ, dòng chảy toàn mùa hạ lưu sông Hồng và sông Thái Bình có khả năng thấp hơn mức TBNN khoảng 30-45%. Mực nước thấp nhất tại trạm thủy văn Hà Nội có khả năng lặp lại giá trị thấp nhất lịch sử đã xảy ra trong năm 2010 ở mức 0,1m và xuất hiện vào tháng 2- 3/2011.

Tại Trung và Nam Trung Bộ, từ tháng 10 đến tháng 12, trên các sông có khả năng xảy ra 2 – 3 đợt lũ, một số nơi có lũ lớn. Dòng chảy trên phần lớn các sông Trung Trung Bộ ở mức xấp xỉ TBNN cùng kỳ, cuối mùa có khả năng thấp hơn TBNN khoảng 20-30%, có nơi trên 30%. Dòng chảy trên các sông Nam Trung Bộ ở mức thấp hơn TBNN từ 10-30%.

Tình trạng thiếu nước, khô hạn xảy ra trên diện rộng ở khu vực Tây Nguyên. Đầu mùa dòng chảy các sông ở Tây Nguyên thiếu hụt so với TBNN trên 30-55%, đến cuối mùa có khả năng thiếu hụt trên 60%.

Tại Nam Bộ, mực nư ớc đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu xuống dần và ở mức rất thấp. Đầu mùa, mực nư ớc ở mức thấp hơn TBNN cùng kỳ từ 0,6-0,9m, các tháng giữa và cuối mùa ở mức thấp hơn TBNN từ 0,3-0,5m.

Bà Mai cảnh báo, các hồ chứa thủy điện lớn có khả năng không tích được đầy hồ, tình trạng khó khăn trong cấp nước và phát điện trong mùa khô năm 2010-2011 sẽ tiếp tục căng thẳng trong nhiều tháng.

Theo Minh Huệ

Chinhphu.vn


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc