Home » Kinh doanh, Tiêu biểu sideshow » Tổng giám đốc quỹ đầu tư đi ‘ngược dòng’
Thành lập quỹ đầu tư vào đúng lúc thị trường chứng khoán khủng hoảng nhưng ông Trần Thanh Tân – Tổng giám đốc Công ty cổ phần quản lý quỹ đầu tư Việt Nam (VFM) lại nhìn nhận đó là thời cơ tốt.

Khi cậu sinh viên trường Đại học Tổng hợp TP HCM – Trần Thanh Tân, bắt đầu làm quen với những môn học về tài chính cũng là lúc kinh tế Việt Nam bắt đầu mở cửa. Làm chủ nhiệm câu lạc bộ kinh tế của trường, Tân có nhiều cơ hội gặp mặt các chuyên gia kinh tế, tài chính có tiếng thời đó như Lâm Võ Hoàng, Trần Tô Tử, Trần Du Lịch… Vị chủ nhiệm câu lạc bộ này cũng mời được các chuyên gia nói trên đến trường nói chuyện về các vấn đề tài chính, chứng khoán – lúc đó còn rất xa lạ với cả sinh viên các trường kinh tế.

Tốt nghiệp đại học năm 1991, Trần Thanh Tân lại có cơ hội gắn bó với ngành tài chính khi được nhận vào làm việc tại Peregrine Capital Vietnam. Đây là một công ty Hong Kong chuyên nghiên cứu các dự án đầu tư vào thị trường vốn và giúp các cơ quan Chính phủ xây dựng mô hình thị trường chứng khoán Việt Nam.

Cũng nhờ vậy, một cậu sinh viên mới ra trường đã có cơ hội tiếp xúc và học hỏi nhiều kiến thức, kinh nghiệm về quá trình cổ phần hóa và thị trường chứng khoán. Đây là điều rất ít người có được vào thời điểm đó khi mà những nền móng sơ khai cho thị trường chứng khoán còn chưa hình thành.

Nhờ những kinh nghiệm và kiến thức “hiếm có, khó tìm” tại Peregrine Capital Vietnam, năm 1994, ông Tân trở thành sáng lập viên của Quỹ đầu tư Dragon Capital cùng 3 người khác và đảm nhiệm vị trí Giám đốc phụ trách Đầu tư và Thị trường vốn.

Năm 2003, thị trường chứng khoán Việt Nam lâm vào tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng, giá cổ phiếu trên thị trường tuột dốc thê thảm, khối lượng giao dịch nhiều phiên chỉ đạt vài tỷ đồng, Vn-Index có lúc chỉ còn 130 điểm. Công ty cổ phần quản lý quỹ đầu tư Việt Nam (VFM) do ông Trần Thanh Tân làm Tổng giám đốc (được Dragon Capital cử sang) ra đời đúng vào thời điểm này.

Vị tổng giám đốc cho biết, không ai muốn chọn thời điểm xấu của thị trường để bắt đầu kinh doanh. Nhưng việc thành lập VFM đã bị trì hoãn nhiều lần bởi các thủ tục pháp lý và đến khi hoàn thành thì gặp ngay lúc khủng hoảng. “Tôi không thể chọn thời điểm thuận lợi hơn cho việc ra đời của VFM nhưng có thể tận dụng cơ hội cho dù nhỏ trong hoàn cảnh đó”, ông Tân nói.

Theo ông Tân, thị trường khủng hoảng là cơ hội để đầu tư với giá rẻ. Ảnh: NVCC

Theo ông Tân, thị trường khủng hoảng là cơ hội để đầu tư với giá rẻ. Ảnh: NVCC


Chỉ vài tháng sau khi VFM được thành lập, quỹ đóng đầu tiên tại Việt Nam – Quỹ đầu tư VF1 với số vốn huy động ban đầu 300 tỷ đồng cũng được ra mắt. Tranh thủ cơ hội khi thị trường giá xuống, ông Tân quyết định giải ngân mạnh vào nhiều cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng. Trong khi đó, hầu hết những nhà đầu tư trên thị trường đều e ngại đổ tiền vào chứng khoán bởi tâm lý quá bi quan.

Chính những khoản đầu tư mang tính chiến lược vào thời điểm thị trường khủng hoảng là nguyên nhân giúp Quỹ đầu tư VF1 có những kết quả kinh doanh đột biến vào những năm sau đó. Vào lúc cao điểm, VFM quản lý tổng giá trị tài sản ròng (NAV) của Quỹ đầu tư VF1 là khoảng 3,000 tỷ đồng (tháng 3/2007) với giá giao dịch của VF1 trên thị trường tăng tới hơn 50.000 đồng mỗi chứng chỉ quỹ.

Vị CEO của VFM tâm sự: “Nhiều người nhìn vào thời điểm thành lập quỹ nói rằng chúng tôi gặp vận xui. Thế nhưng, nếu nhìn ở góc độ khác thì đó là thời cơ tốt để đầu tư với giá rẻ khi thị trường xuống”. Khi thị trường mới mở cửa và liên tục tăng điểm, cứ mua cổ phiếu là lãi to, vai trò của nhà quản lý quỹ không được xem trọng. Thế nhưng khi khủng hoảng, nhiều nhà đầu tư cá nhân rời bỏ thị trường thì vai trò của những tổ chức tài chính như quỹ đầu tư mới nổi lên và cơ hội cho VFM cũng bắt nguồn từ đó, ông Tân phân tích.

Năm 2008, thị trường chứng khoán lại lâm vào khủng hoảng và các quỹ đầu tư do VFM quản lý cũng rơi vào tình cảnh khó khăn nghiêm trọng. Ngoài việc giá của cổ phiếu trong danh mục và chứng chỉ quỹ trên thị trường lao dốc cực mạnh, người đứng đầu VFM cũng đứng trước sức ép rất lớn.

Ông Tân kể lại, năm đó, trong đại hội các nhà đầu tư, một nhà đầu tư lớn tuổi có tâm sự bên lề với lãnh đạo VFM: “Anh Tân ơi, tôi đã bỏ đến đồng tiền hưu cuối cùng dành dụm được vào quỹ đầu tư của anh. Anh bảo là thị trường như vậy thì khó mà làm tốt hơn được, tôi nghĩ cũng đúng. Nhưng anh thì vẫn được hưởng lương như bình thường, còn nhà đầu tư như tôi thì sao?”. Lời tâm sự chân thành của nhà đầu tư này khiến ông Tân rất trăn trở.

Thị trường khủng hoảng giống như trời mưa to, ai cũng sẽ bị ướt. Ảnh: NVCC

Thị trường khủng hoảng giống như trời mưa to, ai cũng sẽ bị ướt. Ảnh: NVCC


Vị lãnh đạo quỹ đầu tư này bộc bạch, thị trường khủng hoảng cũng giống như trời mưa to, ai cũng bị ướt. Nếu là người chuyên nghiệp, chuẩn bị tốt để đối phó tình huống sẽ ít thiệt hại hơn. Thêm vào đó, nếu biết chọn thời điểm đúng để giải ngân thì đây là một cơ hội đem lại lợi nhuận lớn sau đó. Thế nhưng, không phải ai cũng hiểu được điều đó và có thể họ đã bán chứng chỉ quỹ trước khi thành quả thực sự chỉ cách đó không xa.

Một năm sau, trong khi một số công ty và quỹ đầu tư khác chưa vượt qua khỏi cơn khủng hoảng thì các quỹ đầu tư do VFM quản lý lại có một năm thành công lớn. Được sự đồng ý của nhà đầu tư, năm 2009, Quỹ đầu tư VF1 thực hiện chia cổ tức bằng tiền mặt lên tới 22% và 16% cho Quỹ đầu tư VF4 trên mỗi chứng chỉ quỹ. Đây là tỉ lệ chia cổ tức rất cao so vào thời điểm đó.

Tuy nhiên, năm tiếp theo (2010), khi thị trường chứng khoán lại bất ổn, giá của nhiều blue-chip sụt giảm mạnh, các quỹ đầu tư của VFM lại lâm vào khó khăn. Người đứng đầu của VFM cho biết, trong bối cảnh hầu hết nhà đầu tư đều hoảng sợ, giá cổ phiếu xuống mức hợp lý thì đó là cơ hội để đầu tư chờ thị trường phục hồi vào năm 2011. Tuy nhiên, hành động như vậy thường bị xem là “ngược dòng”.

Theo phân tích của vị tổng giám đốc này, các thị trường chứng khoán đều đã có sự phục hồi và tăng trưởng tốt cùng với sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên thị trường Việt Nam đang là một ngoại lệ. Từ đầu năm 2010 đến thời điểm này, tại thị trường khu vực, trong khi chứng khoán Malaysia tăng khoảng 20%; Thái Lan, Indonesia, Philipines tăng khoảng 40% thì Việt Nam giảm khoảng 15%.

Sự suy giảm này có phần tác động bởi các biến động của kinh tế vĩ mô nhưng với diễn biến hiện tại, thị trường đang hướng tới một giai đoạn tăng trưởng mới vào nửa cuối năm sau khi các điều chỉnh vĩ mô đang đi đúng hướng, ông Tân nhận xét.

Vị tổng giám đốc từng trải qua nhiều sóng gió với thị trường chứng khoán Việt Nam nói: “Hôm nay có vẻ mọi việc đang rất xấu tưởng rằng đang ở bờ vực thẳm thì bỗng ngày mai người ta lại nhìn thấy thiên đàng. Đây chính là điều làm nên vẻ đẹp của thị trường chứng khoán bởi tính bất ngờ và khó dự báo”.

Tuy nhiên, ngoài những vẻ đẹp bất ngờ của chứng khoán, người đứng đầu VFM cũng từng hứng chịu những cơn thịnh nộ dữ dội của thị trường này. Ông Tân đã có 3 lần phải đưa vợ con ra nước ngoài để lánh nạn bởi những đe dọa nặc danh đến từ một vài nhà đầu tư thua lỗ nặng vì mua chứng chỉ quỹ do VFM quản lý.

Chia sẻ về những kinh nghiệm “vượt bão” của mình, ông Tân cho rằng, ngoài sự tận tụy và cố gắng hết mình thì yếu tố quan trọng là sự minh bạch. Nếu thị trường khó khăn, mình biết nhận sai và công khai với nhà đầu tư về cả mặt tốt và mặt xấu khi đưa ra quyết định thì người làm quản lý mới mong nhà đầu tư hiểu, chấp nhận và kỳ vọng một tương lai tốt hơn.

Khi nói về những yếu tố thành công trong ngành tài chính, chứng khoán, vị tổng giám đốc này đề cập tới yếu tố may mắn và sự chia sẻ. “Tôi thấy có rất nhiều người tài giỏi và thông minh nhưng chưa thành công vì thiếu yếu tố nhỏ là sự may mắn. Còn đối với những người thành công nếu thiếu đi sự chia sẻ một phần trách nhiệm với xã hội thì thành công cũng khó kéo dài”, chuyên gia này bộc bạch.

Có lẽ cũng vì lý do này mà tổng giám đốc của VFM thường cùng vợ và các con thường xuyên tự thực hiện những hoạt động xã hội. Vợ chồng ông Tân cùng những người bạn thành lập quỹ từ thiện nhỏ như là nhà tài trợ chính của chương trình học bổng cho các bé gái do báo Phụ Nữ TP HCM tổ chức và cùng giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, cơ nhỡ.

Những lần như vậy đem lại cho ông Tân và gia đình những niềm vui rất lớn. Ông tâm sự: “Khi nhìn thấy một khuôn mặt rạng rỡ, một ánh mắt vui mừng từ những người mình đến tặng quà, tôi và những người thân trong gia đình vui suốt cả ngày. Chính sự chia sẻ qua những chuyến đi thiện nguyện là yếu tố giúp tôi về lại trạng thái cân bằng sau những sóng gió trên thị trường chứng khoán”.

Hoàng Ly

Theo VnEpress

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc