Home » Sức khỏe » Trí thức tương lai, cơm 3.000 đồng/bữa
Với những chiêu “siêu tiết kiệm”, đời sống sinh viên thời “bão giá” nghe cứ như chuyện hài!

Giá cả nhu yếu phẩm trên thị trường tự do đang vùn vụt tăng khiến cuộc sống sinh viên ngoại tỉnh lên Hà Nội trọ học càng thêm khó khăn hơn. Để đương đầu với “bão giá”, hầu hết họ đều thực hiện phương án giảm chi, hạn chế đi chợ, “nhịn” thịt cá, chung thủy với món ăn ít tiền…

“Chỉ ăn thôi đã méo mặt”!


Nguyễn Thị Bích đang nấu món “cải thiện”. Ảnh: M.H

Chúng tôi đến dãy nhà trọ sinh viên ở số nhà 58, tổ 2, đường K1 thị trấn Cấu Diễn, Từ Liêm. Dù là vùng ngoại thành, nơi giá cả vẫn được coi là “mềm” hơn so với nhiều khu vực nội đô song cuộc sống sinh viên ở đây cũng trở nên khốn khó trước tình trạng giá cả leo thang.

Nguyễn Thị Bích, sinh viên năm thứ 2, Trường ĐH Tài nguyên Môi trường tại khu trọ than thở: “Chị ơi, đừng nói đến “tiêu”, chỉ “ăn” thôi bọn em đã méo mặt rồi”. Khi được hỏi: “Tiền ăn mỗi tháng bọn em góp nhiều không?”, Bích cho biết: “Phòng em có 3 người, quy định tiền ăn 500.000 đồng/người/tháng cho 3 bữa ăn nhưng bây giờ thì không đủ nữa. Một tháng tiền gas hết 120.000 đồng. Tiền dầu ăn, mắm, muối, mì chính, xà phòng hết 150.000 đồng. Số tiền còn lại 1.230.000 đồng chia đều cho ba bữa, sáng 10.000 đồng/3 người; 2 bữa chính”.

Và cuối cùng cô sinh viên này kết luận: “Nhưng bây giờ gạo, dầu ăn, thịt cá, rau củ đều tăng, số tiền góp đó chỉ tiêu 20 ngày là hết”. Như để chứng minh cho những gì mình nói, Bích dắt tôi vào khu bếp, nơi các em đang chuẩn bị món ăn cho bữa tối: “Hôm nay bọn em “cải thiện” không ăn cá khô, lạc rang nữa vì chán đến tận cổ”. Hóa ra, món mà Bích nói “cải thiện” cũng chỉ có su su xào với một bộ… lòng gà!

Nghe trọn cuộc nói chuyện giữa tôi và Bích, em Nguyễn Đình Hùng, sinh viên năm thứ 2 Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội chen vào: “Chị ơi, các bạn gái chi tiêu có kế hoạch nên nhiều khi cuối tháng vẫn có bữa “cải thiện” đấy. Bọn em con trai, ăn tiêu chẳng có kế hoạch gì nên cuối tháng chỉ ăn cơm với mắm hoặc mâm cơm chỉ có một bát canh màu xanh thôi”.

Theo Hùng thì bây giờ đã thế, cuộc sống thời gian tới sẽ còn chật vật hơn nữa vì cách đây 3 ngày bà chủ nhà thông báo sẽ tăng giá phòng trọ từ 900.000 đồng/phòng/tháng lên 1 triệu/phòng/tháng. Bích thì cho hay, hai bạn gái cùng phòng trọ với mình cũng đều là con nhà công nhân và nông dân nên không thể xin thêm tiền bố mẹ. Mỗi tháng bố mẹ chu cấp cho mỗi em 1 triệu đồng là đã vượt quá sức của gia đình. Nên giá có tăng thì khoản trợ cấp cũng không thể lên theo, cách duy nhất là “thắt lưng buộc bụng”.

“Cầu viện” gia đình

Tiếp tục hành trình tìm hiểu cuộc sống sinh viên, chúng tôi đến các dãy nhà trọ thuộc các khu vực trung tâm thành phố, nơi giá cả đắt đỏ hơn nhiều so với khu vực Từ Liêm.

Tại khu trọ trong ngõ 40/2 phố Tạ Quang Bửu, quận Hai Bà Trưng, hầu hết các phòng đã dùng xong bữa tối đang ngồi tán gẫu chuyện giá vàng kéo mọi thứ “bốc hỏa”. Duy nhất cả dãy trọ chỉ có phòng Nguyễn Đình Nam, sinh viên năm thứ 3, ĐH Bách khoa ở cùng em trai là ăn cơm muộn nhất. Mâm cơm tối của anh em nhà Nam có rau muống luộc, nước rau cho bột ngọt làm canh. Món “sang” nhất trong mâm cơm các em là cá cơm khô rim mắm được gửi từ quê ra.

Hơi ngượng ngùng với mâm cơm song Nam cũng chia sẻ: “Từ nửa tháng nay, giá cả tăng cao bọn em không dám đi chợ. Vì nếu chỉ ăn cơm rau luộc với thịt rang hoặc cá mua ngoài chợ thì mỗi tháng đã hết ít nhất 1.500.000 đồng. Nên em đã gọi điện về nhà nhờ bố mẹ mua gạo, cá khô, lạc, trứng để hạn chế đi chợ. Thường em chỉ ra ngõ mua rau xanh và ăn thức ăn do bố mẹ gửi ra”.

Thế nhưng, dù chỉ những thức ăn đạm bạc nhưng cộng với chi phí gas, điện, nước, phòng trọ, đi lại… mỗi tháng hai anh em Nam cũng tiêu hết của bố mẹ hơn 2 triệu đồng.

Những chiêu “siêu tiết kiệm”

Nguyễn Lê Hà, sinh viên ĐH Giao thông vận tải liệt kê: “Bữa sáng bọn em ăn cơm nguội với muối vừng. Hôm nào “cải thiện” thì mua 2 gói xôi ba đứa ăn chung hoặc “úp” mì tôm… Thức ăn chủ yếu cho hai bữa chính là đậu phụ, rau muống luộc; cá cơm khô, cá nục khô, cá nục tươi, lòng xào… Món khoái khẩu của bọn em là trứng sốt cà chua nhưng từ ngày cà chua lên 20.000 đồng/kg thì không dám xa xỉ nữa, chỉ ăn trứng rang thôi”.

Rồi Hà bật mí: “Cách tiết kiệm của bọn em là ăn rẻ, ở vùng ven, dùng sim rác và đi xe buýt”. Nghe cứ như là một câu tục ngữ song đó đúng là đúc kết của nhiều bạn sinh viên lên Hà Nội trọ học.

Em Nguyễn Thị Bích thì có sáng kiến: “Hôm nào muốn cải thiện, em thường đi chợ muộn. Buổi chiều tối hầu hết thịt, cá, tôm, mực đều được bớt giá nên bọn em ăn trễ một chút cũng không sao, miễn là mua được giá rẻ hơn”. “Sáng kiến” của Bích cũng là bí từ quyết chợ búa của nhiều bà nội trợ Hà Nội trong thời tăng giá.

Khác với cách tiệt kiệm của các bạn nữ, em Nguyễn Đình Hùng cho biết: “Tiền ăn thâm hụt liên tục nên tối hôm qua bọn em tổ chức họp phòng, ra “nghị quyết” sáng thứ Bảy nghỉ học sẽ đi mua 2 thùng mì tôm, 2 kg cá khô và 20kg gạo để dự trữ. Mỗi ngày, một đứa không được ăn quá 2 gói mì tôm, mỗi bữa không ăn quá 6 con cá khô và gạo cũng chỉ nấu 1,5 bò/bữa. Ngoài ra, để tiết kiệm chi tiêu cá nhân, bọn em sẽ đi xe buýt thay vì đi xe máy, điện thoại dùng sim rác cho rẻ, mặc chung áo vừa có nhiều cái thay, lại có nhiều mốt…”.

Đời sống sinh viên thời “bão giá” nghe cứ như chuyện hài!

Theo giadinh.net

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc