Home » Kinh doanh » Thống đốc VN: Lạm phát cao không phải do quản lý tiền tệ
Giải trình trước Ủy ban Kinh tế và Thường trực Quốc hội sáng nay, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu thừa nhận những căng thẳng về lãi suất thời gian qua đã ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống kinh tế. Tuy vậy, không ít diễn biến lại nằm ngoài tầm với của chính sách kinh tế.

Phiên điều trần do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức sáng nay (15/12) được dự kiến xoay quanh 2 chủ đề là lãi suất và lạm phát. Tuy nhiên, sự vắng mặt của đại diện Bộ Tài chính và Bộ trưởng Công Thương đã khiến cho nội dung thứ hai có phần lu mờ so với chủ đề lãi suất.

Ngay sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền và Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, phiên điều trần được đi vào phần chính khi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước bước lên trình bày báo cáo tóm tắt về điều hành chính sách tiền tệ và các giải pháp ổn định lãi suất.

Buổi điều trần tại Văn phòng Quốc hội sáng 25/12. Ảnh: Nhật Minh
Buổi điều trần tại Văn phòng Quốc hội sáng 25/12. Ảnh: Nhật Minh

Báo cáo dài 7 trang với rất nhiều số liệu được Thống đốc Nguyễn Văn Giàu kết luận bằng khẳng định: “Việc điều hành tiền tệ trong năm qua không trực tiếp gây ra lạm phát, nếu xét về các chỉ số về cung ứng tín dụng, phương tiện thanh toán”…

Tuy nhiên, người đứng đầu ngành ngân hàng cũng thừa nhận tình trạng lãi suất tăng cao đột biến, đặc biệt là trong giai đoạn 2 tháng cuối năm đã gây ra không ít bất ổn cho nền kinh tế: Các ngân hàng lao vào một cuộc đua huy động bằng những biện pháp không lành mạnh, trong khi doanh nghiệp lao đao vì phải vay vốn với lãi suất cao…

Trong số 6 nguyên nhân được Thống đốc nêu ra để lý giải cho tình trạng này, đáng chú ý có câu chuyện lạm phát. Theo ông, để đuổi theo mức lạm phát lên đến 11,75% (tính tới cuối tháng 12), không ít nhà băng đã phải nâng lãi suất huy động lên trên con số này để đạt được mức lãi suất thực dương.

Lý giải này của Thống đốc cũng được thành viên Ủy ban Kinh tế Trần Du Lịch chia sẻ. Theo vị đại biểu này thì tại Việt Nam, “lãi suất mà không thực dương thì vô phương huy động”. Tuy vậy, vấn đề được ông Lịch và nguyên Thống đốc Cao Sĩ Kiêm đặt ra trong phiên điều trần sáng nay là mức thực dương là bao nhiêu cho hợp lý.

“Tôi thấy năm suy thoái ngân hàng cũng có lãi. Năm nay lạm phát cao mà nhiều ngân hàng vẫn lãi tới 2.000 tỷ đồng. Trong khi doanh nghiệp thì khó khăn. Nhìn vậy “ngứa mắt” lắm”, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ khẳng khái.

Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sĩ Kiêm. Ảnh: Nhật Minh
Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sĩ Kiêm. Ảnh: Nhật Minh

Tuy vậy, theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, lợi nhuận của các ngân hàng trong thời gian qua phần lớn là do các hoạt động kinh doanh khác, chứ không đơn thuần từ huy động và cho vay truyền thống. Do vậy, nói các ngân hàng tăng lãi suất để kiếm lời có phần “hơi oan”.

“Trên thực tế, chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay bình quân của các ngân hàng hiện ở mức 2,5%, giảm nhiều so với những năm trước (trên dưới 4%). Chúng tôi tính toán rằng biên lãi suất này khoảng 2,2-2,5% thì mới đảm bảo an toàn cho hệ thống”, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu khẳng định.

Một vấn đề khác cũng được đại diện của Ngân hàng Nhà nước “thanh minh” trong phiên điều trần sáng nay là việc điều hành chính sách tiền tệ mà theo nhiều ý kiến, còn theo kiểu chạy theo thị trường, “giật cục” và “hay ra đòn gió”.

Thống đốc thừa nhận việc chính sách tiền tệ có những biến đổi nhất định theo điều kiện và tình hình thực tế. Tuy nhiên, điều này là hoàn toàn phù hợp với điều kiện kinh tế thế giới và trong nước có những biến động phức tạp trong thời năm qua. Các chính sách này cũng được nghiên cứu, bản bạc kỹ và thực hiện công bố thấu đáo trước khi thực hiện.

Riêng 2 “vụ tại nạn” về việc Ủy ban Giám sát tài chính cú sốc về lãi suất của Techcombank, Thống đốc khẳng định đều nằm ngoài tầm kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước. Tuy vậy, việc khắc phục hậu quả cũng được ngân hàng trung ương triển khai ngay khi sự cố xảy ra.

Thống đốc Nguyễn Văn Giàu khẳng định đã điều hành tiền tệ đúng với trách nhiệm được giao. Ảnh: Nhật Minh
Thống đốc khẳng định đã điều hành tiền tệ đúng với trách nhiệm được giao. Ảnh: Nhật Minh

“Đơn cử như để xử lý hệ quả của cú sốc lãi suất mà Techcombank gây ra, Ngân hàng Nhà nước đã phải bơm ngay 15.000 tỷ đồng ra trong vòng 4 ngày sau đó. Chúng tôi cũng đã tiến hành cảnh cáo và kỷ luật Chủ tịch và Tổng giám đốc của ngân hàng này”.

Động thái này, cùng với việc cho nhập khẩu vàng, giải quyết thiếu hụt ngoại tệ… được Thống đốc khẳng định là ví dụ dễ thấy nhất của việc Ngân hàng Nhà nước “ra đòn thật chứ không phải đòn gió” để bình ổn thị trường tiền tệ.

Tuy nhiên, người đứng đầu ngành ngân hàng cũng thừa nhận trong quá trình điều hành của mình, chưa hóa giải được những yếu kém, bất cập trong nội bộ hệ thống các tổ chức tín dụng. Theo Thống đốc, việc các ngân hàng đua nhau tăng lãi suất trong thời gian qua cũng có một phần nguyên nhân đến từ chênh lệch về tiềm lực tài chính giữa các ngân hàng, đặc biệt là các nhà băng nhỏ.

“Thời gian qua, cũng có ý kiến cho rằng cho phép các ngân hàng nhỏ huy động với lãi suất cao hơn. Tuy nhiên, nếu thực hiện như vậy thì các ngân hàng lớn chắc chắn sẽ không chịu. Vả lại, cạnh tranh thì phải công bằng”, Thống đốc chia sẻ.

Tuy vậy, đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng đang nghiên cứu các giải pháp để hỗ trợ các ngân hàng nhỏ. Trong đó, có thể xem xét việc hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các tổ chức tín dụng này khoảng 1% để nhà băng có thêm thanh khoản.

Phát biểu kết thúc phiên điều trần, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đánh giá cao nỗ lực điều hành của Ngân hàng Nhà nước trong giai đoạn kinh tế, tài chính có nhiều diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, Thường vụ Quốc hội cũng yêu cầu Thống đốc chỉ đạo sát sao hơn nữa, phối hợp chặt với các cơ quan liên quan như Bộ Tài chính, Bộ Công Thương để điều hành tiền tệ, tài chính, đảm bảo mục tiêu ổn định và phát triển kinh tế vĩ mô trong năm 2011.

Nhật Minh

Theo vnexpress


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc