Home » Xã hội » Người phụ nữ 30 năm chưa được ngủ yên

Hơn 30 năm, bà Hà Thị Điều (58 tuổi, ngụ thôn Lộc Đông, xã Quế Lộc, huyện Quế Sơn – Quảng Nam) gần như thức trắng để lo cho con và gồng mình chịu đựng những vết thương do chúng gây ra.

Thôn Lộc Đông, xã Quế Lộc, huyện Quế Sơn – Quảng Nam có một xóm nhỏ với gần 20 nóc nhà mà người dân thường gọi là xóm Mũi. Gọi như vậy bởi đây là khu vực cuối cùng của xã, nằm cách biệt hoàn toàn với bên ngoài.

Nỗi đau chồng chất

“Xóm Mũi gần mà xa lắm chú ơi!”. Một người dân trong thôn nói khi chúng tôi hỏi đường. Đi bộ gần nửa giờ theo đường ruộng sình lầy, chúng tôi mới có mặt tại xóm Mũi. Thấy người lạ đến, tiếng chó làng sủa vang vào vách núi, cùng với đó là những tiếng ré vô hồn nghe rợn người. Hơn 30 năm qua, người dân xóm Mũi đã quá quen với những âm thanh đó phát ra từ ngôi nhà của bà Hà Thị Điều, 58 tuổi.

“Ông tìm xem còn cái ly uống nước nào không?” – bà Điều giục chồng khi thấy chúng tôi đến thăm. Trước vẻ ngạc nhiên của khách, bà phân trần: “Được cái ly nào thằng Thanh nó đập hết rồi. Chừ cả nhà phải dùng chén bát nhựa cùng với nó!”. Ông Võ Tịnh (chồng bà Điều) xuống bếp với dáng xiêu vẹo vì mới trải qua ca phẫu thuật chấn thương sọ não sau lần bị Thanh rượt đuổi khi lên cơn. Một lúc sau, ông trở lên mang theo ấm nước và một cái ly. Đây là ly uống nước cuối cùng còn sót lại trong ngôi nhà trống trơn, không có vật dụng gì đáng giá ngoài chiếc tivi đen trắng.

Bà Hà Thị Điều chăm sóc hai người con tàn tật Anh và Em

Rót nước mời khách, bà Điều tâm sự: “Mong các con chết trước vợ chồng tôi! Chúng nó chết trước, tôi còn lo được, chứ mai này vợ chồng tôi chết đi thì lấy ai nuôi và lo cho chúng”. Như để giấu dòng nước mắt, bà đi vào nhà cố dỗ dành hai đứa con đừng la hét.

Bốn lần hạ sinh, bà Điều được 5 người con, trong đó người con trai đầu, Võ Ngọc Thanh (36 tuổi) bị tâm thần, học 17 năm không hết lớp 1. Cặp song sinh sau cùng là Võ Văn Anh và Võ Văn Em (31 tuổi) bị nhiễm chất độc da cam nên dị dạng bẩm sinh, ngây ngô, ăn nằm một chỗ. Bà Điều kể: “Anh và Em vừa lọt lòng đã mang nhiều dị tật. Vợ chồng tôi phải bán sạch gia tài để chữa trị cho con nhưng rốt cuộc cũng không khỏi. Còn Thanh thì năm học lớp 1 tự dưng đổ bệnh, bác sĩ bảo bị tâm thần”. Không có tiền chữa trị, vợ chồng bà đành mang con về nhà và thầm cầu mong con lành bệnh nhưng bệnh của Thanh ngày càng nặng hơn. Hôm chúng tôi đến, Thanh đang ngồi đùa nghịch với hai đứa em tàn tật. Thấy khách lạ, Thanh bỏ chạy một mạch vào núi. Bà Điều bảo: “Nó thế đó. Chỉ tôi nói nó mới nghe”.

Chưa đêm nào ngủ ngon

Hơn 30 năm trời nuôi con, chưa đêm nào bà Điều ngủ ngon, có lẽ vì vậy mà mái tóc bà đã bạc gần hết. “Mấy hôm trước đau đầu, nôn mửa, tôi đến bệnh viện khám. Bác sĩ kết luận bị thần kinh và đưa tôi mấy viên thuốc an thần bảo uống xong ngủ vài đêm là khỏi nhưng tôi đâu dám uống. Uống vào ngủ rồi ai lo cho chúng” – giọng bà Điều nặng trĩu.

“Chúng nó đâu như con cá, con gà, bẻ cái là chết. Con mình sinh ra, số phận nó đã thế. Vợ chồng tôi chấp nhận. Tôi giờ tự lo còn không nổi nói gì đến chuyện lo cho con. Tội cho bà ấy, một mình vừa chăm sóc chồng vừa chăm sóc con”. Ông Tịnh lên tiếng rồi tiếp tục ôm đầu vì vết thương không ngừng hành hạ.

Hằng ngày, bà Điều quần quật trên 3 sào ruộng để nuôi sống cả nhà. Hai người con gái lấy chồng xa, nhà nghèo nên cũng không đỡ đần được gì. Ở tuổi xế chiều nhưng hằng ngày bà Điều vẫn phải gồng gánh nuôi chồng, nuôi con. Lần mổ chấn thương của ông Tịnh tiêu tốn hết 15 triệu đồng, giờ gia đình phải sống trong cảnh nợ nần chồng chất. “Lần đó, không hiểu sao thằng Thanh nổi cơn đòi đánh đập cả nhà” – bà nói.

Những đêm Anh và Em lên cơn quậy phá không cho dân làng ngủ, bà Điều lại phải thức trắng dỗ dành, lắm lúc chịu đựng những trận đòn của các con. Ba mươi năm nuôi con cực khổ, bà chưa một lời than vãn mà âm thầm cam chịu để dành hết tình thương cho các con.

Không dám đi đâu xa

“Tôi không dám đi đâu xa vì lo cho con. Cứ xa chúng một ngày là tôi không an lòng” – bà Điều vừa nói vừa đút từng thìa cơm cho Anh và Em. Cầm gói bánh chúng tôi làm quà, bà vui mừng nói: “Tụi nó thích lắm. Lớn rồi mà cứ đưa bánh ra dỗ dành là chúng yên ngay. Nhiều khi muốn con ăn uống sướng một chút nhưng biết lấy gì mà mua cho chúng”.

Rời xóm Mũi khi chiều vừa buông xuống, chúng tôi còn nghe văng vẳng bên tai những tiếng la hét lạnh người giữa núi rừng cô quạnh. Nơi đó, người mẹ già vẫn ngày đêm tần tảo nuôi con dù một tia hy vọng cho tương lai của chúng cũng chẳng còn…


Theo 24h

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc