3h chiều, tại bến xe miền Đông nhốn nháo cảnh người chen lấn lấy hành lý ở khu vực trả khách. Trong tiếng còi xe inh ỏi, tiếng chèo kéo của người lái xe ôm và cả tiếng gọi nhau í ới của khách trở lại thành phố làm việc… có nhiều em bé khóc sướt mướt trên ngực mẹ vì phải chịu o ép suốt một hành trình dài.
Một tay kéo túi hành lý, tay kia nách con, chị Thủy (quê Bình Thuận) thở hổn hển cho biết: “Tôi bắt xe từ sáng đến giờ mới về đến thành phố. Hàng trăm chuyến xe chạy qua, nhưng không có một xe nào còn chỗ cho hai mẹ con tôi. Mãi cũng lên được, nhưng phải ngồi bệt xuống sàn xe. Thế là còn may lắm rồi, nhiều người còn phải đứng suốt cả đường đi”.
Đặt đứa con gái 5 tuổi xuống ghế, tu một hơi cạn cốc nước lọc, chị Thủy cho biết thêm, chị đi từ TP Vũng Tàu về đây bằng xe du lịch 24 chỗ nhưng tài xế đã nhồi nhét gần 40 người. Giá vé cũng mắc hơn mua trong bến 20 nghìn, từ 60 lên 80 nghìn. Trên đường đi tài xế còn vượt ẩu làm cho hành khách nhiều phen khiếp vía.
|
Hàng chục ngàn người đã trở lại TP HCM trong ngày 2/1 tại bến xe Miền Đông. Ảnh: Tá Lâm. |
Không còn sức để trụ vững, phải nhờ bạn trai dìu xuống trên chiếc xe tốc hành Phan Thiết – Sài Gòn, Tiểu My (sinh viên khoa Quản trị Kinh doanh, ĐH Kinh tế – Luật TP HCM) chia sẻ: “Dù phải chen lấn hay giẫm đạp lên nhau, giá nào em cũng phải về thành phố vì mai em có môn học quan trọng không thể nghỉ. Về đây chả còn sức nữa, có khi mai phải bò lên trường mất thôi”.
Theo ghi nhận của VnExpress, hơn 2h có gần 100 xe du lịch chật ních khách đổ về bến. Hầu hết, những xe này đều xuất phát từ các thành phố có khu du lịch nổi tiếng như Vũng Tàu, Đà Lạt, Phan Thiết, Nha Trang…
Tương tự, cửa ngõ miền Tây cũng bắt đầu “nóng” lên từng phút. Hàng trăm chuyến xe tốc hành từ các tỉnh Cà Mau, Cần Thơ, Vĩnh Long… ùn ùn đổ về. Suốt từ sáng đến chiều tối, lượng khách tăng dần lên. Hành khách xuống xe trong những khuôn mặt hốc hác vì mệt mỏi chen lấn trên xe.
“Về được đến đây là may mắn lắm rồi. Ở dưới bến Ninh Kiều (Cần Thơ), hàng trăm người xếp hàng dài trên vệ đường ngồi chờ đợi xe nhưng chắc gì đã còn.”, Thục Quyên (22 tuổi, quê Bình Phước), nhân viên công ty điện máy Thăng Long cho biết.
Còn anh Hải (nhân viên ngân hàng Sacombank) chia sẻ, không nên đi chơi vào những dịp lễ tết vì vừa đông người, chen lấn mệt mỏi và các dịch vụ chặt chém, giá cả trên trời.
“Đã thế, tôi còn bị móc túi mất chiếc điện thoại di động. Giờ chả biết phải kêu ai. Kinh nghiệm nhớ đời, không bao giờ tôi đi chơi vào dịp lễ tết nữa, ở nhà ngủ cho sướng”, anh Hải tâm sự.
Một nhân viên phụ trách bến xe miền Tây cho biết, đến 5h chiều, khoảng 20.000 người đã về đến bến, tăng gần 10.000 người so với ngày thường. Anh này dự báo, đến tối còn đông hơn vì ở một số tỉnh xa như Cà Mau, phải đến đêm xe mới về đến đây.
Không chỉ tập trung đông ở các bến xe cửa ngỏ Sài Gòn, mà những bến xe nhỏ như Lam Hồng (Thủ Đức), Bến xe Ga (quận 12)… và trên các tuyến quốc lộ, hàng khách xuống xe đông khiến cho tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ càng trở nên nghiêm trọng hơn.
|
Lượng khách về các bến xe Hà Nội không đông như sau các đợt nghỉ lễ khác. Ảnh: Nguyễn Hưng. |
Trong khi đó, ở Hà Nội, lượng người đổ về sau 3 ngày nghỉ không đông như dự tính. Hàng chục lái xe ôm đứng tập trung trong khu vực trả khách cười đùa vì ít khách.
Theo nhân viên bến xe Giáp Bát và Mỹ Đình, đa số người dân đã trở lại thành phố vào chiều tối 2/12. Tuy nhiên, nhìn chung cả hai ngày vừa qua, lượng khách về bến cũng chỉ tương đương những dịp cuối tuần.
Tá Lâm – Nguyễn Hưng
Theo vnexpress
Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!