Home » Kinh doanh » Giảm cầu để phát triển kinh tế thời lạm phát
Tại diễn đàn CEO về “Lãnh đạo sáng tạo” sáng nay (9/3), chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn cho rằng giảm cầu là một biện pháp để phát triển kinh tế trong thời kỳ lạm phát.

Thưa ông, hiện tại giá nguyên liệu đầu vào và chi phí sản xuất tăng cao, dẫn đến các doanh nghiệp đều tăng giá sản phẩm . Ông nghĩ thế nào về điều này?

Thực tế, không phải một doanh nghiệp phải đương đầu với những vấn đề đó, nên việc tăng giá các thành phẩm là chuyện đương nhiên. Cả người tiêu dùng và các doanh nghiệp đều phải học cách sống chung với lạm phát vì rõ ràng là tiền giấy thì dễ in ra còn tài nguyên, nguyên liệu thì không phải có hạn và hàng hóa cũng không dễ làm ra.

Ông Huỳnh Bửu Sơn phát biểu tại diễn đàn CEO sáng 9/8. Ảnh: Nguyễn Khánh
Ông Huỳnh Bửu Sơn phát biểu tại diễn đàn CEO sáng 9/8. Ảnh: Nguyễn Khánh

Vậy, các doanh nghiệp cần làm gì trong hoàn cảnh giá sản phẩm tăng cao còn người dân ngày càng thắt chặt chi tiêu, thưa ông?

Trong tình thế mọi mặt hàng đều tăng giá thì vấn đề đặt ra là người tiêu dùng sẽ chỉ chọn những sản phẩm thiết thực nhất với mục đích sử dụng. Điều này, đòi hỏi các doanh nghiệp ngoài việc đảm bảo chất lượng hàng hóa còn cần nỗ lực tìm ra nhu cầu chính yếu của khách hàng mục tiêu.

Người dân chỉ chọn những sản phẩm thiết yếu thì vấn đề kích cầu tiêu dùng ra sao, thưa ông?

Chúng ta cần có những phương án thích hợp cho tùy từng hoàn cảnh. Khi kinh tế khó khăn mới cần biện pháp kích cầu. Còn tại thời điểm hiện tại, nhiệm vụ đặt ra là phải kiềm chế lạm phát và giảm cầu tiêu dùng. Lãi suất cao, giá hàng hóa cao thì người tiêu dùng sẽ hạn chế hơn. Do vậy, trong chiến dịch kiềm chế lạm phát của năm nay, tôi nghĩ khẩu hiệu sẽ là giảm cầu.

“Trong chiến dịch kiềm chế lạm phát của năm nay, tôi nghĩ khẩu hiệu sẽ là giảm cầu”, ông Sơn cho biết. Ảnh: Nguyễn Khánh

Thưa ông, gần đây Nhà nước đưa ra chính sách siết chặt tín dụng dưới 20%. Ông nghĩ thế nào về điều này?

Đó là con số thể hiện sự mong muốn và kỳ vọng. Song đây không đơn thuần là việc hạn chế tín dụng mà là một định hướng tín dụng có chọn lọc. Tức là tăng trưởng tín dụng chỉ dành cho những ngành công nông nghiệp và dịch vụ thực sự mang lại lợi ích cho việc phát triển kinh tế như tạo công ăn việc làm, đảm bảo xuất khẩu và duy trì nhịp độ sản xuất, kinh doanh. Từ đó đạt hai mục tiêu là kiềm chế lạm phát và không làm giảm quá nhiều tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Ông có thể đưa ví dụ cụ thể?

Như việc không đưa tín dụng vào những ngành, dự án đóng băng và không có hiệu quả. Ngay cả những dự án của Nhà nước hay liên quan đến bất động sản, có lẽ trong năm nay cũng cần tự chế cấp tín dụng.

Vậy ông nghĩ Nghị quyết 11 của Chính phủ đưa ra có khả năng đạt được không khi chỉ số tiêu dùng trong hai tháng đầu năm đã vượt trên 3%?

Con số đó thể hiện quyết tâm và nội lực của Chính phủ cũng như toàn ngành kinh tế. Chúng ta cũng mong cho mục tiêu đó đạt được. Còn đạt được hay không còn phụ thuộc vào sự thành công của từng biện pháp mà chúng ta áp dụng.

Xuân Ngọc

Theo vnexpress

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc