Home » Cổ truyền, Tiêu Điểm, Văn hóa » Thành Cát Tư Hãn đã trở lại “trị quốc”?

Từ năm 1990, làn sóng ý thức dân tộc dâng mạnh mẽ tại Mông Cổ đã tìm được lưu vực mới là củng cố di sản văn hoá truyền thống, trong đó có sự tôn vinh những gì là tích cực của thời đại Thành Cát Tư Hãn.

Một thoáng nhìn lại

Chủ quyền của Mông Cổ (giành được sau 300 năm đô hộ của nhà Mãn Thanh) được củng cố bằng cuộc cách mạng kiểu xô viết năm 1921 đã được thế giới đa cực chính thức công nhận vào năm 1946.

Theo các nhà quan sát quốc tế thì nhiều thập niên trước, Ulan Bato đã cố gà gật giấc ngủ trưa sa mạc, dưới “bóng cả” của hai “cây đại thụ về hệ tư tưởng” vươn tới từ Moscow và Bắc Kinh.

Học giả phương Tây cho rằng Genghis Khan như một thần tượng ở không gian Mông Cổ đã bị “cơn sóng” từ Kremli đè bẹp vào năm 1949. Đại Hãn này bị lên án là “phản động”, là đàn áp các lực lượng sản xuất tiến bộ trong các cuộc xâm lược của mình, một quan điểm mà học giả Đông Âu hôm nay vẫn dẫn được sử liệu(1). Kết quả là các lễ hội tôn vinh di sản của Genghis Khan bị bãi bỏ, những con tem in hình ông ta bị loại.

d
Genghis Khan gợi đến những cuộc xâm lược đẫm máu dưới vó ngựa của thiên binh vạn mã

Kể từ đầu kỷ nguyên “cách mạng nhung” năm 1990, Mông Cổ nhấn mạnh chủ quyền của quốc gia đa dân tộc. Trong tiến trình này, Ulan Bator đã chính thức tuyên bố về di sản lịch sử văn hoá gần một thiên niên kỷ của Đế quốc Mông Cổ (Mongol), cũng như quyền thừa kế cả hoạt động chính trị của Genghis Khan (2) .

Hiện cái tên Genghis Khan (Genghis/Thành cát – Chúa tuyệt đối, Khan/Đại Hãn – người cai trị) vẫn gợi đến những cuộc xâm lược đẫm máu dưới vó ngựa của thiên binh vạn mã quen “trường trận”. Trong mắt nhiều dân tộc liên lục địa Á – Âu, Genghis Khan vẫn là “hung đồ” (3), bạo chúa …

Đồng thời Ghengis Khan hiện cũng là một biểu tượng, theo truyền thông quốc tế, bị “giành giật” bởi nhiều nước từng thuộc lãnh thổ của Đế quốc Mongol(4), như Kirgizia, Kazakhstan, Iakutia…, cả ở khu tự trị Nội Mông (nay thuộc Trung Quốc) (5) .

Thức dậy những nét văn vật

Trong hoang mang vì sự sụp đổ các lý tưởng kiểu xô viết, chính văn học trong nước ở Mông Cổ lại trở thành “nơi trú ẩn” (6), giúp người dân cân bằng tâm hồn, gìn giữ nhân cách và tự trọng dân tộc. Chủ đề tự trọng dân tộc nhấp nháy như đèn hiệu trong nền văn hoá theo hướng độc lập tự chủ, như phác thảo cho một hệ tư tưởng mới. Khuôn mẫu văn học từ nhân vật có thực là Thành Cát Tư Hãn trở thành liều thuốc có cân nhắc về định lượng để thổi bùng một ý thức dân tộc cho thế hệ mới.

Những năm 1990, Mông Cổ đã xuất bản hàng chục chuyên khảo nói về kỷ nguyên Genghis Khan, về tiểu sử của ông, trong đó có nhiều sách dịch. Tới nay đã có thêm gần chục cuốn sách tiếng Mông Cổ viết về Đại Hãn này. Các nhà soạn nhạc, soạn kịch cũng chọn kỷ nguyên Đế quốc Mongol làm đề tài cho rất nhiều sáng tác. Các rạp phim, kịch trường… đông đúc mỗi dịp diễn vở mới, hay chiếu phim về thời đại Genghis Khan.

Trong các buổi “Đọc thơ cho cộng đồng” bắt đầu nổi lên hình tượng Genghis Khan trong hoài niệm về một về quá khứ hào hùng, thơ mộng hoá đời sống du mục, coi trọng các bậc lão thành, giữ gìn môi trường sống, yêu cảnh quan thiên nhiên…

Tổng thống Nambaryn Enkhbayar (nhiệm kỳ 2005 – 2009) khi đó còn là Thủ tướng, trong Hội nghị quốc tế về Mông Cổ học năm 2002, đã hết lời ca ngợi những đóng góp của người dựng nên Đế quốc Mông Cổ. Từ năm 2004, chữ viết Uighur (7) Script đã chính thức được công nhận là di sản quốc gia. (Hiện thời người Mông Cổ vẫn dùng mẫu tự Nga để thể hiện từ ngữ tiếng nước mình ở dạng văn bản). Năm 2005 Lăng Sukhe Bato(8) đã được di dời để lấy chỗ xây dựng tượng đài Genghis Khan.

Năm 2006, kỷ niệm 800 năm ngày đế quốc Mongol, 840 năm ngày sinh Genghis Khan, tại Mông Cổ đã khánh thành tượng đài cuốn sách Kho báu truyền thuyết của người Mông Cổ (viết năm 1240) cao 25 mét bằng đá quý.
d
Khánh thành tượng đài Khan, 2007

Tháng 7 hàng năm có ngày quốc khánh Mông Cổ (11/7), ngày lễ cổ truyền Nadam (11/7 – 13/7) và ngày sinh của Genghis Khan (27 – 28/7). Vào những dịp này, ở khắp đất nước Mông Cổ, các cuộc phi ngựa, bắn cung được tiến hành khắp nơi.

Dân chúng mặc trang phục dân tộc cực kỳ lộng lẫy, tới xem các loại hình thi đấu thể thao của kỷ nguyên Genghis Khan mới được khôi phục lại, các buổi biểu diễn nhạc cụ dân tộc với sự tái xuất mạnh mẽ của đàn morin khuur. Nhạc cụ này từng được Marco Polo mang về châu Âu sau khi đi thăm hoàng đế nhà Nguyên Hốt Tất Liệt, cháu nội của Genghis Khan.

Trong “mắt tây”

Du khách phương tây lần đầu khám phá một nước từng là “vệ tinh của quỹ đạo xô viết” đã đến Mông Cổ phải qua sân bay Genghis Khan. Lưu học sinh vào học Đại học Genghis Khan. Khách vào nghỉ tại Khách sạn Genghis Khan.

Khuôn mặt “râu hùm” của Khan xuất hiện trên các lon nước uống tăng lực, chai vodka, thuốc lá… và cả trên những đồng tiền dùng mua các hàng hoá này (9). Năm 2008, Tượng đài Genghis Khan cao 40m, nặng 250 tấn làm bằng thép không rỉ được khánh thành. Theo The New York Times, đối với nhiều người Genghis Khan là “người anh hùng, là cha, là Thượng đế”.

d
Tượng đài Genghis Khan (2008)

Xung quanh tượng đài này, trên diện tích 15ha, sẽ là quần thể các công trình thể hiện cuộc sống của người Mông Cổ trong thế kỷ 13. Giá ước lượng của công trình là khoảng 13 triệu USD. Giá của tượng đài Genghis Khan là 4,1 triệu USD.

Giám đốc điều hành của hãng Genco Tour Bureau (hãng đóng góp chủ yếu trong xây dựng tượng đài Genghis Khan) cho phóng viên The New York Times hay tượng đài này là “niềm tự hào dân tộc”, rằng người Mông Cổ thật hạnh phúc thấy toàn thế giới tới thăm đất nước này và tìm hiểu tầm quan trọng của Mông Cổ trong lịch sử.

Những người Mông Cổ “phó thường dân” thì có vẻ thực dụng hơn khi xem xét việc thờ phụng Genghis Khan như một dịp nâng cốc, hoặc tăng nguồn thu nhập cho dịch vụ du lịch. Nhưng Todugur Munkochir, một nhân viên nhà băng 25 tuổi, nói với phóng viên The New York Times, “Genghis Khan ác, nhưng ông ấy đưa đất nước chúng tôi lên tầm vĩ đại. Nếu các vị ngắm Lincoln hay Julius Caesar, thì sẽ có sự tương đồng”.

“Không thể coi Genghis Khan là một anh hùng dân tộc chân phương, theo cách nhiều người Mông Cổ muốn”. Ông Atwood, tác giả “Bách Khoa tự điển về Mông Cổ và Đế chế Mongol”, nói.

Thần thánh hoá?

Những năm gần đây, trong các nghi thức cấp cao ở Ulan Bato, đã xuất hiện lễ chào quân kỳ màu đen của Genghis Khan, trở thành quân kỳ của quân đội Mông Cổ, với sự có mặt của lãnh đạo cấp cao nhất (10).

Các buổi lễ thờ cúng các đỉnh núi thiêng do các phù thuỷ (shaman) tiến hành cũng thường có mặt các lãnh đạo chủ chốt ở Ulan Bato. Trong kho tàng hội hoạ cổ vùng Ba Tư còn lưu được một bức tiểu hoạ về Genghis Khan thực hiện nghi lễ của shaman trong một trận đánh

Genghis Khan thực hiện nghi lễ của shaman trong một trận đánh
Genghis Khan thực hiện nghi lễ của shaman trong một trận đánh

Nghiên cứu phương Tây cho hay Genghis Khan từng là một shaman, trước khi các nhà sư truyền thuyết hoá ông ta thành một vị thần hoá thân thành một vị dòng dõi hoàng tộc Ấn Độ và Tây Tạng(11). Các học giả cho hay, sinh thời Genghis Khan đã không chọn hẳn tôn giáo nào, mà tỏ ý tôn trọng tất cả.

Thần tượng Genghis Khan được chính thức xác lập trong nhận thức quần chúng. Hiện trong mỗi ngôi nhà chân dung Genghis Khan đặt cạnh Đức Phật. Mông Cổ hiện vẫn còn tới 40% dân cư không theo tôn giáo nào, có thể vì thế quan sát viên quốc tế cho rằng chân dung Genghis Khan, trong nhiều nhà, đã thay ảnh “Đức Phật”(12).

Tỉnh táo trong nhận thức

Ban đầu, Genghis Khan, một thần tượng về “trị nước, bình thiên hạ”, đã đóng vai trò “lấp chỗ trống” về hệ tư tưởng ở thời kỳ hậu xô viết. Càng về sau năm 1990, Genghis Khan, như biểu tượng cả cho quyền lực lẫn bản sắc dân tộc, càng “gánh vác” nhiều hơn “sứ mạng” tạo bước ngoặt. Bởi cơ sở về tư tưởng cho thống nhất quyền lực, đặc biệt cho giai đoạn chuyển đổi, là phải tạo được thần tượng có sức cuốn hút.

Ở tầm chiến lược, đã hình thành hệ thống các biểu tượng quốc gia đúc rút từ các truyền thống, được huy động để xây dựng “tấm danh thiếp” cho Mông Cổ trong thiên niên kỷ mới. Ở trung tâm của các biểu tượng văn hoá hiện tại, “người thực, việc thực” Genghish Khan” được tôn vinh như đặc trưng cho ý thức dân tộc.

Thống nhất trong hành động

Lòng tự hào dân tộc, chủ nghĩa quốc gia trong dân cư, nguyện vọng và sứ mạng tập trung quyền lực của chính khách, đã tìm được điểm gặp trong tôn thờ Genghis Khan. Việc phát huy truyền thống, thay cho những độc diễn về hệ tư tưởng như trước đây, đã thiết kế những thắng lợi chính trị cho một số lãnh đạo chủ chốt (13).

d
Đua ngựa trong ngày lễ cổ truyền Nadam

Sự tôn trọng truyền thống cũng thể hiện ở những nỗ lực khôi phục lại những danh tính cổ truyền. Những tục lệ đã bị ngưng trệ từ thời bị nhà Mãn Thanh cũng quay trở lại. Nhờ khôi phục lại ký ức của dân tộc, thế giới quan của thế hệ mới thay đổi căn bản. Trong sự nghiệp này giới chức và trí thức đã đồng lòng với nhau.

Chính quyền khuyến khích và tài trợ các công trình nghiên cứu lịch sử và văn học sử, theo hướng khoa học và sáng tạo. Cuốn Hợp tuyển văn thơ Mông Cổ thuộc dự án dài hạn “Thư viện của các Đại Hãn” dày tới hơn 100 tập là một ví dụ. Ban lãnh đạo ở Ulan Bato cũng chú trọng tôn vinh vai trò của đạo Phật, bên cạnh Genghis Khan. Tượng Phật bằng vàng trong nhà cao nhất thế giới (26,4) tại tu viện Megjid Janraisig, Ulan Bato, được trùng tu từ năm 1995.

Gần như ở các nước phát triển hơn, tầng lớp trí thức tinh hoa tạo hình cho hệ tư tưởng chính thống ở Mông Cổ, kiến thiết niềm tin về chính trị và nền tảng đạo đức xã hội, thúc đẩy các chính sách tiến bộ, kiên trì định hướng củng cố chủ quyền quốc gia dựa trên hệ tư tưởng tiến bộ. Đồng thời, Ulan Bato hiểu rõ rằng nhận thức về Genghis Khan là khác nhau ở các nước khác.

Về tổng thể, đời sống văn hoá tinh thần hiện nay ở Mông Cổ gắn bó với quá trình phát huy lòng yêu nước, thực hiện các lợi ích dân tộc chính đáng, đồng thời tích cực hoà nhập quốc tế trong điều kiện giữ gìn bản sắc dân tộc.

Lê Đỗ Huy(tổng hợp)

1. Nguồn: Thành Cát tư Hãn vạn tuế? (ЖИВОЙ, ЕЩЕ ЖИВЕЕ ВСЕХ ЖИВЫХ) Tạp chí Liên lục địa Á – Âu, Nga.
http://evrazia.org/article/1285
2. Nguồn: Văn hóa truyền thống và hệ tư tưởng dân tộc của nước Mông Cổ hiện đại.
http://www.iaas.msu.ru/res/lomo06/ecol/skorodumova.htm
3. Nguồn: Genghis Khan lại lãnh đạo Mông Cổ, nay trong một chiến dịch quan hệ công chúng
http://www.nytimes.com/2009/08/03/world/asia/03genghis.html?_r=1
4. Đế quốc lớn nhất trong lịch sử nhân loại, với diện tích tới 33 triệu km2 , chiếm gần hết hai lục địa Á – Âu, cả Ấn Độ và Trung Cận Đông.
5. Cũng như chú thích 1,2 và 3.
6. Xem chú thích 2.
7. Người Uighur/Uyghur chủ yếu sống ở khu tự trị Tân Cương Trung Quốc.
8. Tên của lãnh tụ tối cao cách mạng Mông Cổ Sukhe Bato (Дамдин Сүхбаатар, 1893 – 1923) được đặt cho thủ đô Ulan Bator, theo tiếng Mông Cổ là thành phố của “Người anh hùng đỏ”). Thi thể ông ban đầu được chôn ở Altan Ölgii, nhưng năm 1954 được khôi phục lại, rồi đưa vào bảo quản được đặt trong Lăng, tương tự như Lăng Lê Nin ở Moscow. Năm 2005, xác lãnh tụ tiền bối của cách mạng Mông Cổ này, cùng với xác người kế nhiệm ông là lãnh tụ Khorlogin Choibalsan (Хорлоогийн Чойбалсан,1895 – 1952) được đưa từ lăng ra, hoả thiêu theo nghi lễ Phật giáo, rồi lại đưa về Altan Ölgii chôn.
9. Xem chú thích 3.
10. Xem chú thích 2.
11. Xem chú thích 3.
12. Xem chú thích 2.
13. Xem chú thích 2.


Theo bee


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc